Lan tỏa trên mạng xã hội:

Câu chuyện triệu view của cô giáo gen Z ở miền Tây Bắc

03/07/2023 09:09 GMT+7

Kể chuyện đi dạy ở vùng núi cao Tây Bắc đầy khó khăn với góc nhìn hóm hỉnh, một cô giáo gen Z bỗng nhận về hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội cùng sự thán phục của cư dân mạng.

"THƯƠNG CÁC CÔ GIÁO VÙNG CAO QUÁ!"

Cô giáo gen Z gây sốt mạng xã hội nói trên là Lò Thị Ngọc Quyên (23 tuổi), công tác tại điểm trường mầm non Phà Só A thuộc Trường mầm non Sa Dung (xã Xa Dung, H.Điện Biên Đông, Điện Biên).

Câu chuyện triệu view của cô giáo gen Z ở miền Tây Bắc - Ảnh 1.

Câu chuyện triệu view của cô giáo gen Z ở miền Tây Bắc - Ảnh 2.

Kể về những khó khăn khi dạy học ở vùng cao đầy hài hước, cô Quyên được nhiều người ủng hộ, động viên

Clip cô Quyên đăng tải kể về những khó khăn trong hành trình dạy học của mình tại điểm trường nói trên như bị hư xe, đi đường rừng núi lúc trời mưa, té xe đến bầm dập, mất kết nối mạng, dỗ dành các học trò nhỏ "mít ướt"... Tuy nhiên, những khó khăn, vất vả đó luôn được thể hiện qua lăng kính hài hước, lạc quan cùng sự pha trò tếu táo. Bên cạnh đó là nhiều khoảnh khắc đáng yêu của các em bé miền Tây Bắc trong sinh hoạt đời thường khiến các câu chuyện của Quyên nhận về 2,3 triệu lượt xem, hơn 150.000 lượt bình luận, chia sẻ. Nhiều người cảm phục, ngưỡng mộ trước những cống hiến của các cô giáo vùng cao, đương đầu và vượt qua muôn vàn khó khăn, thậm chí nguy hiểm, để đem con chữ đến cho các em.

Câu chuyện triệu view của cô giáo gen Z ở miền Tây Bắc - Ảnh 3.

Cô giáo trẻ Lò Thị Ngọc Quyên cùng các học trò của mình

NVCC

Cô giáo Quyên cho biết bản thân vô cùng bất ngờ khi những chia sẻ về hành trình dạy học ở vùng cao của mình nhận được sự quan tâm và phản hồi tích cực từ cư dân mạng. Mục đích chính cô chia sẻ những clip nói trên chỉ là để lưu giữ những tháng ngày tuổi trẻ sôi nổi và nhiệt huyết. Những bình luận và những lời chúc của mọi người là động lực vô cùng lớn để cô tiếp tục hành trình gieo con chữ và tình yêu thương đến với các em nhỏ ở đây.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, cô Quyên công tác cách nhà khoảng 60 km. 2 năm qua, cô được phân công tới 2 điểm trường còn nhiều khó khăn thuộc trường mầm non này và đã có những năm tháng đầu làm giáo viên hết sức thú vị. Cách nhà không quá xa nên mỗi cuối tuần cô đều tranh thủ về.

MONG ĐƯỢC DẠY Ở VÙNG CAO TỚI… NGHỈ HƯU

Những ngày đầu nhận nhiệm vụ ở điểm trường mầm non Phà Só A, dù đã có kinh nghiệm 1 năm công tác nhưng cô Quyên tâm sự mình cũng gặp không ít khó khăn. Với Quyên, khó khăn lớn nhất là sự khác biệt về ngôn ngữ khi ở đây chủ yếu là cộng đồng người Mông, các em nhỏ không thể nói tiếng phổ thông. "Chưa kể, tín hiệu mạng chập chờn ảnh hưởng tới công việc, nhiều lần bị tai nạn xe bầm dập khi đi đường núi… khiến mình bật khóc như đứa trẻ. Nhưng sau đó, quệt nước mắt, mình lại tiếp tục đi tiếp. Mình tìm cách khắc phục khó khăn, xem nó là thử thách và trải nghiệm trên hành trình mà mình đang đi", cô giáo tâm sự.

Cô giáo gen Z cho biết điểm trường mình đang dạy có 3 giáo viên và 53 học sinh. Các em chủ yếu từ 2 - 5 tuổi. Mỗi ngày, các cô chăm sóc, giảng dạy các em hai buổi sáng, chiều, buổi trưa nấu cho các em ăn. Buổi tối là thời điểm các cô cùng nấu nướng, ăn tối rồi xem lại bài vở cho hôm sau. Hiện các học trò đang trong kỳ nghỉ hè, còn các cô thì chuẩn bị cho năm học mới.

Cô Cà Thị Xuấn, Hiệu trưởng Trường mầm non Sa Dung, cho biết trong 2 năm công tác ở đây, cô Quyên luôn năng nổ, sôi nổi và nhiệt huyết, hoàn thành tốt công việc và nhiệm vụ được giao. Theo cô Xuấn, Trường mầm non Sa Dung có 8 điểm trường khác nhau, đều ở vùng núi cao nên điều kiện còn nhiều khó khăn.

Câu chuyện triệu view của cô giáo gen Z ở miền Tây Bắc - Ảnh 4.

Cô Quyên tâm sự thêm về lựa chọn nghề nghiệp của mình: "Nhiều lúc mình vẫn hay nói vui là nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề, nhưng thực ra mình đã chọn nghề giáo và trót yêu nghề này. Mình là người dân tộc Thái và mình vinh dự khi được sinh ra, lớn lên và cống hiến cho quê hương. Mình mong sẽ được công tác ở vùng cao này càng lâu càng tốt, có thể là đến khi nào nghỉ hưu thì thôi".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.