Chiến sự Ukraine ngày 730: Mỹ cho phép gửi tên lửa ATACMS tầm xa đến Kyiv

24/02/2024 05:23 GMT+7

Hôm 23.2, Lầu Năm Góc bật đèn xanh cho viễn cảnh cung cấp ATACMS (Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân) tầm mở rộng cho Ukraine, nhưng chỉ sau khi Quốc hội Mỹ phê chuẩn gói viện trợ mới cho Kyiv.

Chiến sự Ukraine ngày 730: Mỹ cho phép gửi tên lửa ATACMS tầm xa đến Kyiv- Ảnh 1.

Phía Ukraine diễn tập gần tiền tuyến ở Donetsk hôm 23.2

AFP

Nga đang thừa thắng xông lên ở Donetsk

Bộ Quốc phòng Nga hôm 23.2 cho biết lực lượng nước này đã tiến quân về hướng tây của Avdiivka (Donetsk) sau khi kiểm soát thành phố trước đó.

"Cùng phối hợp với không quân và pháo binh, lực lượng Nga đánh bại các đơn vị và thiết bị quân sự của Ukraine" ở 6 khu định cư gần đó, theo Bộ Quốc phòng Nga.

TASS đưa tin lực lượng Nga trong tuần qua cũng phá hủy nhiều vũ khí do phương Tây cung cấp cho Ukraine, bao gồm 7 tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh sản xuất, một tên lửa dẫn đường và bệ phóng Patriot của Mỹ, và 42 quả rốc két HIMARS (hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao.

Nga bắt tới 1.000 tù binh Ukraine ở Avdiivka?

Cũng trong ngày 23.2, lực lượng vũ trang Ukraine cho biết Nga đang tập trung hỏa lực vào "điểm nóng" mới là Marinka thuộc Donetsk.

Người phát ngôn của lực lượng Ukraine Dmytro Lykhoviy cập nhật diễn biến tại Marinka, theo đó tại 2 ngôi làng ở phía tây nam Marinka, các đơn vị Nga Russian 31 lần tìm cách đột phá các tuyến phòng thủ của Ukraine.

Còn Tổng thống Urkaine Volodymyr Zelensky trong tuần xác nhận tình hình ở tiền tuyến đang vô cùng khó khăn do luồng viện trợ quân sự của phương Tây tiếp tục bị trì hoãn.

Khả năng Mỹ cung cấp tên lửa ATACMS

Chiến sự Ukraine ngày 730: Mỹ cho phép gửi tên lửa ATACMS tầm xa đến Kyiv- Ảnh 2.

ATACMS (Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân) do Mỹ sản xuất

LẦU NĂM GÓC

Hôm 23.2, Tổng thống Zelensky kêu gọi các nước phương Tây hãy đẩy nhanh việc chuyển giao các hệ thống phòng không và tiêm kích cho Ukraine.

Tại cuộc họp báo ở trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ, Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho hay Washington cân nhắc gửi những dòng vũ khí mà Ukraine cần đến.

Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xúc tiến sau khi Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine.

Mỹ cho phép gửi tên lửa ATACMS tầm xa đến Kyiv

Khi được hỏi liệu tên lửa ATACMS tầm mở rộng sẽ có mặt trong danh sách viện trợ kế tiếp hay không, bà Singh nói "chúng tôi không loại trừ khả năng nào cả".

Ngày 22.2, ông John Kirby, Điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cũng cho hay Washington không loại trừ khả năng cung cấp tên lửa ATACMS cho Ukraine.

Chưa rõ tầm bắn của dòng ATACMS có thể cung cấp cho Ukraine, chỉ biết là chắc chắn tầm bắn được mở rộng.

EU tìm cách mua đạn pháo ngoài khối cho Ukraine

Chiến sự Ukraine ngày 730: Mỹ cho phép gửi tên lửa ATACMS tầm xa đến Kyiv- Ảnh 3.

Đạn pháo 155 mm

REUTERS

Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách vận động 1,5 tỉ USD nguồn quỹ khẩn cấp để mua đạn pháo cối từ ngoài khối theo kế hoạch do CH Czech làm trung gian, tờ Financial Times hôm 23.2 dẫn lời các quan chức biết về kế hoạch này.

Tuần trước, Tổng thống CH Czech Petr Pavel trình bày trước Hội nghị An ninh Munich (Đức) rằng chính quyền Prague đã tìm được một nước có thể cung cấp nửa triệu quả đạn pháo loại 155 mm và 300.000 quả 122 mm. Số đạn pháo có thể nhanh chóng đến tiền tuyến Ukraine nếu EU xoay xở gây quỹ kịp thời.

"Người Czech đã làm được điều đó, nhưng họ cần các nước khác cung cấp tiền", một quan chức không nêu tên cho biết.

Tổng thống Putin bay trên oanh tạc cơ hạt nhân chiến lược Tu-160M của Nga

Theo báo Financial Times, kế hoạch mua đạn dược từ một quốc gia ngoài EU được xúc tiến nhằm nhanh chóng hỗ trợ Ukraine trong lúc Quốc hội Mỹ chưa thể phá thế bế tắc liên quan đến gói viện trợ mới cho Kyiv, và châu Âu bị chậm trễ trong quá trình sản xuất đạn pháo cối.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho hay nước này cần 2,5 triệu quả pháo trong năm nay, nhưng khối EU chỉ gửi được 400.000 quả.

Cũng trong ngày 23.2, Mỹ công bố các lệnh cấm vận trên diện rộng đối với Nga, với hơn 500 cá nhân và tổ chức có tên trong danh sách lần này.

Cụ thể, các lệnh trừng phạt tập trung vào hệ thống thanh toán Mir của Nga, các tổ chức tài chính và cơ sở công nghiệp quân sự của nước này.

Phía Nga tuyên bố các lệnh cấm vận mới của Mỹ không thể ngăn cản Moscow bảo vệ các lợi ích của mình.

Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này đã hiện đại hóa 95% lực lượng hạt nhân chiến lược, và không quân vừa đưa vào biên chế 4 máy bay siêu thanh ném bom hạt nhân mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.