'Cấp cứu trầm cảm' cho nhân viên y tế

Duy Tính
Duy Tính
19/08/2023 14:03 GMT+7

Sở Y tế TP.HCM sẽ triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế trên địa bàn TP.HCM, điều này cũng nhằm đảm bảo nguồn lực trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Sở Y tế TP.HCM vừa ký biên bản ghi nhớ với tổ chức Family Health International (FHI 360) về phối hợp triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế trên địa bàn TP.HCM.

Giải tỏa căng thẳng cho nhân viên y tế ra sao?

Theo đó, trong thời gian tới Sở Y tế sẽ cùng với FHI 360 thực hiện tập huấn nâng cao năng lực của lãnh đạo, quản lý ngành y tế trên địa bàn TP.HCM nhằm tăng cường nhận thức về vai trò của sức khỏe tâm thần đối với nhân viên y tế và các kiến thức phương thức xử lý và vượt qua căng thẳng.

Theo kế hoạch, mỗi bệnh viện cử 1 nhân sự để đào tạo, tập huấn về việc nhận biết, đánh giá sàng lọc phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về sức khỏe tâm thần và quản lý, chăm sóc sức khỏe tâm thần nhân viên y tế tại đơn vị.

Chương trình sẽ xây dựng, phát triển các tài liệu và sổ tay truyền thông, hướng dẫn công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, hướng dẫn các phương pháp nhận biết và hỗ trợ sàng lọc, can thiệp đối với nhân viên y tế có rối loạn sức khỏe tâm thần và tư vấn, hỗ trợ khi cần thiết.

Nhân rộng mạng lưới hệ thống "cấp cứu trầm cảm" dành cho nhân viên y tế. Hỗ trợ tâm thần khẩn cấp, hỗ trợ khám sàng lọc, tư vấn từ xa giúp giải quyết ngay nhu cầu liên quan tâm lý, tâm thần thông qua hệ thống kênh tổng đài và đường dây nóng.

'Cấp cứu trầm cảm' cho nhân viên y tế - Ảnh 1.

Nhân viên y tế tại TP.HCM trong đại dịch Covid-19

DUY TÍNH

Thiết lập phòng nghỉ ngơi tại một số bệnh viện nhằm cung cấp không gian cho nhân viên y tế giải tỏa căng thẳng, ưu tiên sức khỏe tinh thần của mình và tiếp cận các nguồn lực hình thành mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ngành y tế TP.HCM sẽ điều tra mới về sức khỏe tâm thần trong nhân viên y tế.

"Ngành y tế TP.HCM mong muốn trong thời gian tới, công tác phối hợp triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế giữa hai đơn vị ngày càng được đẩy mạnh. Điều này sẽ giúp nhân viên y tế, người lao động làm việc trong ngành y tế kiểm soát căng thẳng và cân bằng cảm xúc, đồng thời triển khai có hiệu quả công tác sàng lọc, phát hiện và dự phòng sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần cho nhân viên, người lao động công tác trong ngành y tế. Đây cũng nhằm góp phần quan trọng giúp đảm bảo nguồn nhân lực ngành y tế trong hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân", TS-BS Vĩnh Châu thông tin.

Bệnh viện phải quan tâm sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế

Năm 2016, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã khảo sát sức khỏe tâm trí của 601 nhân viên y tế nhằm xác định mức độ trầm cảm, lo âu, và stress.

Kết quả cho thấy, 28,5% có dấu hiệu trầm cảm, 38,8% có dấu hiệu lo âu và 19% có dấu hiệu stress. Nữ giới có nguy cơ vấn đề tâm trí cao hơn nam giới. Không có sự khác biệt giữa các mức độ trầm cảm, lo âu và stress theo nghề nghiệp, số năm công tác và nhóm tuổi. Điều này cho thấy họ cần được sự hỗ trợ từ ban lãnh đạo bệnh viện và các chuyên viên tâm lý, tâm thần để được giảm áp lực tâm trí.

Từ tháng 9.2021 đến tháng 6.2022, nghiên cứu mô tả cắt ngang về thực trạng sức khỏe tinh thần của 224 nhân viên y tế tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội và các yếu tố liên quan. Kết quả cho thấy tỷ lệ nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch Covid-19 tại một số bệnh viện tham gia nghiên cứu có biểu hiện trầm cảm, lo âu và stress lần lượt là 17,86%, 28,57%, 16,96%. Nghiên cứu này giúp các nhà quản lý có các chính sách để cải thiện tình trạng sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế.

'Cấp cứu trầm cảm' cho nhân viên y tế - Ảnh 2.

Nhân viên y tế với nhiều áp lực trong đại dịch Covid-19 tại TP.HCM

DUY TÍNH

Ngày 20.6.2023, tạp chí Nghiên cứu y học, Trường Đại học Y Hà Nội đã đăng tải nghiên cứu: Một số yếu tố liên quan đến stress ở nhân viên y tế tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đại học Y Thái Bình.

Nghiên cứu cắt ngang được thực hiện trên 520 nhân viên y tế làm việc tại 2 bệnh viện đại học y (Thái Bình và Hà Nội), thời gian từ tháng 6 - 12.2021. Kết quả cho thấy, những nhân viên y tế có các yếu tố mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình không tốt, các mối quan hệ trong công việc không tốt, gặp phải biến cố lớn trong một năm qua, sự xung đột giữa công việc và gia đình đều làm tăng nguy cơ stress lần lượt cao gấp 1,96, 2,06, 2,37 và 2,69 ở nhân viên y tế không có cùng hoàn cảnh trên. Các yếu tố liên quan cần được cân nhắc khi thực hiện các biện pháp giảm stress cho nhân viên y tế tại 2 bệnh viện.

Trước đó, từ tháng 7.2022, Sở Y tế TP.HCM đã thiết lập đường dây nóng cấp cứu trầm cảm. Theo đó, người dân khi phát hiện người thân trong gia đình hoặc đồng nghiệp, một thành viên trong một tập thể cùng làm việc chung, sinh hoạt chung có các biểu hiện và dấu hiệu của chứng trầm cảm nặng thì gọi ngay đến số 115 – số trực cấp cứu của Trung tâm cấp cứu 115 hoặc số 19001267 - số điện thoại chăm sóc khách hàng của Bệnh viện Tâm thần để được hỗ trợ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.