'Chọn mặt gửi vàng' khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

07/03/2023 16:37 GMT+7

Các chuyên gia tài chính cho rằng, nhà đầu tư nên chọn mua trái phiếu của các doanh nghiệp hàng đầu, có lịch sử phát triển trong nhiều năm, năng lực tài chính vững chắc.

Dù có tốc độ tăng trưởng bình quân 46% trong 5 năm qua, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP).

Kênh dẫn vốn quan trọng

Theo chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực, từ nay đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 700.000 - 1 triệu tỉ đồng vốn trung dài hạn. Nguồn vốn này không bao gồm phần vốn tín dụng từ ngân hàng. "Vì vậy, kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu là vô cùng quan trọng, vấn đề là điều tiết thị trường như thế nào để phát triển lành mạnh hơn'', ông Lực cho biết.

'Chọn mặt gửi vàng' khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Nên "chọn mặt gửi vàng" khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

MSN

Không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tạo ra một loại hình đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư cá nhân bên cạnh các sản phẩm đầu tư truyền thống.

Trong báo cáo vừa phát hành, FiinGroup cho rằng, nửa đầu năm nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thể sớm sôi động trở lại. Trong tháng 1.2023, thị trường chỉ chứng kiến duy nhất một đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với giá trị chỉ bằng 0,5% cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh nhiều đơn vị phải xin lùi thời hạn thanh toán cũng đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn. Ví dụ trong tháng 2, Công ty CP Tập đoàn Gelex (GEX) công bố mua lại 150 tỉ đồng trái phiếu trước hạn. Cụ thể, Gelex đã chi 45,4 tỉ đồng để mua lại trái phiếu có mã BONDGEX/2020.01 với kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào 22.7.2023 với khối lượng phát hành 200 tỉ đồng, khối lượng còn lại là 11,7 tỉ đồng.

Ngày 17.2, Công ty CP Đầu tư bất động sản Đông Dương công bố một loạt giao dịch mua lại trái phiếu trước hạn. Cụ thể, từ cuối năm 2022 đến đầu tháng 2.2023, công ty đã mua lại trước hạn một phần đối với 5 mã trái phiếu. Các trái phiếu này có kỳ hạn 48 tháng, sẽ đáo hạn vào tháng 3.2024 và lãi suất 12%/năm. Tổng giá trị mua lại theo mệnh giá là 400 tỉ đồng, theo đó, giá trị trái phiếu còn lại là 800 tỉ đồng... Trước đó, tháng 11.2022, Masan đã phát hành thành công 1.700 tỉ trái phiếu cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp để mua lại trước hạn các trái phiếu đáo hạn tháng 8.2023.

Cẩn trọng khi lựa chọn doanh nghiệp phát hành trái phiếu

Trong bối cảnh một số vi phạm trong hoạt động phát hành trái phiếu thời gian qua, các chuyên gia tài chính đều cho rằng, nhà đầu tư nên chọn mua trái phiếu của các doanh nghiệp hàng đầu, có lịch sử phát triển trong nhiều năm, năng lực tài chính vững chắc được chứng minh qua uy tín hồ sơ tín dụng, khả năng tạo ra dòng tiền bền vững. Với lợi thế không phụ thuộc vào chu kỳ, dư địa tăng trưởng rộng, lựa chọn đầu tư vào các doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ được đánh giá khả quan.

Ví dụ theo Báo cáo của IFR - thành viên Sở giao dịch Chứng khoán London : Hồ sơ tín dụng của Masan được đánh giá là mạnh. Việc Masan phát hành ra công chúng và đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán hướng đến khắc phục khiếm khuyết của hình thức phát hành riêng lẻ. Việc minh bạch thông tin của doanh nghiệp phát hành là điều kiện tiên quyết cho thị trường trái phiếu lành mạnh, nhà đầu tư tham gia đều được cung cấp đầy đủ thông tin và ý thức mức độ rủi ro của sản phẩm.

'Chọn mặt gửi vàng' khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 2.

Masan đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực mang lại tăng trưởng

MSN

Tháng 11.2022, Masan Group đã giải ngân thành công 600 triệu USD từ các ngân hàng quốc tế. Được sắp xếp bởi BNP Paribas, Credit Suisse, HSBC và Standard Chartered Bank, khoản vay hợp vốn được bảo lãnh phát hành và thu hút 37 tổ chức tài chính quốc tế đăng ký vượt mức. Khoản vay có lãi suất 2,9%, cộng với lãi suất tham chiếu SOFR, tương đương lãi suất 6,7% mỗi năm. Không chỉ có giá trị lớn, lãi suất ưu đãi mà khoản tín dụng này còn có thời hạn 5 năm, dài hơn so với thời hạn 3 năm của khoản vay được thực hiện vào năm 2020 - là thời điểm môi trường lãi suất thấp hơn.

Với năng lực tài chính vững chắc và dòng tiền mạnh, tính đến tháng 12.2022, tổng gốc và lãi mà Masan đã thanh toán trong năm 2022 là 11.237 tỉ đồng, trong đó tổng giá trị nợ vay dài hạn đã thanh toán sớm trước hạn là 4.752 tỉ đồng. Nguồn vốn mạnh và lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh được công ty sử dụng hiệu quả, tái đầu tư để mở rộng hệ thống, nghiên cứu phát triển sản phẩm cũng như đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực mang lại tăng trưởng.

Năm 2022, The CrownX (công ty hợp nhất mảng tiêu dùng - bán lẻ của Masan) đạt doanh thu 56.221 tỉ đồng, tăng 5,2% so với năm 2021 (so sánh trên cơ sở chuẩn hóa, loại bỏ tác động của dịch COVID-19). Trong năm qua dù nhiều chuỗi bán lẻ thu hẹp hoạt động, chuỗi WinMart+ của Masan đã đầu tư mở mới 730 siêu thị mini. Theo dự báo sơ bộ, trong năm tài chính 2023, doanh thu thuần hợp nhất của Masan ước tính sẽ đạt từ 90.000 tỉ đồng - 100.000 tỉ đồng, tăng trưởng 18% - 31% so với mức 76.189 tỉ đồng trong năm 2022.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết: "Tôi tự hào về cách Masan đã và đang đổi mới để vượt qua bối cảnh kinh tế vĩ mô và vi mô đầy biến động. Năm 2022, chúng tôi củng cố nền tảng tiêu dùng bán lẻ tích hợp với việc ra mắt các cửa hàng WIN. Năm 2023 và xa hơn nữa, những đổi mới mang tính quyết định tiếp theo của Masan sẽ là số hóa toàn bộ cơ sở hạ tầng tiêu dùng từ sản xuất đến bán lẻ, đồng thời phát triển nền tảng tích hợp giữa thương mại hiện đại và thương mại truyền thống. Nếu thực hiện được điều này, sẽ ngày càng có nhiều người tiêu dùng lựa chọn Masan bởi những trải nghiệm mua sắm độc đáo và chi phí tiết kiệm ít nhất 5% cho các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu hàng ngày. Tốc độ và mức độ đổi mới sâu rộng là điều khiến Masan tự tin về triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.