Cảnh báo nguy cơ hoại tử khi tự đắp lá trị vết thương

Liên Châu
Liên Châu
24/10/2022 04:12 GMT+7

Theo Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Hà Đông, Hà Nội , mới đây Khoa Nội tiết của BVĐK Hà Đông tiếp nhận ca bệnh hoại tử chi do sử dụng thuốc lá đắp lên vết loét ngón chân. Người bệnh vào khoa trong tình trạng sốt cao, nhiễm trùng, mệt mỏi, ngón chân thứ 2 loét, mưng mủ và nhiều tổ chức hoại tử bốc mùi, đau nhức.

Thêm vào đó, chỉ số bạch cầu của bệnh nhân tăng cao, đường huyết vượt quá ngưỡng cho phép, có nguy cơ phải cắt cụt chi nếu không được điều trị kịp thời. Khi bệnh nhân vào điều trị, các bác sĩ tại khoa Nội tiết đã khẩn trương lên phác đồ điều trị kháng sinh, điều chỉnh liều insuline và xử lý tổn thương tại vị trí nhiễm trùng.

Các bác sĩ, điều dưỡng khoa Nội tiết hàng ngày kiểm tra thay băng cho viết thương của bệnh nhân

Thúy Anh

Chị Đặng Thị Nga, Điều dưỡng trưởng của Khoa Nội tiết, chia sẻ hàng ngày đội ngũ điều dưỡng của Khoa rất nỗ lực tiến hành cắt lọc, nạo vét các tổ chức hoại tử. Quá trình điều trị chăm sóc giữ gìn, bảo tồn cả bàn chân cho bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn, bởi trước đó bệnh nhân tự điều trị tiêm kháng sinh và đắp thuốc lá cho vết thương không rõ thành phần nguồn gốc, nguy cơ dẫn đến hoại tử hoàn toàn.

Vết thương ngón chân nhìn có thể nhỏ đơn giản nhưng nếu không được chăm sóc đúng cách có thể dẫn tới phải cắt bỏ hoàn toàn chi. Với vết thương của bệnh nhân sau khi tình trạng nhiễm trùng cấp tính được kiểm soát, các bác sĩ đã tiến hành tháo bỏ ngón chân để bảo tồn được các ngón còn lại cho bệnh nhân. Sau gần 1 tháng tích cực điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện với chỉ số bạch cầu về bình thường, chỉ số đường huyết được kiểm soát.

Đại diện BVĐ Hà Đông cho biết, mỗi tháng Khoa nội tiết của BV tiếp nhận và điều trị rất nhiều ca mắc đái tháo đường (ĐTĐ) có biến chứng bàn chân. Đặc biệt, nhiều trường hợp biến chứng do tự ý ngâm chân bằng nước nóng hoặc các loại cỏ cây không rõ nguồn gốc, hoặc tự ý điều trị kháng sinh, dẫn đến nhiễm trùng nặng, tình trạng hoại tử lan rộng khó chữa trị, thậm chí phải cắt cụt chi đe dọa đến tính mạng.

Theo chị Đặng Thị Nga, nguyên nhân chính dẫn đến các trường hợp nói trên là do yếu tố chủ quan của người bệnh, đó là không xử lý vết thương nhỏ hoặc xử lý sai cách. Người bệnh thường nghĩ rằng những vết thương bé có thể sẽ tự lành theo thời gian, hoặc có thể tự đắp thuốc, mà không lường trước được nếu bị nhiễm trùng, xử lý, chăm sóc vết thương sai cách thì hoại tử chân vẫn có thể xảy ra, nhất là khi bàn chân, ngón chân là nơi tiếp xúc nhiều với bụi nền đường và nước bẩn nên nguy cơ nhiễm trùng, bị cắt cụt chi là rất cao.

Các nguyên nhân dễ dẫn đến loét bàn chân

Theo BV Nội tiết T.Ư (Hà Nội), có một số nguyên nhân gây loét bàn chân, trong đó có biến chứng thần kinh. Biến chứng thần kinh ở người mắc ĐTĐ làm giảm khả năng cảm nhận đau, nóng hay lạnh, khiến BN không thể cảm nhận được chân đã bị tổn thương. Do đó, các vết thương ở người mắc ĐTĐ không được điều trị kịp thời, chỉ khi có nhiễm trùng nặng mới biết, khi đó là đã ở giai đoạn muộn, điều trị thường không đạt kết quả tốt.

Các BN ĐTĐ dễ bị xơ vữa động mạch (biến chứng mạch máu) khiến các mạch máu bị hẹp hoặc tắc, làm giảm lượng máu đến các cơ quan trong cơ thể. Khi kém nuôi dưỡng do máu đến ít sẽ làm hạn chế khả năng điều trị khỏi nhiễm trùng và lành các vết loét, các vết loét khó liền. Trường hợp bị tắc hoàn toàn động mạch, bàn chân và các ngón chân có thể bị hoại tử toàn bộ.

Một bác sĩ điều trị về nội tiết - ĐTĐ lưu ý ở BN đái tháo đường, loét chân hay xảy ra ở mu bàn chân và ngón cái, và thường do đi giày dép chật. Các vết loét thường bắt đầu chỉ là những vết xước hoặc phồng da rất nhỏ, nhưng do không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách nên đã bị nhiễm trùng, tiếp sau đó nhiễm trùng ngày càng lan rộng ra toàn bộ bàn chân, các biện pháp điều trị bằng thuốc hoặc cắt lọc vùng hoại tử đều thường không có kết quả. Vết thương bị nhiễm trùng lan rộng và khó liền, bắt buộc phải cắt cụt chân.

Bác sĩ này khuyến cáo nếu có bất kỳ vết thương nào, trước hết bệnh nhân cần xử lý bằng cách rửa cơ bản và tới cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn cụ thể đúng cách. Tuyệt đối không nên tự ý bôi thuốc, đắp lá hay tiêm thuốc tại nhà, bởi đó chính là nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng tại vị trí vết thương, về sau rất khó để xử lý và phục hồi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.