Chủ tịch Hà Nội: Ở Sóc Sơn, 'dân có lấn rừng, rừng có lấn dân'

24/04/2024 19:36 GMT+7

Trước kiến nghị của cử tri về Quy hoạch rừng Sóc Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị huyện đẩy nhanh tiến độ để thành phố phê duyệt. 'Dân có lấn rừng, rừng cũng có lấn dân, nếu chậm giải quyết thì sẽ kìm hãm sự phát triển của huyện', ông Thanh nói.

Chiều 24.4, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 10 đã tiếp xúc cử tri H.Sóc Sơn trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri chiều 24.4

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri chiều 24.4

KHẮC HIẾU

Tại buổi tiếp xúc, cử tri phản ánh những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống người dân như: đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên địa bàn huyện; giải quyết ô nhiễm môi trường và chính sách đời sống người dân quanh khu xử lý rác Nam Sơn; sớm hoàn thiện Quy hoạch rừng Sóc Sơn để người dân ổn định cuộc sống.

Đặc biệt, cử tri cho biết, có 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch sân bay Nội Bài.

Trả lời các vấn đề cử tri quan tâm, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh gửi lời cảm ơn cử tri khi đã chia sẻ, thông cảm, thấu hiểu về việc hệ thống chính trị của thành phố đã luôn nỗ lực để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh với nhiều kết quả toàn diện.

"Hà Nội thu của dân thấp nhất, chi cho người dân cao nhất. Các chính sách hỗ trợ của Hà Nội luôn cao hơn mức của T.Ư", ông Thanh nói và cho biết nêu ra thông tin này để cử tri mừng và chia sẻ với thành phố.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị

KHẮC HIẾU

Về vấn đề giao thông, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, tới đây sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy Hà Nội để lập danh mục các dự án cần đầu tư cho nhiệm kỳ mới về giao thông và đê điều.

Trả lời về những khó khăn của người dân trong khu quy hoạch sân bay Nội Bài, ông Trần Sỹ Thanh cho rằng, đối với các dự án chậm triển khai, quy hoạch treo nhiều năm, các cấp, các ngành nên giải quyết thủ tục để đảm bảo điều kiện sinh sống cho người dân.

Bởi vì, từ trước đến nay, đối với các công trình vì lợi ích quốc gia thì người dân đều không phản đối. Để tình trạng người dân có đất cha ông để lại mà "xây không được, bán không xong, không vay được ngân hàng" thì rất khó khăn.

"Sở TN-MT phải làm việc với huyện để rà soát lại các chủ trương, chính sách để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân", ông Thanh nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu cán bộ không được làm ẩu, làm sai chính sách, thực hiện nhất quán việc đảm bảo quyền lợi của người dân.

Tiếp đó, ông Thanh khẳng định với cử tri, thành phố rất quan tâm tới việc xử lý rác, lắng nghe ý kiến cử tri để có quyết sách phù hợp. Với vùng bán kính 500 m quanh khu xử lý rác Nam Sơn, ông yêu cầu Sở TN-MT, H.Sóc Sơn khẩn trương đẩy nhanh tiến độ; sớm triển khai thêm một nhà máy xử lý rác ở khu vực này.

Đối với Quy hoạch rừng Sóc Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đề nghị huyện đẩy nhanh tiến độ để thành phố phê duyệt. "Dân có lấn rừng, rừng cũng có lấn dân, nếu chậm giải quyết thì sẽ kìm hãm sự phát triển của huyện", ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Có việc lợi dụng người bản địa để trục lợi

Rừng phòng hộ Sóc Sơn có diện tích 4.557 ha, trải rộng trên 10 xã, gồm: Minh Phú, Minh Trí, Hiền Ninh, Bắc Sơn, Nam Sơn, Hồng Kỳ, Phù Linh, Quang Tiến, Tiên Dược, Tân Minh và thị TT.Sóc Sơn. Việc "xẻ thịt" đất rừng Sóc Sơn kéo dài nhiều năm qua.

Năm 2006, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm sau khi kiểm tra việc quản lý sử dụng đất rừng tại lâm trường Sóc Sơn và 9 xã. Tại rừng phòng hộ, đặc dụng ở Sóc Sơn, cơ quan chức năng thống kê có hơn 650 hộ xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp với diện tích 11 ha.

Năm 2019, Thanh tra TP.Hà Nội công bố kết luận, chỉ ra hàng nghìn vụ vi phạm đất rừng phòng hộ. Riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven các hồ lớn (Đồng Quan, Hàm Lợn, Đồng Đò...) trong quy hoạch rừng có 797 công trình vi phạm. Khoảng 40 cán bộ của huyện đã bị xử lý, nhiều công trình vi phạm bị phá dỡ.

Tuy nhiên, 1 năm sau đó, việc xử lý vi phạm phải tạm dừng do người dân khiếu nại quy hoạch rừng năm 2008 chồng lấn diện tích khu dân cư. Trong lúc chính quyền còn đang rà soát, bóc tách diện tích đất ở và đất rừng để có cơ sở xử lý vi phạm cũ thì nhiều công trình tiếp tục "mọc" lên trên đất quy hoạch rừng.

Báo cáo mới đây của UBND H.Sóc Sơn cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến việc xử lý một số trường hợp "xẻ thịt" rừng Sóc Sơn còn chậm, trong đó có việc nhiều hộ dân ở nơi khác đến lợi dụng người bản địa để trục lợi.

Đặc biệt, H.Sóc Sơn cho biết sẽ củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan công an các vụ việc mua, bán, chuyển nhượng đất rừng, chiếm đất và hủy hoại đất rừng theo quy định...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.