Chợ “ma” mùa lũ

03/10/2012 09:59 GMT+7

Chợ họp lúc nửa đêm và tan khi trời chưa kịp sáng nên bị gọi là chợ ma, chợ âm phủ… Lâu lắm rồi, những cái chợ “có mà như không” này tồn tại trong bao nỗi thăng trầm của dân chài vùng thượng nguồn Cửu Long.

Nửa đêm họp chợ

Đốm sáng vật vờ, ẩn hiện cùng tiếng máy nổ chạy xiết như xé toang màn đêm tĩnh mịch bao trùm lên một vùng biên giới lạnh lẽo. Theo tuyến kinh Tha La (xã Vĩnh Tế, TX.Châu Đốc, An Giang), lũ từ thượng nguồn hướng Campuchia hối hả đổ về. Lũ mang theo lo lắng cho nhiều người, nhưng lại là niềm phấn khởi của không ít người khác.

Chợ “ma” mùa lũ 
Bến xuồng của dân chài trong đêm họp chợ

Theo mách nhỏ của một người dân địa phương, chúng tôi có mặt tại cầu Tha La vào lúc 2 giờ sáng, khi cánh bạn hàng đã có mặt đông đủ. Tất cả cùng hướng mắt vào một vùng nước tối đen. Mỗi khi có ánh sáng đèn pin phất lên, họ lại nhao nhao để tiếp cận một đợt hàng mới về từ một xuồng chài. Ai cũng muốn nhanh tay, nhanh chân tiếp cận với chủ các xuồng cui vừa cập bến, chở những mẻ cá tươi vừa kiếm được trên dòng lũ.

Một phụ nữ quàng tấm cao su ngang cổ cho đỡ lạnh, hít hà: “Nước xiết quá, đặt dớn không được gì hết trọi”. Nói thế, nhưng từ phía sau, chồng chị phải khệ nệ rinh giỏ cá nặng trĩu lên bến. Sau khi vợ chồng chị gật đầu chấp nhận mức giá mà một bạn hàng đưa ra, giỏ cá lập tức được đổ ra và hàng chục người châu lại để phân loại, rồi cân kéo, tính tiền.  Xong việc, 2 người lặng lẽ qua quán cóc bên kia đường “làm” một dĩa cơm thịt nướng còn nghi ngút khói.

Có mà như không

Hết đợt cá này đến đợt cá khác. Hết đợt bạn hàng này đến đợt bạn hàng khác. Chợ “ma” thật sự nhộn nhịp vào tầm 4 giờ sáng. Đó là khi nhiều xuồng chài đánh bắt ở xa cũng về tới. Dưới sông tấp nập ghe xuồng, trên bờ chen chúc xe cộ. Không hề có tiếng hò hét, chửi rủa, giành giật… như từng thấy ở nhiều chợ khác. Từ xa nhìn tới, người ta chỉ thấy đám đông âm thầm chuyển động và tiếng máy nổ giòn tan theo những chiếc xuồng chui màn đêm trở về.

 Chợ “ma” mùa lũ
Việc mua bán diễn ra không mấy ồn ào.

Không là dân chài, cũng chẳng phải bạn hàng, nhưng mười mấy năm nay, đêm nào ông Nguyễn Văn Sớt cũng lật đật thức dậy thật sớm. Đôi khi chỉ để hỏi thăm những người quen sau một đêm đánh bắt có được nhiều cá hay không, hoặc có được rắn, rùa gì không. Nhưng cũng có khi ông không nói gì ai, ngồi đốt thuốc, vắt chân nhìn thế sự. Nhưng từ dân chài đến bạn hàng ở đây, ai cũng cần đến sự có mặt của ông. Ông biết giờ nào xuồng của ai trở về, để mách cho bạn hàng có nên chờ hay không. Rồi năm nay, tại bến này có bao nhiêu xuồng đi đánh lưới... Kinh nghiệm đúc kết hay những thông tin thu thập được của ông đôi khi cũng giúp được cho nhiều dân chài. Như thấy xuồng của anh Nguyễn Văn Nghĩa qua miệt Ô Long Vĩ đánh về ít cá linh, ông mách cho những xuồng khác đừng nên tới đó. Có người ở đánh ở khu cầu Mươn Tiền, Bàu Mướp trúng cá, ông lại rỉ tai những người khác nên tới đó. Hay khi “nghe ngóng” được giá cá, ông cũng không ngần ngại “tham vấn” cho những bạn chài khác để tránh bị dân buôn ép giá…

Chợ họp, tan mỗi đêm, nhưng cách đó vài cây số, khi hỏi thăm thì dường như chẳng ai biết. Bởi ngoài dân hàng cá, dân chài lưới thì chẳng ai thức sớm để ra khu vực hoang vắng này làm gì. Mọi giao dịch đều kết thúc trước 5 giờ sáng, không để lại một dấu tích nào.

Tuy “chóng vánh” như thế, nhưng lượng cá mắm từ đây bủa đi khắp nơi không phải là nhỏ. Cá ngon thì buổi sáng sẽ có mặt ở các chợ, còn cá tạp thì đi đường khác tới những làng bè, phục vụ cho dân nuôi cá. Nhiều loại sản vật đồng quê cũng được tiêu thụ từ đây.

Khi ánh đèn bên đường vụt tắt, trong khu chợ chỉ còn ông Sớt đang trầm tư nhìn về một vùng mênh mông nước, chậm rãi nhả khói thuốc. Ông nói ông đợi trời sáng để theo đám thanh niên trong xóm đi kiểm tra đê.

Tiến Trình

>> Đi chợ đêm bị cướp
>> Đông vui chợ đêm
>> Quậy tưng" chợ đêm Đà Lạt
>> Chợ đêm Hà Nội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.