Chạy đua 'bắt trend': Cần cái 'đầu lạnh' để không lấy bản thân làm phép thử

Phan Diệp
Phan Diệp
05/07/2023 13:55 GMT+7

Khi đã đạt tới đỉnh điểm, nhiều trào lưu bắt đầu "hết hot" và biến mất nhanh chóng. Nhưng vẫn có những "trend" vẫn còn tồn tại, góp phần thay đổi số phận một con người hay một cộng đồng.

Thời đại công nghệ và mạng xã hội chiếm sóng trong mọi hoạt động của đời sống con người dẫn đến việc những xu hướng mới sẽ liên tục được cập nhật. Vậy đến cuối cùng, khi một trào lưu đi qua, chúng ta nhận lại gì?

Xu hướng thay đổi con người, xã hội?

Còn nhớ hồi cuối năm 2021, sau dịch Covid-19, làn sóng bạn trẻ TP.HCM tìm đến với thú vui đạp xe dã ngoại, tạo nên một trào lưu thú vị.

Anh Trần Hữu Vân (55 tuổi) - chủ tiệm Saigon Bike shop chuyên bán và cho thuê xe đạp ở Q.1 từng thốt lên: "Tôi chưa từng thấy khách thuê xe nhiều như thời điểm sau giãn cách xã hội".

Làm trong mảng du lịch, anh từng thiết kế nhiều tour cho khách đạp xe tham quan thành phố. Tuy nhiên, chủ yếu là phục vụ du khách nước ngoài. Vì thế, anh Vân nhận định, việc nhiều người, trong đó chủ yếu là giới trẻ TP.HCM bắt đầu tìm đến thuê xe đạp là một dấu hiệu đáng mừng cho phong trào luyện tập thể thao nói chung.

Bên cạnh một số người chỉ thuê một lần đạp "cho vui" sau thời gian bị bó chân ở nhà và không quay lại thì nhiều vị khác đã tìm được đam mê của mình từ đây.

Những cái kết của trào lưu - Ảnh 1.

Hai bạn trẻ thuê xe đạp làm "tour" quanh thành phố vào cuối tuần.

Phan Diệp

Sau hơn 1 năm, từ thuê xe, nhiều người đã sắm riêng cho mình một chiếc để đạp hằng ngày. Tùy theo sức mỗi người mà có thể đạp vào sáng sớm hay chiều muộn. Nhiều khách còn lên kế hoạch đạp xe ra vùng ngoại ô thành phố vào cuối tuần.

Thậm chí, khách hàng ở các tỉnh xa cũng tìm đến tiệm anh Vân. "Trào lưu đạp xe sau giãn cách không biến mất, nó tồn tại theo thời gian, phát triển, làm thay đổi quan niệm sống của con người. Hướng đến một thành phố, một xã hội có nhiều người quan tâm thể thao, sức khỏe hơn", anh Vân nói.

Cũng trong thời điểm đó, một trào lưu mang tên chụp ảnh cho người lạ xuất hiện trên TikTok. Tiên phong là những nhiếp ảnh gia, hay những người chuyên về sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Họ đến bắt chuyện với những người lạ bất kỳ trên đường phố và gợi ý sẽ chụp một bộ ảnh miễn phí.

Đoàn Minh Thông (32 tuổi) - chủ tiệm chụp hình cưới ở TP.HCM cũng hưởng ứng trào lưu này. Anh đã chụp cho hơn 500 người lạ những bộ ảnh miễn phí. Trong đó, để lại cho anh nhiều cảm xúc nhất là câu chuyện của ông Lê Quang Liêm (78 tuổi) làm nghề chụp ảnh dạo ở Q.1.

Ông Liêm đã làm nghề 50 năm nhưng chưa từng được ai chụp cho mình. Mấy năm nay, ai ai cũng có thể sở hữu những bức hình đẹp từ chiếc điện thoại thông minh nên thu nhập của ông giảm sút. Video anh Thông chia sẻ về công việc của ông Liêm và nghe tâm sự của ông thu hút hơn 1,2 triệu lượt xem trên mạng xã hội thời điểm đó.

Những cái kết của trào lưu - Ảnh 2.

Anh Thông biến một trào lưu thành điều ý nghĩa, giúp ông Liêm có nhiều vui hơn trong những năm cuối đời còn làm nghề chụp ảnh dạo.

Phan Diệp

Nhờ thế, ông Liêm được nhiều người biết đến. Họ đến chụp ảnh ủng hộ, lì xì cho ông nhân dịp năm mới, làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người thợ chụp ảnh già.

"Nhờ Thông mà tôi có nhiều niềm vui và thêm thu nhập trong những năm cuối cùng còn sức cầm máy ảnh", ông Liêm tâm sự.

Hậu quả của việc bất chấp

Tuy nhiên, không phải những trào lưu nào cũng tồn tại được và để lại những tác động tích cực như thế. Đặc biệt, khi một số người chạy đua theo trend, "lấy bản thân mình làm phép thử".

Huyền Trân (29 tuổi ở Long An) thừa nhận rằng mình suýt mất mạng khi lạm dụng quá nhiều thuốc giảm cân, mong muốn lấy lại vóc dáng nhanh chóng. Cuối năm 2019, Trân mang thai đứa con thứ hai. Vì ăn quá nhiều tinh bột, đồ chiên rán nên bà mẹ trẻ tăng đến 30 kg. Sau sinh, cô thấy vóc dáng thô kệch, đi lại chậm chạp, cơ thể không còn linh hoạt.

"Tôi bị cuốn vào trào lưu giảm cân nhanh bằng thuốc từ đó", Trân chia sẻ. Bà mẹ trẻ cho biết có thời điểm cô nhịn ăn, nhịn mặc để dành tiền mua thuốc. Uống loại này một thời gian không hợp, cô đổi sang loại khác, sử dụng liên tục hàng chục loại trong 1 năm, nhưng không hiệu quả.

Đỉnh điểm, đầu năm 2021, Trân phải nhập viện cấp cứu vì đau bụng dữ đội. Kết quả, Trân bị loét bao tử nặng vì uống quá nhiều thuốc giảm cân.

"Sợ chết, tôi bỏ hết thuốc, bắt đầu tìm đến một phương pháp giảm cân khác khoa học hơn", Trân nói. Từ đó, cô theo đuổi phương pháp eat clean - ăn nhiều rau củ quả, ưu tiên đạm, hạn chế da, mỡ và thay cơm trắng bằng cơm gạo lứt... Kết hợp một lịch trình tập luyện cùng PT (personal trainer - huấn luyện viên riêng) ở phòng gym, sau gần 1 năm chị giảm từ 80 kg xuống còn 55 kg.

Chạy đua 'bắt trend': Những cái kết của trào lưu - Ảnh 3.

Huyền Trân trước và sau khi giảm 25 kg nhờ áp dụng chế độ ăn uống cùng tập luyện thể thao hợp lý.

Nhân vật cung cấp

Huyền Trân là một ví dụ của việc bất chấp chạy đua theo một trào lưu nào đó, hậu quả là ảnh hưởng đến sức khỏe của mình. Nhưng cũng nhờ trải qua thời khắc thập tử nhất sinh mới khiến bà mẹ trẻ tỉnh ngộ.

Cuộc sống luôn vận động, sự phát triển không ngừng của công nghệ số tác động không nhỏ đến tư duy và chất lượng sống của con người. Trào lưu, xu hướng của thời đại diễn ra là điều tất yếu phải có.

Chuyên gia tâm lý - ThS. Đặng Hoàng An nhắn gửi, trước những sự thay đổi của thời đại, mỗi người cần giữ cho mình một cái đầu lạnh để nhận ra đâu là điều cần học hỏi, làm theo và đâu là điều cần tránh, bài trừ.

"Hãy định vị bản thân để biết điểm mạnh và hạn chế của bản thân tránh chạy theo hư danh hư ảo. Đồng thời cố gắng giữ cho mình sự bình tĩnh sống để không chạy theo lối sống của người khác một cách thiếu kiểm soát, mù quáng để đánh đổi nhiều thứ không đáng có", ông Đặng Hoàng An chia sẻ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.