Chợ truyền thống chiếm hơn 60% lượng rác thải khó phân hủy

02/10/2023 06:29 GMT+7

Sáng 1.10, HĐND TP.HCM phối hợp Sở TT-TT và Đài truyền hình TP.HCM tổ chức chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" với chủ đề "công tác bảo vệ môi trường - vấn đề rác thải nhựa".

Theo thông tin tại sự kiện này, TP.HCM đã tăng cường quản lý chất thải rắn, giảm sản phẩm nhựa dùng một lần từ năm 2018 và đến nay, hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị trên địa bàn TP đã cơ bản cắt giảm 100% túi ni lông khó phân hủy để chuyển sang dùng sản phẩm thân thiện môi trường.

Tuy nhiên, hiện nay chợ truyền thống là nơi chiếm hơn 60% lượng rác thải nhựa khó phân hủy của toàn TP. Trong khi đó TP.HCM đặt mục tiêu đến hết năm 2023, tiểu thương tại các chợ sẽ giảm 65% sản phẩm bao bì nhựa khó phân hủy nhưng mục tiêu này đến nay chỉ đạt hơn 17%. Ông Lê Quang Thiện, Trưởng ban quản lý chợ Tân Định (Q.1), cho biết còn nhiều tiểu thương sử dụng túi ni lông khó phân hủy vì giá rẻ, trong khi đó sản phẩm nhựa thân thiện môi trường có giá thành cao. Cụ thể, ông Thiện cho biết hiện mức thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì, túi ni lông khó phân hủy tăng lên 50.000 đồng/kg, thế nhưng giá bán của mặt hàng này chỉ từ 25.000 - 40.000 đồng/kg. Còn túi thân thiện môi trường khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg. Như vậy, cơ quan chức năng cần thu đủ và đúng thuế đối với đơn vị sản xuất mặt hàng túi ni lông hay chưa để tránh thất thu ngân sách và đảm bảo tính cạnh tranh cho các sản phẩm nhựa thân thiện môi trường.

Về vấn đề này, ông Giang Văn Hiển, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cam kết sẽ chỉ đạo các chi cục thuế, các phòng chức năng kiểm soát kỹ việc kê khai thuế đối với túi ni lông khó phân hủy. Đồng thời, sẽ rà soát, kiểm tra việc này để xử lý nghiêm các trường hợp trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế.

Trưởng ban đô thị HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Vân cho rằng cần tăng cường công tác truyền thông về giảm thiểu rác thải nhựa; tăng khả năng phân loại, tái chế rác thải nhựa và sử dụng sản phẩm thân thiện… Thường trực HĐND TP.HCM đề nghị Sở TN-MT tham mưu UBND TP.HCM kế hoạch, lộ trình cụ thể triển khai giảm thiểu sản phẩm nhựa một lần, bao bì nhựa khó phân hủy; tham mưu chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhựa thân thiện. Phía Sở Công thương cần triển khai thêm hoạt động giảm thiểu tối đa việc dùng sản phẩm nhựa một lần, bao bì nhựa khó phân hủy trong hệ thống chợ truyền thống…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.