Chủ động giao quyền, thúc đẩy đầu tư công

03/01/2024 06:40 GMT+7

Được giao thẩm quyền quyết định giá đất, nhiều quận, huyện ở TP.HCM rút ngắn thủ tục bồi thường còn phân nửa thời gian so với trước, làm tiền đề tăng tốc đầu tư công.

Những ngày cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) Q.12, TP.HCM tất bật làm thủ tục bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (gọi tắt là bồi thường) cho người dân có nhà đất bị ảnh hưởng bởi dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Giao quyền cho chủ tịch quận

Dự án (DA) trên đi qua Q.12, có tổng chiều dài 8 km, ảnh hưởng đến 180 trường hợp với diện tích thu hồi gần 15,4 ha. Ở giai đoạn 1, địa phương chi bồi thường cho 104 trường hợp tại 4 phường Thới An, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, An Phú Đông với tổng số tiền gần 440 tỉ đồng. Đơn giá bồi thường của DA khá tốt nên nhận được sự đồng tình của người dân, trong đó đất ở từ 22,5 - 71,7 triệu đồng/m², còn đất nông nghiệp từ 5 - 8 triệu đồng/m2. Chỉ sau 10 ngày, địa phương đã giải ngân 279 tỉ đồng cho 59 hộ.

Chủ động giao quyền, thúc đẩy đầu tư công- Ảnh 1.

UBND Q.12, TP.HCM dự kiến bàn giao mặt bằng dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên trong quý 1/2024

Ngọc Dương

Đại diện Ban BTGPMB Q.12 cho biết nếu người dân có yêu cầu, đơn vị sẽ cử nhân viên xuống tận nhà để làm thủ tục, ký phiếu chi, còn tiền bồi thường sẽ chuyển vào tài khoản ngân hàng mà người dân đề nghị. Cách làm này giúp địa phương tăng tỷ lệ giải ngân, nhanh chóng tiếp nhận mặt bằng và bàn giao cho chủ đầu tư ngay trong những ngày đầu năm mới để thi công các gói thầu xây lắp. Đối với các trường hợp còn lại, dự kiến chi bồi thường và bàn giao mặt bằng trong tháng 3.2024.

Kế bên Q.12, Q.Gò Vấp cũng đang dồn sức chi bồi thường DA cải tạo rạch Xuyên Tâm. DA này đi qua 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp, kéo dài hơn 20 năm khiến người dân bức xúc vì phải sống trong cảnh ô nhiễm, ngập úng, nhà cửa bị hạn chế xây dựng. Riêng đoạn đi qua Q.Gò Vấp ảnh hưởng 135 trường hợp, trong đó có 39 hộ dân giải tỏa toàn bộ và 96 trường hợp giải tỏa một phần, tổng kinh phí bồi thường hơn 350 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, cho biết đây là DA đầu tiên quận thực hiện theo cơ chế ủy quyền lập hội đồng thẩm định (HĐTĐ) giá đất bồi thường, chủ tịch quận phê duyệt giá đất và bồi thường cho các hộ dân. Trước khi vận hành cơ chế này, các thành viên đã đi tập huấn và được cấp chứng chỉ đào tạo về thẩm định giá. Bản thân ông Dũng cũng phải đọc thêm nhiều văn bản, luật, nghị định, thông tư liên quan đến lĩnh vực đất đai. Hồ sơ pháp lý thì giao cho các phòng TN-MT, Quản lý đô thị, chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, UBND phường rà soát nguồn gốc, quá trình tạo lập, sử dụng, xây dựng nhà ở.

"Chốt lại vẫn là giá bồi thường tốt thì người dân đồng thuận bàn giao, nếu không sẽ rất khó trong việc thu hồi mặt bằng. Vậy nên hội đồng phải cân chỉnh, tính toán cho hợp lý", ông Dũng cho biết. Theo kế hoạch, tháng 8.2024 sẽ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư nhưng địa phương cố gắng hoàn thành trong quý 1/2024.

Rút ngắn 45 ngày

DA cải tạo rạch Xuyên Tâm và kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên chỉ là 2 trong số các DA đầu tiên ở TP.HCM áp dụng cơ chế ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể và lập HĐTĐ giá đất.

Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM Trần Văn Bảy cho biết theo quy định hiện hành, việc quyết định giá đất cụ thể phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện theo quy trình khá phức tạp và kéo dài. Do vậy, các tỉnh thành kiến nghị và được Chính phủ cho phép UBND cấp tỉnh ủy quyền cho UBND cấp huyện thực hiện 2 việc: quyết định giá đất cụ thể và thành lập HĐTĐ giá đất.

Như vậy, UBND cấp huyện thay vì trình lên TP thì sẽ tự quyết định luôn giá đất bồi thường và giá đất tái định cư. Đồng thời, UBND cấp huyện được lập HĐTĐ giá đất do Chủ tịch UBND cấp huyện là chủ tịch hội đồng. Ông Bảy cho biết nếu như trước đây cấp huyện chỉ làm khâu đầu tiên là thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá rồi trình Sở TN-MT, tiếp đó Sở TN-MT phải rà soát rồi trình HĐTĐ giá đất TP.HCM, sau đó mới trình UBND TP.HCM phê duyệt. Với quy trình này, nếu các khâu trơn tru cũng mất khoảng 90 ngày. Còn hiện nay, toàn bộ quy trình giao về cho cấp huyện, nhiều DA hoàn thành trong khoảng 45 ngày.

Để hỗ trợ các địa phương, Sở TN-MT đã xuống hướng dẫn nghiệp vụ, mở lớp tập huấn và cấp chứng nhận nghiệp vụ thẩm định giá cho hàng trăm cán bộ tại các quận, huyện. Những DA đầu tiên, Sở TN-MT và Sở Tài chính đều cử cán bộ xuống hỗ trợ, góp ý dự thảo chứng thư thẩm định giá. "Hiện nay các quận, huyện khá tự tin, vận hành được nhiều DA. Sang năm 2024, Sở TN-MT sẽ tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra xem có chệch choạc gì không để chấn chỉnh", ông Bảy nói thêm.

Tiếp tục trao quyền cho cơ sở

Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Văn Bảy cho biết đang tham mưu UBND TP.HCM giao luôn cho UBND cấp huyện phê duyệt hệ số hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm khi thu hồi đất nông nghiệp để đảm bảo tính đồng bộ, kịp thời trong công tác bồi thường.

Trả lời Thanh Niên, lãnh đạo nhiều quận, huyện cho rằng TP cần mạnh dạn giao các DA giao thông, chống ngập, xây dựng trường lớp, bệnh viện về cho ban quản lý DA đầu tư xây dựng địa phương. Điều này nhằm giảm áp lực cho các ban quản lý DA chuyên ngành cấp TP. "Việc khó nhất là bồi thường thì địa phương đã làm rồi, còn phần xây lắp thì việc chuẩn bị thủ tục, tổ chức đấu thầu, giám sát DA đều theo quy định chung. Nếu giao về cho địa phương sẽ đẩy nhanh được tiến độ, đảm bảo tỷ lệ giải ngân", lãnh đạo một quận khu vực ngoại thành nói.

Bàn giao 70% mặt bằng trước ngày 30.4

Văn phòng UBND TP.HCM mới đây ban hành thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại buổi họp về thúc đẩy giải ngân đầu tư công năm 2023 và chuẩn bị triển khai kế hoạch năm 2024.

Về kế hoạch đầu tư công năm 2024, ông Mãi giao UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức hoàn thành bàn giao 70% mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 30.4 đối với những dự án đã hoàn thành thủ tục chi trả bồi thường cho người dân trong năm 2023.

Về thực hiện thủ tục đầu tư dự án năm 2024, ông Phan Văn Mãi đề nghị các sở ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư hoàn tất thủ tục phê duyệt dự án nhóm C trước ngày 31.1, các dự án nhóm B và 3 dự án mua sắm trang thiết bị cho 3 bệnh viện đa khoa khu vực (Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi) trước ngày 15.3, và các dự án nhóm A trước ngày 15.6. Đối với các dự án không phải thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công, đảm bảo khởi công trong quý 1/2024. Đối với dự án cần bồi thường, giải phóng mặt bằng thì phải hoàn tất thủ tục về bồi thường, giải ngân trong quý 2/2024.

Chủ động giao quyền, thúc đẩy đầu tư công- Ảnh 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.