Cần giải quyết triệt để nạn lấn chiếm ở cảng Sa Kỳ

27/09/2023 08:14 GMT+7

Tình trạng người dân lấn chiếm bờ, lòng sông, vùng nước cảng Sa Kỳ (H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) để làm nơi buôn bán đã diễn ra trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

NH HƯỞNG AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY

Theo Ban Quản lý cảng và cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ngãi (gọi tắt Ban Quản lý cảng), tình trạng người dân lấn chiếm bờ, lòng sông, vùng nước cảng Sa Kỳ (thuộc xã Bình Châu, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) để làm nơi buôn bán đã diễn ra từ nhiều năm qua. Mặc dù UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng phối hợp giải quyết, xử lý dứt điểm nhưng đến nay tình trạng này ngày càng nghiêm trọng hơn. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến an toàn vận tải trên tuyến đường thủy Sa Kỳ - Lý Sơn và sự phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ngãi.

Cần giải quyết triệt để nạn lấn chiếm ở cảng Sa Kỳ - Ảnh 1.

Cảng Sa Kỳ thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, đặc biệt vào dịp lễ, tết và mùa du lịch

Hiện nay tuyến đường thủy Sa Kỳ - Lý Sơn được các nhà đầu tư trang bị tàu cao tốc hiện đại, có kích thước lớn. Trong khi đó, nhiều tàu thuyền đánh cá của người dân neo đậu sát trong luồng nước của cảng Sa Kỳ, và ở khu vực phía tây của cảng đang bị người dân đổ đất đá lấn chiếm gần sát mép cầu cảng. Nếu tình trạng này không được giải quyết dứt điểm sẽ gây nguy hiểm cho giao thông đường thủy.

Ông Lê Văn Thành, thuyền trưởng tàu khách An Vĩnh chạy tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn, cho biết trước đây lưu lượng tàu ra vào cảng ít, không gian lòng sông trước cầu cảng rộng nên tàu chở khách ra vào thuận lợi. Bây giờ số lượng tàu nhiều lên, nhu cầu hành khách ngày một tăng, trong khi cầu cảng ngắn, lòng sông lại bị thu hẹp khiến tàu khách ra vào rất khó khăn.

"Cơ quan chức năng cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời kiểm tra, khắc phục nạn lấn chiếm mặt nước ở cảng Sa Kỳ để đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hành khách và phát triển du lịch", ông Thành nói.

Cần giải quyết triệt để nạn lấn chiếm ở cảng Sa Kỳ - Ảnh 2.

Người dân đổ đá lấn chiếm trái phép tại khu vực cảng Sa Kỳ

HẢI PHONG

DIỄN RA TRONG THỜI GIAN DÀI

Ông Ngô Văn Dụng, Phó chủ tịch UBND H.Bình Sơn (Quảng Ngãi), cho biết liên quan đến giao thông khu vực cảng Sa Kỳ, huyện đã chỉ đạo xã Bình Châu phối hợp với các đơn vị liên quan quyết liệt ngăn chặn nạn lấn chiếm lòng lề đường trên QL24B, tạo cảnh quan thông thoáng khu vực đường ra vào cảng. Đối với khu vực bờ sông, lòng sông, H.Bình Sơn đã đề nghị lực lượng cảnh sát đường thủy, Ban Quản lý cảng phối hợp địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm mặt nước thuộc khu vực cảng để neo đậu tàu cá, buôn bán hải sản. "Tuy nhiên tình trạng lấn chiếm bờ sông khu vực cảng Sa Kỳ đã diễn ra trong thời gian dài, có hộ đã được cấp sổ đỏ trên đất lấn chiếm. Giải pháp trước mắt là tăng cường quản lý hiện trạng việc lấn chiếm bờ sông để sớm có biện pháp xử lý trả lại nguyên trạng khu vực này", ông Dụng nói.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý cảng, đối với tình trạng người dân lấn chiếm kè bảo vệ bờ, khu mặt nước cảng, mới dừng lại ở mức ngăn chặn, còn việc xử lý vi phạm, trả lại hiện trạng kè bảo vệ bờ, lòng sông khu vực cảng chưa được xử lý dứt điểm.

"Theo quy hoạch đến năm 2030, cảng Sa Kỳ được nâng cấp tiếp nhận tàu từ 1.000 - 2.000 tấn, chiều dài cầu cảng đạt 200 m. Ban Quản lý cảng đã có văn bản kiến nghị Sở GTVT Quảng Ngãi trình UBND tỉnh Quảng Ngãi bố trí nguồn vốn đầu tư nối dài cầu cảng để giải quyết tình trạng quá tải tại cảng Sa Kỳ, cũng như xử lý dứt điểm tình trạng người dân lấn chiếm khu vực cảng như hiện nay", vị lãnh đạo này cho biết thêm.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày cảng Sa Kỳ có 25 chuyến tàu chở hàng, chở khách cập cảng. Đồng thời, với xu hướng đi lại của người dân và du khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn đang tăng cao, một số tàu chở khách có chiều dài lớn như Phú Quốc Express, Phú Quý ISLAND được đưa vào vận hành. Tuy nhiên chiều dài cầu cảng chỉ có 106 m khiến cho cảng Sa Kỳ thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, đặc biệt vào dịp lễ, tết và mùa du lịch. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.