Cái lý của người Mông: Không trộm cắp, ăn xin

Khánh Hoan
Khánh Hoan
17/04/2023 07:12 GMT+7

Đối với người Mông, trộm cắp và đi ăn mày được coi là những hành vi đáng xấu hổ cho dù bị rơi xuống tận cùng của đói nghèo.


Trộm cắp là xấu hổ

Xã Mường Lống (H.Kỳ Sơn, Nghệ An) và xã Huồi Tụ nằm cách trung tâm H.Kỳ Sơn (Nghệ An) 30-40 km, có hơn 95% dân số là đồng bào Mông. Giờ đường nhựa đã chạy đến trung tâm xã và một số bản, cuộc sống người dân đã thay đổi rất nhiều so với trước. Dù vậy, người dân ở đây vẫn rất tôn trọng luật tục của cộng đồng và quy ước của dòng họ để sống trung thực, tự trọng.

Già làng Lỳ Cha Giờ (ngụ xã Huồi Tụ) cho biết từ xa xưa luật của các bản làng ở đây đã quy định không được lấy trộm của người khác. Một quả chuối, quả dứa trên rừng đã có chủ rồi thì không được tự tiện hái ăn. Đi rừng đói quá, nếu có lỡ ăn thì sau đó phải gặp chủ nhân để xin tha lỗi. Đồng bào Mông thường làm rẫy rất xa nhà. Lúa sau khi thu hoạch đều để trong kho dựng ngoài rẫy. Lúa là tài sản rất quý của dân bản, nhưng dù không có người trông coi, không cần khóa cửa vẫn không hề mất mát. Trâu bò, lợn gà thả rông trong rừng nhưng cũng không bị ai bắt trộm. Xe máy của dân đi rừng, đi rẫy, để hai ba ngày bên đường cũng vẫn y nguyên.

Cái lý của người Mông: Không trộm cắp, ăn xin - Ảnh 1.

Ba trong số 6 anh em ruột người Mông ở xã Tây Sơn, H.Kỳ Sơn, Nghệ An và cánh rừng pơ mu do họ tự trồng

K.HOAN

Già làng Giờ nói ở đây trẻ con từ nhỏ đã được dạy rằng ăn trộm là hành vi rất xấu xa, không được phép làm. Ai trộm cắp sẽ bị dòng họ từ mặt, khai trừ cho đến khi thực sự biết hối cải mới cho gia nhập trở lại. Một người ăn trộm bị bắt thì cả bản, rồi lan ra cả xã, cả vùng biết và đều lên án, đến nỗi đi đâu cũng bị chỉ trỏ, quở trách "đó là đứa ăn trộm". Ông Thò Bá Rê, Phó chủ tịch UBND H.Kỳ Sơn, cho biết do hành vi ăn trộm bị cộng đồng lên án rất nặng nên đồng bào người Mông rất có ý thức giữ gìn danh dự của bản thân và dòng họ. "Dòng họ có người ăn trộm thì khi gặp người của dòng họ khác, nếu họ biết được thì thường hỏi dòng họ anh có người ăn trộm mới bị bắt phải không, khiến người bị hỏi cảm thấy rất xấu hổ", ông Rê nói.

Từ xưa, các bản làng của người Mông đã hình thành luật tục quy định chế tài xử phạt nghiêm những người gian tham. Già làng Lỳ Cha Giờ kể rằng theo luật đó, nếu ai ăn trộm mà bị bắt thì ngoài phải trả lại của đã trộm cho chủ còn bị phạt tiền gấp đôi giá trị của trộm được, thậm chí người chủ tài sản được phép đánh kẻ trộm để trừng phạt. Sau đó, người ăn trộm phải thế chấp một khoản tài sản hoặc tiền rất lớn cho bản, do già làng giữ, đến khi nào người đó thực sự ăn năn hối cải, hứa từ bỏ thói trộm cắp thì mới được trả lại tài sản thế chấp và được cộng đồng xóa án tích. Ngày nay, tệ nạn ma túy xâm nhập khiến một số thanh niên đồng bào Mông nghiện ngập và đôi khi không làm chủ được hành vi dẫn đến trộm cắp, tuy nhiên theo ông Thò Bá Rê, số này cũng rất ít.

Cái lý của người Mông: Không trộm cắp, ăn xin - Ảnh 2.

Những luật tục đẹp giữ cho con người sống ở vùng rẻo cao này nhân văn hơn

Nghèo mà không hèn

Người Mông quan niệm ăn xin là một sự xấu hổ. "Nghèo mà không hèn. Đó là điều mà từ xa xưa đến nay dân bản chúng tôi luôn tâm niệm", cụ Lỳ Cha Giờ nói. Cụ Giờ giải thích, ăn xin ở đây có nghĩa là xách bị đi ăn mày, gõ cửa từng nhà để xin bố thí cái ăn.

Từ xa xưa, luật tục ở đây quy định cha con, anh em, người thân trong dòng họ và cộng đồng phải có trách nhiệm đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. "Ai để cho cha, con, anh em mình bị đói là có tội với dòng họ. Người không may mắn, gặp hoạn nạn, đói kém thì anh em trong dòng họ và cộng đồng phải giúp đỡ, chia sẻ. Con, cháu mồ côi thì ông, bà, anh em ruột thịt phải cưu mang. Ai không làm là bị lên án và sẽ bị dòng họ, dân bản bỏ rơi cho đến khi họ nhận ra lỗi và xin được tha thứ", già Giờ kể.

Chính luật tục quy định sự đùm bọc lẫn nhau như thế nên ở đây không ai dù rơi vào cảnh cùng đường khi gặp hoạn nạn phải đi xin ăn. Người dân ở đây cho rằng xin ăn là điều xấu hổ, cho cả người đi xin lẫn dòng họ của người đó.

Dân bản rất tôn trọng pháp luật của nhà nước nhưng già Giờ nói cái luật bản làng cũng vẫn đang có giá trị rất lớn để răn đe, giáo dục và giữ gìn nét đẹp truyền thống của con người ở đây. Luật bản làng rất nghiêm khắc và có nhiều việc luật bản xử được chứ luật nước lại không thể. Có lẽ những luật tục đẹp này là cái bản lề giữ cho con người sống ở những vùng rẻo cao này nhân văn hơn và tồn tại được trong môi trường sống đầy khó khăn ở đại ngàn.

 (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.