Chủ tịch người Việt của CLB FK Sarajevo: 'Nếu không đi thì không có con đường'

14/07/2020 08:26 GMT+7

“Những chuyến xuất ngoại của Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Hậu như một bước tiến cho bóng đá VN, chúng ta phải cảm ơn bầu Đức, bầu Hiển về điều này bởi đó là những người tiên phong”, ông Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch người Việt của CLB FK Sarajevo (FKS) của Bosnia & Herzegovina, chia sẻ với Báo Thanh Niên.

Dưới góc nhìn của ông, tại sao đến thời điểm này, các cầu thủ VN lại chưa thể thành công hay trụ lại lâu dài ở nước ngoài?

Sẽ có cầu thủ Bosnia & Herzegovina tham gia V-League

Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết: “Năm 2019, đội trẻ của Sarajevo đã tham gia giải U.21 quốc tế tại Đà Nẵng và được tham quan cơ sở vật chất, cũng như hướng đi chiến lược của PVF. Chúng tôi đã ký hợp tác chiến lược về đào tạo trẻ, trao đổi cầu thủ, trao đổi giáo trình huấn luyện giữa hai bên. Lãnh đạo PVF và Sarajevo FC đã có các bàn bạc cụ thể về vấn đề này. Nhưng thật không may khi dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng và thay đổi tiến độ mọi thứ. Tuy nhiên, mọi việc sẽ được tiếp tục ngay khi những chuyến bay quốc tế đầu tiên được nối lại. Chúng tôi lên kế hoạch và sẽ thực hiện để Sarajevo và PVF có những bước tiến cụ thể. Chắc chắn rằng, sẽ có cầu thủ Bosnia & Herzegovina tham gia V-League và ngược lại. Các cầu thủ trẻ VN sẽ được cọ xát trên các sân cỏ của Bosnia & Herzegovina. Ban huấn luyện của Sarajevo đã nhắm danh sách của U.19 PVF một cách cụ thể cho kế hoạch của mình.

Ông Hoài Nam cùng CLB Sarajevo giành ngôi vô địch Bosnia & Herzegovina

NVCC

Trước tiên, phải khẳng định việc đưa các cầu thủ ra nước ngoài thi đấu là một hướng đi đúng, mang nhiều lợi ích cho bóng đá VN. Còn tại sao chưa thể thành công thì chúng ta phải phân tích rõ thành công về mặt gì. Theo ý kiến cá nhân tôi, nếu bỏ qua yếu tố thương mại, việc đưa cầu thủ VN ra nước ngoài thi đấu có 2 mục tiêu lớn. Thứ nhất là nâng tầm về mọi mặt cho các cầu thủ, từ thể lực, sự cọ xát, tư duy chiến thuật cho đến tính chuyên nghiệp. Các cầu thủ này luôn là nhân tố quan trọng cho đội tuyển quốc gia. Thứ hai, bóng đá VN hội nhập sâu hơn, rộng hơn đối với các nền bóng đá hàng đầu trên thế giới thay vì loanh quanh khu vực Đông Nam Á, hình ảnh bóng đá VN và cầu thủ VN cũng sẽ được biết đến nhiều hơn trên bản đồ thế giới.

Ông Nguyễn Hoài Nam

NVCC

Chúng ta đã đạt được mục tiêu đầu tiên mà bằng chứng là sự cống hiến tuyệt vời của Công Phượng, Xuân Trường, Văn Lâm và Văn Hậu khi các cầu thủ này từ nước ngoài trở về thi đấu cho đội tuyển quốc gia và CLB của họ.

Ông chủ Việt Nam mua nhà vô địch Sarajevo vì muốn phát triển bóng đá quê hương

Tuy nhiên, chúng ta phải tham khảo sâu sắc ý kiến của các chuyên gia đến từ châu Âu như HLV đội U.19 VN Philippe Troussier và HLV đội U.19 PVF Mauro Jeronimo Tavares (HLV đến từ Bồ Đào Nha) để ý thức rõ khả năng hiện tại của các cầu thủ VN. Cầu thủ chúng ta không được ra sân, thì yếu tố đầu tiên là không cạnh tranh được với các cầu thủ bản xứ hoặc các nước châu Âu khác. Nên nhìn nhận thẳng thắn như vậy.

Văn Hậu hoàn toàn có thể chơi bóng ở nhiều CLB châu Âu

Ông Nguyễn Hoài Nam nói: “Tôi có thấy báo Hà Lan nói đến việc Văn Hậu có khả năng tham gia Sarajevo FC. Tôi khẳng định chúng tôi không có một tiếp xúc hay thông tin gì về việc này. Chúng tôi có profile của Hậu, như bao cầu thủ xuất sắc khác. Khi xem băng hình, ban huấn luyện đều khẳng định đẳng cấp Hậu hoàn toàn có thể chơi bóng ở nhiều CLB châu Âu hay Sarajevo, nhưng ở vị trí của Hậu, CLB Sarajevo đã có 3 cầu thủ chơi xuất sắc, trong đó dự bị là một tuyển thủ U.21 Bosnia & Herzegovina. Thành phần này chuẩn bị dự trận sơ loại đầu tiên của Champions League ngày 18.8 tới.
Ông đánh giá thế nào về những chuyến xuất ngoại của Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh hay gần đây nhất là Văn Hậu?
Nếu không đi thì không có con đường. Những chuyến xuất ngoại của Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Hậu như một bước tiến cho bóng đá VN. Chúng ta phải cảm ơn bầu Đức, bầu Hiển về điều này bởi đó là những người tiên phong.
Những cầu thủ xuất ngoại là những cầu thủ xuất sắc nhất trong thế hệ của họ và là những tuyển thủ quốc gia. Tuy nhiên sự chuẩn bị cần dài hơi hơn và bài bản hơn. Một cầu thủ nếu được thi đấu trên 2.000 phút/năm - tôi xin nhấn mạnh là được thi đấu chứ không phải tập luyện - trong môi trường bóng đá đỉnh cao thì đó là điều mơ ước. Rất tiếc khi các cầu thủ của ta chưa làm được điều đó.
Hiện tại những giải đấu cao nhất châu Âu là những giải như Ngoại hạng Anh, La Liga (Tây Ban Nha), Serie A (Ý), Bundesliga (Đức), giải vô địch quốc gia Bỉ, Hà Lan... Nhưng theo tôi, chúng ta nên có một bước đệm ở các giải vô địch châu Âu ít tiếng tăm hơn như Bồ Đào Nha, Hungary hay Bosnia & Herzegovina... Nếu chơi tốt tại các giải đấu này thì việc chuyển tiếp sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Ví dụ nhiều cầu thủ chơi tại giải vô địch Bosnia & Herzegovina sau đó qua các giải nổi tiếng hơn như cầu thủ Edin Dzeko hiện đang chơi cho AS Roma (Ý), Miralem Pjanic mới về Barcelona (Tây Ban Nha), thủ môn Asmir Begovic thi đấu cho AC Milan (Ý) hay Sead Kolasinac đầu quân cho CLB Arsenal (Anh).

Ông Hoài Nam (thứ 5 từ phải sang) trong lễ ký kết hợp tác chiến lược với PVF

Vy Khánh

Theo ông, cầu thủ VN hiện đã và còn thiếu những điều kiện gì để có thể chơi bóng một cách sòng phẳng ở nước ngoài?
Tôi thích ý kiến của HLV Philippe Trousier: “Trước tiên bóng đá VN phải là thế lực của bóng đá châu Á trước đã”. Khi bóng đá VN trở thành thế lực của châu Á thì cầu thủ VN sẽ dễ dàng hơn. Để trụ lại tại các CLB nước ngoài của một nền bóng đá mạnh thì không còn gì khác ngoài chuyên môn. Chuyên môn đây bao gồm thể lực, kỹ chiến thuật, độ bền bỉ và tính chuyên nghiệp. Nếu VN ở top đầu châu Á thì cầu thủ VN sẽ thuận lợi khi ra nước ngoài vì sẽ được đánh giá cao về chuyên môn. Từ đó cầu thủ VN mới cạnh tranh với các cầu thủ khác cùng vị trí sở trường một cách sòng phẳng và trở thành một trong hai cầu thủ tốt nhất ở vị trí đó trong CLB.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.