Văn hóa công sở:

Chữa lành là gì và vì sao người ta thích đi chữa lành?

16/05/2024 04:25 GMT+7

Người người rần rần đi 'chữa lành'. Những ngày nghỉ lễ, lên mạng xã hội, lướt tin đều thấy các dòng trạng thái 'đi chữa lành'. Nó là gì mà người ta nhắc nhiều vậy?

Chị Bích Vân (35 tuổi, nhân viên một công ty bất động sản ở Q.8, TP.HCM) đăng nhiều tấm ảnh trên Facebook kèm dòng trạng thái “Cần tiền để tiếp tục đi chữa lành”.

"Trạm sạc" cuộc sống

Chị Vân nói “chữa lành" ở đây không phải là điều trị bệnh lý gì về thể chất cả. Thay vào đó, nó là cụm từ được người dùng mạng xã hội sử dụng và lan tỏa, nhằm chỉ đến một hoạt động phục hồi tinh thần, tâm trí.

Hoạt động để chữa lành thì đa dạng. Tập thể dục, chơi thể thao, nghỉ phép về quê, làm vườn, đi du lịch, đi massage… đều có thể nói là để chữa lành. Tựu trung lại, đó là hoạt động mà con người thay đổi môi trường, ngắt kết nối với công việc.

“Trải nghiệm ở một vùng đất mới, hòa mình với thiên nhiên nhiều hơn, tăng cường sức khỏe… giúp chúng ta lấy lại nguồn năng lượng, giảm căng thẳng. Đó là những dịp mà tôi có cơ hội lắng nghe bản thân mình nhiều hơn. Khi về lại công ty, tôi có thêm nhiều ý tưởng và động lực làm việc hơn”, chị Vân cho hay.

Tương tự, anh Trung Thạnh (ở Long An) xem chữa lành như một “trạm sạc” của cuộc sống, giúp con người nạp lại năng lượng, phục hồi sau những tổn thương, biến cố hay đơn giản là sau áp lực của công việc.

Anh Thạnh cho rằng ngày nay, từ “chữa lành” được dùng phổ biến hơn vì nó xuất phát từ nhu cầu hưởng thụ cuộc sống, quan tâm đến chăm sóc sức khỏe tâm thần. Và cũng có thể do “chữa lành” quá "hot" nên nhiều người cũng bắt chước làm theo.

Chữa lành là gì và vì sao người ta thích đi chữa lành?- Ảnh 1.

"Chữa lành" là một xu hướng trên mạng xã hội, chỉ việc phục hồi tinh thần, năng lượng

NGUỒN ẢNH: PEXELS

"Chữa lành" thái quá, coi chừng mất tinh thần làm việc

Anh Huỳnh Sang (đang làm ở một công ty luật tại TP.HCM), nói rằng anh thường tự “chữa lành" bằng cách ngồi đọc sách, nghe nhạc, đi xem phim hoặc đi cắm trại cùng bạn bè gần thành phố. Đó là giải pháp giúp anh giảm căng thẳng sau “núi" tài liệu chất chồng.

Thuộc lứa gen Z, anh Sang cho biết từ “chữa lành" bây giờ là một thuật ngữ quen thuộc của giới trẻ. Đôi khi, thấy người khác “chữa lành", anh Sang tự nhìn lại bản thân mình để định vị được tâm lý của mình có đang ổn định, có cần phục hồi điều gì về mặt tinh thần không.

Tuy nhiên, anh Sang cũng cho rằng đôi khi trend “chữa lành" tạo ra một áp lực cho người khác, gây ra những “vết thương nhân tạo".

“Có khi tôi đang thấy vui vẻ, ổn định, nhưng thấy hình ảnh đi “chữa lành" của người khác, tôi cũng muốn nghỉ làm để đi chơi. Tôi muốn tiêu tiền nhiều hơn cho những hoạt động bên ngoài thay vì ngồi lại với bản thân mình. Đôi lần, tôi tự cho mình đang bất ổn, dù thời điểm đó, tôi không gặp gì trúc trắc cả, hoặc vấn đề không lớn”, anh Sang kể.

Chị Bảo Ngọc (24 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ rằng chị thường đi du lịch, tìm nơi không xô bồ, không có áp lực để nghỉ ngơi vì quá căng thẳng với công việc.

Tuy nhiên, theo chị Ngọc, người lao động chỉ nên chữa lành khi đã hoàn thành công việc. “Chứ deadlines (hạn chót các nhiệm vụ) còn rất nhiều, mình chưa hoàn thành tới đâu mà đi chữa lành thì khi về còn cảm thấy stress hơn. Tôi cũng tin rằng chúng ta chỉ nên chữa lành khi thấy thật sự cần. Không nên lạm dụng nó để trốn việc. Cùng một khoảng thời gian mà đi chữa lành nhiều quá sẽ bị mất mood (tâm trạng) làm việc”, chị Ngọc nêu quan điểm.

Một chuyên gia trong lĩnh vực lao động - việc làm tại TP.HCM cho hay trend "chữa lành" có thể khiến người lao động rơi vào hệ quả là quá chăm chút đến cảm xúc cá nhân. Chỉ cần sếp nhắc nhở gì cũng có thể khiến nhân viên nghỉ phép, nghỉ việc để đi chữa lành. 

Điều này, lâu dài ảnh hưởng đến công việc, sự nghiệp nói riêng của người lao động và việc phát triển của công ty nói chung.

Theo vị chuyên gia này, đôi khi việc "đu trend" chữa lành quá mức sẽ làm cho con người quên mất rằng họ cũng cần luyện tập, rèn luyện mình thích ứng với nghịch cảnh, tổn thương, thay vì chọn một hoạt động chỉ để trốn tránh, phớt lờ vấn đề thật sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.