Chánh án TAND: Có vi phạm chỉ cần vỗ vai xin lỗi, có cái phải ra tòa

17/04/2024 13:50 GMT+7

Theo Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, nhiều trường hợp vi phạm có thể chuyển hướng xử lý như xin lỗi, cấm thay vì ra tòa, song có những hành vi tội phạm phải mở phiên tòa thân thiện cho người chưa thành niên.

Sáng 17.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thảo luận dự án luật Tư pháp người chưa thành niên.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình

QUỐC HỘI

Theo Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, trước đây, khi xây dựng bộ luật Hình sự và bộ luật Tố tụng hình sự, các cơ quan nhiều lần kiến nghị xây dựng luật tư pháp người chưa thành niên nhưng chưa được chấp thuận. Việc đưa ra lấy ý kiến đạo luật chuyên biệt này cho thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận của Quốc hội.

Nêu ý kiến cụ thể, theo bà Thanh, cần có nguồn kinh phí để hỗ trợ hoạt động tư pháp người chưa thành niên, do đây là đối tượng đặc thù, nhiều cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt.

"Thường những đối tượng này hay rơi vào những hoàn cảnh như bố mẹ ly hôn, ly thân hoặc vi phạm pháp luật, bị thiếu cha mẹ do hoàn cảnh, khó có điều kiện để bồi thường thiệt hại và chăm sóc, điều trị y tế khi phạm tội", Trưởng ban Công tác đại biểu nêu và cho rằng, không nên lập quỹ độc lập mà nên sử dụng từ Quỹ bảo trợ trẻ em.

Lo chưa công bằng với đối tượng phạt tiền

Về phạt tiền, theo bà Thanh, bất cập chủ yếu trong quy định phạt tiền liên quan đến đối tượng 16 - 18 tuổi. Lý do, theo quy định của bộ luật Hình sự, người từ đủ 18 tuổi trở lên không có thu nhập hoặc không có tài sản riêng thì vẫn có thể được áp dụng hình phạt tiền.

Nhưng người từ đủ 16 tuổi trở lên chỉ được áp dụng hình phạt tiền nếu có thu nhập hoặc có tài sản riêng. Nếu không có tài sản, có thể áp dụng hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn.

"Quy định như vậy cũng chưa nhân văn, chưa công bằng trong chính sách xử lý. Do đó, đề nghị cân nhắc sửa đổi điều kiện áp dụng hình phạt tiền với người chưa thành niên phạm tội là từ đủ 16 - 18 tuổi tương tự như điều kiện đối với người trưởng thành", bà Thanh nêu.

Giải trình, tiếp thu các ý kiến, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, nếu không tách vụ án hình sự thì thực tế các cháu phải bị xét xử ở một phòng xét xử không thân thiện và đặc biệt là những vụ án xâm hại sức khỏe, tính mạng hay buôn lậu ma túy.

"Nếu các cháu phải ra tòa, một môi trường không thân thiện, tiếp cận thủ đoạn của người lớn phạm tội thì sẽ tác động ngược chiều. Chưa kể, những vụ án do các thẩm phán không hiểu tâm lý trẻ em sẽ không đảm bảo lợi ích. Cho nên, việc tách phiên tòa rất cần thiết", Chánh án TAND tối cao nêu.

Về thẩm quyền quyết định biện pháp xử lý chuyển hướng, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, nếu giao cho tòa phải chờ kết thúc điều tra sẽ không kịp thời, và phải mở phiên tòa.

Có những biện pháp xử lý chỉ cần vỗ vai cháu đi xin lỗi bạn đi hay cháu về nói bố mẹ bồi thường bạn bị gãy tay, mang đến bệnh viện bồi thường cho người ta. Những chuyện như thế ngay từ giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra cũng có thể làm được, không cần thiết phải chờ đến tòa mở một phiên họp.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình

Ngoài ra, với các cháu trộm cắp thì cơ quan điều tra có thể cấm đến siêu thị và giao cho nhân viên công tác xã hội quản lý; hoặc sàm sỡ với trẻ em thì cấm đến những nơi có trẻ em, không cần mở phiên tòa để cấm.

Đặc biệt, trước một số ý kiến băn khoăn về phạm vi của luật, Chánh án TAND tối cao khẳng định, nếu không có hình phạt và tố tụng thân thiện thì không hình thành được bộ luật về mặt tư pháp. Thế giới cũng không có bộ luật nào chỉ có biện pháp mà không có hình phạt và tố tụng hình phạt.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp

QUỐC HỘI

"Nếu đây là thành tựu, là bước tiến của nền tư pháp và của Quốc hội nước ta thì sản phẩm đưa ra phải trọn vẹn, không nên có một sản phẩm khuyết tật. Không có hình sự, hình phạt với tố tụng thân thiện thì đây là một sản phẩm khuyết tật, không giống một luật nào trên thế giới", ông Bình thẳng thắn chia sẻ và bày tỏ đồng tình nên ủng hộ có tất cả các vấn đề trên trong luật.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, dự án luật được Thường vụ Quốc hội ủng hộ, cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần phối hợp để hoàn chỉnh thêm, tới 30.4 phải hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.