Cây ghi ta nặng nợ với Đồng Nai

11/01/2013 09:59 GMT+7

Một lần tình cờ đến Đồng Nai, nhạc sĩ Cao Hồng Sơn đã bị níu chân ông ở lại mảnh đất này.

Duyên nợ

Cây ghi ta nặng nợ với Đồng Nai2
Lòng yêu ghi ta của Nhạc sĩ Cao Hồng Sơn mãi mãi không già

Cây ghi ta nặng nợ với Đồng Nai
Nhạc sĩ Cao Hồng Sơn đang dạy nhạc ghi ta cho học trò người dân tộc thiểu số - Ảnh: Nguyễn Lộc

Nhạc sĩ Cao Hồng Sơn (54 tuổi), sinh ra và lớn lên ở vùng quê Thanh Hà (Hải Dương). Năm 13 tuổi, ông bắt đầu mê chơi đàn ghi ta và 15 tuổi đã là nhóm trưởng của một ban nhạc. Khát khao muốn trở thành người chơi nhạc chuyên nghiệp, Hồng Sơn đã không quản khó nhọc, đạp xe từ Hải Dương ra  Hải Phòng để học nhạc.

 

Nhạc sĩ Trọng Bằng, nguyên Tổng thư ký hội nhạc sĩ Việt Nam: “Từ trước đến nay, chúng ta thường nghĩ Việt Nam có ba trung tâm âm nhạc hàn lâm lớn: Hà Nội- Huế- Sài Gòn, nhưng qua ba lần tổ chức cuộc thi tài năng trẻ ghi ta Việt Nam, thì chúng ta thấy xuất hiện một trung tâm thứ tư đó là Đồng Nai. Vì cả ba  lần Cao Hồng Hà đều dành thứ  hạng cao nhất”.

Năm 1976, Hồng Sơn trúng tuyển Nhạc viện Hà Nội vào khoa Nhạc cụ ghi ta. Nhờ có năng khiếu từ nhỏ, Hồng Sơn luôn đạt loại khá và giỏi. Sau khi tốt nghiệp nhạc viện được tám tháng, Sơn được “biệt phái” lên Tây Nguyên phục vụ đoàn ca nhạc hết ba năm. “Thế rồi, trong một chuyến về Đồng Nai thăm người thân, tôi nghe nói có trường Văn hóa nghệ thuật nên đã ghé thăm (đầu năm 1984). May mắn, tại đây tôi gặp thầy Nguyễn Văn Vi, Hiệu trưởng trường Trung học văn hóa nghệ thuật Đồng Nai (nay là trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai). Tôi  đã đánh đàn ghi ta cho thầy nghe, nhưng khi chơi mới được 2  bài, thì thầy Vi bảo ngưng và nói cậu về công tác ở trường với tớ đi. Chỉ có vậy thôi, duyên tôi gặp thầy và cũng là duyên định mệnh của tôi với Đồng Nai đến bây giờ”- Cao Hồng Sơn nhớ lại.

Cũng trong năm 1984, ông chuyển cả gia đình vào Đồng Nai. Thời đó rất khổ, cuộc sống bấp bênh, để đeo đuổi đựơc ước mơ với cây đàn, Hồng Sơn phải học thêm nghề…làm đàn bán lấy tiền nuôi gia đình. Có lúc mười đầu ngón tay anh không còn cảm giác vì dính đầy vẹc-ni. “Mặc dù khổ cực, nhưng ý thức dạy nhạc cho con thì tôi không quên. Tôi đã khuyến khích vợ cho con nghe nhạc từ khi còn trong bụng mẹ. Đặc biệt là dòng nhạc ghi ta cổ điển. Cuộc đời khổ mà vui, về Đồng Nai, tôi được chơi đàn, được biểu diễn và được lên lớp dạy đàn.”- ông Sơn thổ lộ.

Hổ phụ sinh hổ tử

Là người có máu lãng tử, từ năm 1983, Hồng Sơn bắt đầu sáng tác nhạc và đã để lại nhiều dấu ấn qua những bài như Đồng Nai quê tôi; Giọt thanh xuân; Viết ở biển; Nhớ quê; Hoài niệm làng; Mình ơi; Bài ca cho con…Và từ năm 2005 đến nay, Hồng Sơn đạt nhiều giải thưởng cho nhiều ca khúc và giải Bài hát đạt chất lượng cao do Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng. Năm 2009, Hồng Sơn cũng đạt giải thưởng viết về môi trường do T.Ư Đoàn và Hội Nhạc sĩ Việt Nam đồng tổ chức. Không những thế, Hồng Sơn còn duyên với những sáng tác bài hát tập thể như Hành khúc thể thao Đồng Nai (sau này được dùng trong các ngày hội khỏe phù đổng và các cuộc thi liên quan đến thể dục thể thao của tỉnh Đồng Nai); Hành khúc giai cấp công nhân (được dùng làm bài hát chính thức của lễ hội công nhân mỗi khi tổ chức tại Đồng Nai)…Hồng Sơn nói: “Tôi chỉ có duyên với giải nhì thôi vì giải nhất là con trai tôi là Cao Hồng Hà (hiện là giảng viên Nhạc viện TP. HCM, ba lần giải nhất về công cua ghi ta Việt Nam – cuộc thi tài năng trẻ ghi ta Việt Nam) đã lãnh hết rồi”.

Hiện tại Hồng Sơn là giảng viên của trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai, Chi hội phó Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tại Đồng Nai. “Đối với tôi, phần thưởng lớn nhất trong đời chính là đứa con trai Cao Hồng Hà, nghệ sĩ ghi ta tài năng của Việt Nam. Hạnh phúc lớn nhất của tôi là có một người con làm đồng nghiệp của mình”- ông Sơn khép lại câu chuyện như vậy.

Nguyễn Lộc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.