Chàng trai trẻ gốc Huế và câu chuyện kinh doanh bánh mì ở Nhật Bản

06/05/2023 08:00 GMT+7

Kinh doanh ở đất nước xa lạ không hề dễ dàng nhưng Đặng Văn Quý vẫn quyết tâm thực hiện để thử thách bản thân mình.

Thời gian gần đây câu chuyện món ăn truyền thống Việt Nam được các bạn trẻ vinh danh toàn cầu không còn xa lạ. Đặng Văn Quý - chàng trai người Huế là một trong những người mang món bánh mì đến với Nhật Bản. 

Chàng trai trẻ gốc Huế và câu chuyện kinh doanh bánh mỳ ở Nhật Bản - Ảnh 1.

Đặng Văn Quý bên cạnh cửa hàng bánh mì của mình

NVCC

Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, Quý cho biết: "Sau 4 năm ngồi trên ghế nhà trường, mình bắt đầu công việc đầu tiên tại hệ thống "Bánh Mì Xin Chào" với vị trí thiết kế. Mình chọn công việc này một phần là do đam mê, một phần muốn nâng tầm hình ảnh cho các doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển tại Nhật Bản. Nhờ sự hỗ trợ tận tình của nhà sáng lập "Bánh Mì Xin Chào", mình đã quyết định mở chi nhánh của thương hiệu ở Ikebukuro".

Bánh mì Việt Nam: Từ xe đẩy vỉa hè đến món ăn nổi tiếng thế giới

Kinh doanh ở xứ người không hề dễ dàng đối với Đặng Văn Quý. Từ việc chuẩn bị vốn, tìm mặt bằng cho đến báo cáo thuế, các vấn đề về bằng cấp, giấy phép ở "đất vàng" Tokyo rất khắt khe khiến anh rơi vào căng thẳng. Để hoàn thành "Bánh Mì Xin Chào" chi nhánh Ikebukuro, cả nhóm thức mấy tháng liền trước đó để cố gắng hoàn thiện các công đoạn chuẩn bị. 

Chàng trai trẻ gốc Huế và câu chuyện kinh doanh bánh mỳ ở Nhật Bản - Ảnh 2.

Quán "Bánh Mì Xin Chào" Ikebukuro đón rất nhiều khách hàng Nhật Bản lẫn Việt Nam

NVCC

Chàng trai trẻ người Huế bộc bạch: "Để khởi nghiệp theo đúng như kế hoạch cần khá nhiều vốn đầu tư. Trong khoảng 2 năm đi làm mình cũng có tiết kiệm được ít tiền nhưng con số đó không đủ để khởi nghiệp được. May mắn là bố mẹ, anh chị đã ủng hộ cho dự án khởi nghiệp này".

Chỉ mới 3 tháng kinh doanh, "Bánh Mì Xin Chào" chi nhánh Ikebukuro của Đặng Văn Quý nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của thực khách Nhật lẫn người Việt đang sống tại xứ sở Phù Tang. Nhiều người Việt xa xứ đã tìm đến tiệm.

Chàng trai trẻ gốc Huế và câu chuyện kinh doanh bánh mỳ ở Nhật Bản - Ảnh 3.

Đặng Văn Quý và nhóm của mình mất nhiều tháng để hoàn thành quán

NVCC

"Bánh Mì Xin Chào" Ikebukuro để thưởng thức món ăn quốc hồn quốc túy như một cách hướng về quê hương. "Khách Nhật rất thích món bánh mì bởi sự tiện lợi mà nó mang lại nhưng không kém phần hấp dẫn. Không cần đi đâu xa, ở Tokyo cũng có thức ăn Việt Nam ngon lành", Quý nói.

Nhắn nhủ với người trẻ đang đắn đo về sự nghiệp, Đặng Văn Quý gửi gắm: "Việc khởi nghiệp kinh doanh chưa bao giờ là điều dễ dàng, có thể mất cả thời gian cho bản thân lẫn người xung quanh khi tham gia. Khi còn trẻ, chúng ta có rất nhiều cơ hội để thử nghiệm, thách thức bản thân mình. Có bạn vì không thể chịu đựng được thất bại nên đã sợ tới mức không dám thử thách bản thân, không dám chấp nhận sự thất bại. Tuy nhiên, “thất bại là mẹ thành công” nếu chỉ vì thấy khó khăn mà vội nản chí, bỏ cuộc thì đã thất bại hoàn toàn".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.