Chống nạn xả thải chui ra biển

02/05/2023 06:36 GMT+7

Mới đầu mùa du lịch, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã 'vi hành', chỉ đạo khẩn xử lý tình trạng xả thải ra biển. Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nước thải tràn ra biển là vấn đề nhức nhối của TP.Đà Nẵng.

Trong 2 năm dịch Covid-19, TP.Đà Nẵng đã và đang tranh thủ đầu tư khoảng 3.500 tỉ đồng cho 4 công trình giải quyết đầu ra nước thải Đà Nẵng. Tuy nhiên, chỉ có 2 dự án thu gom nước thải khu Mỹ An - Mỹ Khê và hệ thống thu gom nước thải và tuyến cống chuyển nước mưa về sông Hàn (lưu vực đường Hồ Xuân Hương đến Quảng Nam) của Ban quản lý dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên là có hệ thống thoát nước riêng.

Còn 2 dự án cải thiện môi trường nước phía đông (từ bán đảo Sơn Trà đến đường Phạm Văn Đồng) và tuyến ống thu gom nước thải từ Tôn Thất Đạm đến Lý Thái Tông do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông là sử dụng hệ thống thoát nước "nửa riêng", tức nước thải vẫn có nguy cơ hòa lẫn nước mưa xả ra môi trường khi mưa lớn.

Biển Đà Nẵng là con gà "đẻ trứng vàng" của ngành du lịch - mũi nhọn kinh tế chính, đóng góp chủ đạo cho GDP TP hiện nay. Nhưng thực tế, hạ tầng chưa đáp ứng được tốc độ phát triển du lịch. Hiện số lượng khách sạn 4 - 5 sao vẫn ít, còn phân khúc khách sạn 3 sao trở xuống lại quá nhiều. Các cơ sở lưu trú nhỏ lẻ, homestay, cải tạo từ nhà ở, thường không có hệ thống xử lý nước thải, trong khi tổng lượng khách lưu trú cũng không thua khách sạn lớn.

Vì vậy, vấn đề giám sát các khách sạn, nhà hàng lớn, công trình để chống nạn xả thải chui ra biển cần đặt ra (trên thực tế cơ quan chức năng đã nhiều lần bắt quả tang xả thải chui). Bởi, nếu bỏ quên cơ chế kiểm soát "đầu vào" với các điều kiện bắt buộc khi làm cơ sở lưu trú, thì cho dù ngân sách có gánh thêm hàng ngàn tỉ đồng cho "đầu ra" (hệ thống xử lý nước thải) cũng không giải quyết được tình trạng biển Đà Nẵng bị xả thải, làm giảm giá trị của du lịch biển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.