Chỉ 10% nhân lực ngành du lịch có trình độ đại học

Hà Ánh
Hà Ánh
13/03/2024 06:05 GMT+7

Thống kê lao động trong lĩnh vực du lịch đã qua đào tạo cho thấy, nhân lực có trình độ ĐH mới chỉ chiếm 10%. Trong khi nhân lực có trình độ CĐ, trung cấp, sơ cấp trên 50% và còn lại là lao động chỉ học khóa ngắn hạn.

Thông tin được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Khối ngành du lịch - dịch vụ". Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn, Fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.

Khối ngành du lịch - dịch vụ: Học ngành nào 'việc nhẹ, lương cao'?

TÍN HIỆU KHẢ QUAN VỀ NHU CẦU NHÂN LỰC DU LỊCH - DỊCH VỤ

Dự báo về tình hình đào tạo khối ngành du lịch - dịch vụ, thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm thông tin - truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cung cấp khá nhiều thông tin khả quan. Năm 2023, VN đã đón 12 - 13 triệu lượt khách quốc tế, kết quả này đã vượt mục tiêu đặt ra của ngành du lịch VN khoảng 4 lần trong năm ngoái. Năm nay, mục tiêu hướng tới đạt 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế và hiện một số chính sách miễn thị thực cho khách quốc tế được mở rộng.

Đây là những tín hiệu khả quan, tích cực cho ngành du lịch nước ta trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, việc cung ứng nguồn lao động cho ngành du lịch đòi hỏi tăng lên và tạo thêm những cơ hội cho người học về khối ngành này thời gian tới. "Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM đang đào tạo 3 ngành thuộc lĩnh vực này theo chương trình song ngữ và cập nhật yếu tố quốc tế. Sinh viên theo học khối ngành được trang bị tiếng Anh tốt", thạc sĩ Bích nói thêm.

Chỉ 10% nhân lực ngành du lịch có trình độ đại học- Ảnh 1.

Nhiều thông tin mới liên quan đào tạo và nhu cầu nhân lực khối ngành du lịch - dịch vụ được các chuyên gia chia sẻ trong chương trình tư vấn chiều qua 12.3

ĐÀO NGỌC THẠCH

Từ những số liệu đạt được của ngành du lịch VN trong năm qua, PGS-TS Nguyễn Quyết Thắng, Phó chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch VN, Trưởng khoa Quản trị du lịch - nhà hàng - khách sạn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, mạnh dạn khẳng định ngành du lịch đã có sự tăng tốc phục hồi và vượt qua thời kỳ trước đại dịch Covid-19. Do đó, yêu cầu nhân lực phục vụ cho ngành du lịch hiện đang rất cấp thiết. Điều này, theo PGS-TS Nguyễn Quyết Thắng, còn được thể hiện qua kết quả việc làm sinh viên sau khi tốt nghiệp. PGS Thắng cho biết kết quả khảo sát việc làm của nhiều trường trong đó có Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho thấy 1 - 2 năm vừa qua tỷ lệ sinh viên ngành du lịch có việc làm bình quân ở mức 88 - 90%.

"Cơ hội thực sự của ngành du lịch đang rất lớn, nhiều doanh nghiệp du lịch đang cần đội ngũ nhân lực được đào tạo. Tôi tin rằng trong giai đoạn trung và dài hạn, nhu cầu ngành du lịch vẫn rất cần thiết", PGS Thắng nói thêm.

Thông tin thêm về vấn đề này, thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Sài Gòn, cũng nói năm ngoái TP.HCM là địa phương dẫn đầu cả nước về lượt khách quốc tế và cả doanh thu về du lịch. Sau dịch Covid-19, lao động có sự chuyển dịch từ ngành du lịch sang các lĩnh vực khác rất lớn. Trong bối cảnh phục hồi ngành du lịch hiện nay, nhu cầu nhân lực đang ở mức cao. Đặc biệt, nhân lực phục vụ cho các nhà hàng - khách sạn thiếu lớn nhất vì mới chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu đang cần.

3 NHÓM YẾU TỐ MÀ NGƯỜI HỌC DU LỊCH CẦN CÓ

Cũng theo thạc sĩ Quỳnh Xuân, thống kê lao động trong lĩnh vực du lịch đã qua đào tạo cho thấy, nhân lực trình độ ĐH mới chỉ chiếm 10%. Trong khi nhân lực trình độ CĐ, trung cấp, sơ cấp trên 50% và còn lại là lao động chỉ học khóa ngắn hạn. Như vậy, có thể thấy người học bậc CĐ tham gia thị trường lao động du lịch đang chiếm rất nhiều.

Tiến sĩ Hà Thị Thùy Dương, Trưởng bộ môn du lịch Trường ĐH Mở TP.HCM, thì lưu ý 3 nhóm yếu tố cần thiết mà những người học ngành du lịch cần có. Một là những kiến thức chuyên sâu về du lịch, văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó là thái độ tích cực, tinh thần cầu tiến, vượt khó và đam mê nghề nghiệp, tính hướng ngoại năng động và cởi mở. Ngoài ra, sinh viên cần kỹ năng ngoại ngữ. "Nếu biết 2 - 3 ngôn ngữ trở lên chắc chắn sẽ được ưu tiên tuyển dụng trong ngành công nghiệp không khói vốn nhiều thử thách nhưng không ít thú vị", thạc sĩ Dương nói.

Chỉ 10% nhân lực ngành du lịch có trình độ đại học- Ảnh 2.

Sau những năm biến động vì dịch Covid-19, ngành du lịch-dịch vụ hồi sinh

Đ.C

NHIỀU TRƯỜNG SẮP KẾT THÚC NHẬN HỒ SƠ XÉT TUYỂN SỚM ĐỢT 1

Tiến sĩ Bùi Kim Luận, Phó hiệu trưởng Trường đào tạo Du lịch - Trường ĐH Duy Tân, cho biết năm nay trường sử dụng các phương thức xét tuyển gồm: xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ và điểm kỳ thi đánh giá năng lực hai ĐH quốc gia. Riêng phương thức thi tốt nghiệp THPT, trường căn cứ vào điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển.

Riêng về xét tuyển sớm, thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích cho biết trường có hai phương thức xét tuyển sớm dựa vào học bạ và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Trong đó, phương thức xét bằng học bạ trường đã nhận hồ sơ từ ngày 15.1 và sẽ kết thúc đợt 1 vào ngày 31.3 tới. Cũng theo thạc sĩ Bích, xét tuyển sớm góp phần giảm áp lực thi cử, giảm bớt sự cạnh tranh giữa các thí sinh ở một số ngành nghề đang là xu hướng của nhiều trường.

Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cũng chia sẻ xét tuyển sớm mang lại sự chủ động cao cho thí sinh. Vì chủ động nên mỗi trường sẽ linh hoạt về quy định xét tuyển, thời gian xét tuyển và điểm số mỗi đợt xét cùng một trường có thể cũng khác nhau. Do đó, thí sinh cần theo dõi thông tin chính thức từng trường cụ thể. Nhưng thạc sĩ Tư lưu ý, một yêu cầu quan trọng giữa lịch xét tuyển sớm và lịch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT sẽ quy về một mối vào giai đoạn cuối cùng. Sau khi hoàn tất việc xét tốt nghiệp THPT, thí sinh bắt đầu thực hiện đăng ký nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT. Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn dự kiến công bố thí sinh đủ điều kiện xét tuyển đợt 1 vào ngày 31.3.

Trước băn khoăn của học sinh về việc tham gia xét tuyển sớm khi chưa có kết quả học tập học kỳ 2 lớp 12, thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng các trường ĐH có nhiều phương thức xét tuyển sớm khác nhau: dựa vào học bạ, dựa vào điểm kỳ thi đánh giá năng lực, chứng chỉ ngoại ngữ… Ngay với xét tuyển dựa vào học bạ các trường cũng có nhiều hình thức tính điểm, trong đó có những trường chỉ xét dựa trên điểm các học kỳ của lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12. Thí sinh cần lựa chọn một phương thức xét tuyển phù hợp với bản thân. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành hiện đang nhận hồ sơ xét tuyển sớm, đợt 1 sẽ kết thúc vào ngày 31.3.

Ngành hướng dẫn viên nếu không tốt nghiệp CĐ lấy bằng cử nhân du lịch để nộp vào Sở Du lịch TP.HCM hoặc Sở VH-TT-DL của các địa phương khác để được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, thì không bao giờ trở thành hướng dẫn viên chính thức. Với hướng dẫn viên quốc tế, một điều kiện cần thêm là chứng chỉ ngoại ngữ, mới trở thành một nhân viên chính thức trong ngành du lịch.

Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân (Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Sài Gòn)

Chỉ 10% nhân lực ngành du lịch có trình độ đại học- Ảnh 3.

Khi xét tuyển vào các trường, thí sinh cần xem kỹ từng cách thức xét của trường để tìm ra những cách phù hợp mà bản thân có nhiều lợi thế nhất. Ví dụ tại Trường ĐH Mở TP.HCM, phương thức xét tuyển riêng của trường sẽ ưu tiên theo thứ tự đầu tiên với thí sinh có bài thi tú tài quốc tế, chứng chỉ quốc tế, kết quả kỳ thi SAT.

Tiến sĩ Hà Thị Thùy Dương (Trưởng bộ môn du lịch Trường ĐH Mở TP.HCM)

Chỉ 10% nhân lực ngành du lịch có trình độ đại học- Ảnh 4.

Trường đang đào tạo 3 ngành liên quan đến lĩnh vực du lịch - dịch vụ gồm: quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Theo khảo sát của trường, 3 khối ngành này đều có cơ hội việc làm tốt, vấn đề là thí sinh chọn ngành học phát huy sở trường, phát triển bản thân.

PGS-TS Nguyễn Quyết Thắng (Trưởng khoa Quản trị du lịch - nhà hàng - khách sạn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)

Chỉ 10% nhân lực ngành du lịch có trình độ đại học- Ảnh 5.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.