Chiến sự Ukraine ngày 784: Vụ tập kích gây tổn thất nặng giữa 'cơn khát' vũ khí

18/04/2024 04:00 GMT+7

Một cuộc tấn công lớn khiến 17 người thiệt mạng trong ngày 17.4 tại Ukraine đã làm gia tăng tính cấp bách trong việc tăng cường năng lực phòng không của nước này giữa lúc đạn dược cạn kiệt.

Các quan chức Ukraine thông báo một cuộc tấn công tên lửa của Nga xảy ra tại thành phố miền bắc Chernihiv trong ngày 17.4 đã khiến ít nhất 17 người thiệt mạng và ít nhất 60 người khác bị thương, theo trang The Kyiv Independent.

Chiến sự Ukraine ngày 784: Vụ tập kích gây tổn thất nặng giữa 'cơn khát' vũ khí- Ảnh 1.

Hiện trường vụ tấn công tại Chernihiv ngày 17.4

REUTERS

Vụ tấn công xảy ra ngay tại khu trung tâm thành phố Chernihiv (thủ phủ của tỉnh cùng tên) vào lúc 9 giờ. Ít nhất 3 vụ nổ đã xảy ra, phá hủy một khách sạn và làm hư hại nhiều tòa chung cư, một bệnh viện, một cơ sở giáo dục và hàng chục phương tiện.

Tỉnh trưởng Vyacheslav Chaus của tỉnh Chernihiv nói với truyền thông trong nước rằng Nga đã sử dụng 3 tên lửa hành trình Iskander.

Moscow chưa lập tức bình luận về vụ việc nhưng lâu nay khẳng định không tấn công các mục tiêu dân sự.

Tổng thống Ukraine Zelensky ‘bực bội’ vì yêu cầu của Mỹ

Nhu cầu cấp bách

Vụ tấn công xảy ra khi Ukraine đang bị thiếu đạn dược nghiêm trọng, gồm đạn cho các hệ thống phòng không. "Việc này đã không xảy ra nếu Ukraine nhận được đủ thiết bị phòng không", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky viết trên Telegram.

Ngoại trưởng Dmytro Kuleba lặp lại lời Tổng thống Zelensky, và cảm ơn Đức vì gần đây quyết định cung cấp thêm một hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, đồng thời kêu gọi các đối tác khác làm điều tương tự sau cuộc họp của nhóm G7 trong tuần này.

Chiến sự Ukraine ngày 784: Vụ tập kích gây tổn thất nặng giữa 'cơn khát' vũ khí- Ảnh 2.

Quân nhân Ukraine bên cạnh hệ thống phòng không di động AN/TWQ-1 Avenger

REUTERS

Liên quan vấn đề trên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 17.4 cho hay Hội đồng NATO-Ukraine sẽ họp vào ngày 19.4 để thảo luận phương án cung cấp thêm các hệ thống phòng không cho Kyiv.

Các quan chức Đức đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) và NATO củng cố năng lực phòng không của Ukraine nhanh nhất có thể khi mà Kyiv đang hứng chịu các cuộc tấn công tên lửa từ Moscow. Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius và Ngoại trưởng Annalena Baerbock của Đức đã kêu gọi EU, NATO và các nước thứ ba tham gia sáng kiến mới do Berlin đề xuất, dự kiến được thảo luận tại hội nghị ngoại trưởng G7 tại Ý trong tuần này.

Cùng ngày, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói rằng Hà Lan, Đan Mạch và Cộng hòa Czech sẽ xem xét ủng hộ sáng kiến của Đức về việc cấp hệ thống phòng không cho Ukraine. Theo Reuters, ông Rutte nói sau cuộc họp với những người đồng cấp Đan Mạch, Czech và ông Stoltenberg.

Xung đột trở thành chủ đề thảo luận chính tại hội nghị G7 ở Ý

Chính phủ Đan Mạch ngày 17.4 cũng công bố gói viện trợ quân sự thứ 17 cho Ukraine với trị giá khoảng 2,2 tỉ kroner (313 triệu USD). Gói viện trợ tập trung vào việc tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa hai nước. Copenhagen sẽ phân bổ 200 triệu kroner cho việc đầu tư vào ngành quốc phòng Ukraine.

"Tôi cảm ơn ngài Tổng thư ký và các đối tác NATO vì sự phản ứng nhanh chóng của họ. Ukraine cần những hành động ngay lập tức để tăng cường khả năng phòng không", Tổng thống Zelensky viết trên mạng xã hội X.

Tổng thống Mỹ kêu gọi viện trợ Ukraine

Chiến sự Ukraine ngày 784: Vụ tập kích gây tổn thất nặng giữa 'cơn khát' vũ khí- Ảnh 3.

Tổng thống Joe Biden cho rằng Ukraine đang ở thời khắc then chốt trong xung đột với Nga

REUTERS

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 17.4 có bài viết trên báo The Wall Street Journal, hối thúc quốc hội thông qua gói viện trợ quân sự cho Ukraine và Israel. Trong bài viết, ông Biden cho rằng hai nước nói trên đang ở trong thời điểm then chốt của các cuộc xung đột với Nga và Iran.

"Trong khi cả hai nước có thể có đủ năng lực bảo vệ chủ quyền, họ phụ thuộc vào sự viện trợ của Mỹ, gồm vũ khí, để làm điều đó. Và đây là thời khắc then chốt", chủ nhân Nhà Trắng cho biết.

Hạ viện Mỹ chia gói viện trợ Israel, Ukraine để bỏ phiếu riêng

Cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson thông báo một cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra trong ngày 20.4 về đề xuất của ông cho việc viện trợ quân sự cho Ukraine và Israel.

Động thái trên đặt ông Johnson vào thế đối đầu với các nghị sĩ bảo thủ trong đảng Cộng hòa của ông, những người đã cản trở việc viện trợ cho Ukraine trong nhiều tháng qua.

Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine, Israel và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trị giá 95 tỉ USD nhưng Hạ viện chưa bỏ phiếu. Ông Johnson đã quyết định tách riêng những dự luật này ra.

Tổng thống Biden gọi phiên bản đã được Thượng viện thông qua là "hợp lý và mạnh mẽ", cho rằng nó không nên bị "nhóm nhỏ các thành viên cực đoan của đảng Cộng hòa Hạ viện giữ làm con tin nữa".

Người Slovakia góp "quỹ hòa bình" để mua đạn cho Ukraine

Hàng ngàn người Slovakia đã quyên góp cho chiến dịch gây quỹ Peace for Ukraine (Hòa bình cho Ukraine) nhằm mua đạn cho Kyiv, bất chấp chính phủ nước này không đồng ý viện trợ quân sự.

Theo AFP, các nhà tổ chức cho hay đã quyên góp được 750.000 euro từ đầu tuần này. Họ hy vọng sẽ thu được 1 triệu euro và dự định trao toàn bộ số tiền này cho sáng kiến do Cộng hòa Czech dẫn đầu nhằm mua đạn cho Ukraine.

Thủ tướng Czech Petr Fiala ngày 16.4 cho hay 20 nước đã cam kết số tiền đủ để mua 500.000 quả đạn pháo từ các nước ngoài châu Âu cho Ukraine. Slovakia không tham gia sáng kiến này.

Từ khi nhậm chức vào năm ngoái, Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine và chủ trương đàm phán hòa bình với Nga.

"Chúng tôi tin rằng nhiều người tại Slovakia không đồng tình với việc từ chối sáng kiến của chính phủ Czech", ông Marian Kulich, đại diện Peace for Ukraine nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.