Chọn HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, không dễ

16/04/2024 11:55 GMT+7

Những kinh nghiệm đã có trong chu kỳ thành công của HLV Park Hang-seo hay những bài học sâu sắc sau thất bại của HLV Troussier chắc hẳn đã cho Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) rất nhiều cơ sở và tiêu chí để chọn lựa nhà cầm quân mới cho đội tuyển VN.

THẾ NÀO LÀ YẾU TỐ PHÙ HỢP ?

Phù hợp với khái niệm cơ bản, có nghĩa là nhiều yếu tố riêng biệt nhưng khi được ghép lại thì khớp với nhau một cách trơn tru, hoàn hảo. Nhưng trong thế giới bóng đá nói chung và việc chọn lựa HLV trưởng một đội tuyển quốc gia nói riêng, phạm trù lại rất rộng.

Yếu tố đầu tiên được nhắc đến có lẽ là tài chính. Về mặt lý thuyết, ai cũng mong muốn đội tuyển VN có một HLV đẳng cấp, nhưng với tiềm lực kinh tế hiện tại, bóng đá VN không thể có ông Mourinho hay Zinedine Zidane dù họ đang thất nghiệp. Với khung lương 50.000 - 60.000 USD/tháng, chúng ta cũng chỉ có được số lượng các HLV nhất định và buộc phải chọn một trong số đó.

HLV Park Hang-seo (phải) thành công cùng bóng đá VN, còn HLV Troussier thì không

HLV Park Hang-seo (phải) thành công cùng bóng đá VN, còn HLV Troussier thì không

HOÀNG QUÂN

Tiêu chí thứ 2 có lẽ phải nhắc đến là hiểu sâu và rõ về bóng đá Đông Nam Á, đặc biệt đủ kiến thức chi tiết về bóng đá VN. Ưu tiên những cái tên từng làm việc tại châu Á hoặc Đông Nam Á. Nhiều khán giả VN có những định kiến về các HLV châu Âu hoặc Nam Mỹ, và lấy ví dụ về những thất bại của các ông thầy cũ như Edson Tavares, Dido, Falko Gotz hay Letard… Nhưng thực tế cho thấy, ngoài thầy Park Hang-seo được đánh giá là thành công nhất đến từ châu Á, những HLV ngoại đến từ châu Âu như cố HLV Karl Weingang, Alfred Riedl hay nhà cầm quân cá tính người Bồ Đào Nha Calisto cũng đã có những đóng góp vô cùng lớn trong sự nghiệp phát triển của bóng đá VN. Thế nên, câu chuyện quốc tịch, sắc tộc là yếu tố được tính đến, nhưng quan trọng hơn vẫn là đẳng cấp chuyên môn và kiến thức, tầm nhìn, sự hiểu biết về bóng đá Việt.

Nếu 2 cựu HLV đội tuyển Thái Lan dẫn dắt đội tuyển Việt Nam: Liệu có khả thi?

Chọn HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, không dễ- Ảnh 2.

HLV Calisto thành công khi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam giành chức vô địch AFF Cup 2008

Một yếu tố quan trọng khác cũng cần được nhắc đến là triết lý lối chơi phù hợp, bởi nền bóng đá VN đang nằm trong vùng trũng của bóng đá châu Á và thế giới. Cầu thủ VN xét về yếu tố thể hình, thể lực đều có khoảng cách rất xa với tốp đầu châu lục. Xét về các tiêu chí chuyên môn, đa số cầu thủ VN nhanh nhẹn, khéo léo, có sức bền dẻo dai, tinh thần chiến đấu ngoan cường. Nhưng nền tảng phát triển cơ bản lại chưa đồng đều, một số ít có nền tảng kỹ thuật cơ bản ở mức ổn định, tư duy chơi bóng hiện đại như Nguyễn Filip, Ngọc Hải, Hoàng Đức, Quang Hải, Văn Hậu… chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn lại nhiều thế hệ bóng đá VN luôn có những sự thiếu hụt nghiêm trọng, được mặt này thì thiếu yếu tố kia. Đó cũng là nguyên nhân khiến lối chơi thiên về kiểm soát bóng chủ động của HLV Troussier bị phá sản.

SỰ LỰA CHỌN CỰC KỲ KHÓ KHĂN

Nhìn lại những thời kỳ huy hoàng nhất của bóng đá VN, các nhà cầm quân tài ba như HLV Park Hang-seo hay Calisto đều có một điểm chung là cách họ xây dựng một tập thể đoàn kết, gắn bó và có sức chiến đấu cao, hết mình vì màu cờ sắc áo. Hay nói cách khác, họ có năng lực "đắc nhân tâm", thu hút được sự chú ý, tôn trọng và yêu quý của các cầu thủ để rồi từ đó dẫn dắt định hướng cả một tập thể đó chiến đấu vì mục tiêu chung.

Chọn HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, không dễ- Ảnh 3.

HLV Riedl cũng tạo dấu ấn đặc biệt tại VN

Ngoài ra yếu tố chú trọng công tác quản trị nhân sự cũng là cách mà những vị HLV này sử dụng một cách hiệu quả. Với HLV Calisto là sự tự do trong khuôn khổ, khuyến khích các cầu thủ mạnh dạn phát huy hết nguồn năng lực bản thân. Bản thân ông cũng luôn tích cực tìm tòi, phát hiện ra những tài năng mới. Còn với thầy Park, việc phân công nhiệm vụ một cách khoa học, chi tiết, tỉ mỉ cho tất cả thành viên trong BHL khiến đội ngũ này hoạt động trơn tru như một cỗ máy hoàn hảo. Từ vị trí quân sư, cánh tay phải cho HLV trưởng đến những thành viên trong team huấn luyện, mỗi người một nhiệm vụ. Từ khởi động, huấn luyện cá nhân, chỉnh sửa tư thế, vị trí của từng cầu thủ, kỹ lưỡng trong từng quả phạt hay tình huống chống lại quả phạt của đối thủ.

Sau khi HLV Troussier rời chức, các ứng viên hiện có thể tính đến: ông Kim Sang-sik, Kim Do-hoon (Hàn Quốc); Akira Nishino (Nhật Bản); Roberto Donadoni (Ý); Mano Polking (Đức) hay Luisma Hernandez (Tây Ban Nha). Thậm chí những nhà cầm quân đang làm việc trong nước như HLV Chu Đình Nghiêm (CLB Hải Phòng), Velizar Popop (đội Thanh Hóa) hay Kiatisak (đội Công an Hà Nội) cũng đang được xem xét.

Tất nhiên quỹ thời gian chọn lựa vẫn còn, có thể sẽ có thêm ứng viên chất lượng nữa. Nhưng có lẽ vấn đề quan trọng nhất của những nhà tuyển trạch, cụ thể là VFF cần nhanh chóng hoàn thành bộ tiêu chí tuyển chọn. Bởi có được những tiêu chí cụ thể, mục tiêu định hướng rõ ràng cho đội tuyển VN trong thời kỳ mới, chúng ta mới lựa chọn được nhà cầm quân phù hợp. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.