Chúng tôi cũng đang rất đau đầu với mấy 'ông' phế liệu này!

Nguyên Nga
Nguyên Nga
05/09/2018 21:18 GMT+7

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM đã thốt lên câu nói trên tại Hội nghị đối thoại giữa Cục Hải quan TP với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) được tổ chức hôm nay (5.9) tại TP.HCM.

Tồn đọng phế liệu tại cảng là một trong những đề tài được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Đại diện một hãng tàu biển thắc mắc nhiều doanh nghiệp nhập phế liệu để sản xuất, không phải làm thương mại, song theo công văn 4202 của Tổng cục Hải quan ban hành ngày 17.7, tất cả phải lấy mẫu kiểm tra khiến doanh nghiệp đến nay chưa lấy hàng ra được. Với những lô hàng phế liệu nhập về trước ngày 17.7, sẽ có hướng giải quyết thế nào? Ngoài ra, đại diện hãng tàu này cũng thắc mắc về lô hàng tạm nhập tái xuất là xe gắn máy cũ qua Campuchia, song 2 năm rồi vẫn chưa được giải quyết.
Trực tiếp trả lời thắc mắc của đại diện hãng tàu, ông Thắng khẳng định, cả nước hiện tồn đọng gần 12.000 container phế liệu, riêng TP.HCM tồn hơn 3.000 container phế liệu chưa được thông quan. Bên cạnh việc doanh nghiệp chấp hành tốt quy định, chúng tôi tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp nhập phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, giải quyết dứt điểm nhanh chóng. Song số hàng tồn này là do giấy phép nhập đã không còn thời hạn, chúng tôi mời doanh nghiệp lên, họ từ chối nhận hàng hoặc không lên hoặc lên nhưng không đủ giấy tờ theo quy định để nhận hàng.
“Từ khi thị trường Trung Quốc từ chối nhập khẩu, lượng phế liệu về Việt Nam và một số quốc gia khu vực ASEAN rất nhiều. Tôi chia sẻ đây với các doanh nghiệp đến từ châu Âu - những quốc gia phát triển, các bạn hình dung thế nào nếu lượng rác phế liệu độc hại lên đến hàng ngàn container lọt vào đất nước chúng tôi? Là cơ quan gác cửa không cho phế liệu độc hại tràn lãnh thổ, chúng tôi phải kiên quyết với những trường hợp vi phạm và không thể du di cho trường hợp nào cố tình làm sai để đưa rác thải ảnh hưởng đến môi trường vào Việt Nam”.
Với vụ lô hàng xe máy cũ, ông Thắng thông tin chính nhà nhập khẩu đã lợi dụng sự thông thoáng trong chính sách hàng tạm nhập tái xuất để vận chuyển hàng hóa trái phép vào Việt Nam. Hiện lô hàng trung chuyển là xe máy cũ này đang được Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan tạm giữ để điều tra, làm rõ.
Ông Đinh Ngọc Thắng yêu cầu 12 chi cục hải quan TP.HCM phải tổng hợp hệ thống lại 80 câu hỏi thắc mắc của doanh nghiệp để coi như “cẩm nang” hướng dẫn doanh nghiệp và áp dụng cho toàn Cục Hải quan TP.HCM sau này Ng.Nga
Không gộp phí làm sạch container vào trị giá tính hải quan
Ngoài ra, nhiều thắc mắc của các tập đoàn đa quốc gia đến từ châu Âu liên quan đến cách tính thuế hàng tặng phi mậu dịch, tính trị giá hải quan bao gồm các loại phụ phí vận tải biển (CIC), phí lệnh giao hàng (D/O), phí xử lý container, nguyên liệu nhập thuê gia công lại có được miễn thuế không, thủ tục nhập khẩu hóa chất, khó khăn khi viết đầy đủ tên sản phẩm nhập trên hóa đơn chỉ quy định… 40 ký tự.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu giải đáp, hàng phi mậu dịch chỉ được miễn thuế nếu lô hàng có trị giá dưới 2 triệu đồng, hoặc hàng hóa trị giá trên 2 triệu đồng, nhưng mức thuế phải nộp dưới 200.000 đồng cũng được miễn thuế. Và mỗi doanh nghiệp hay cá nhân trung bình mỗi năm chỉ được nhập hàng theo kiểu quà tặng này 4 lần. Với hàng thuê gia công lại, theo quy định không thuộc đối tượng miễn thuế.
Liên quan đến thắc mắc của doanh nghiệp theo Công văn 1237 của Tổng cục Hải quan, gộp các khoản phụ phí vận tải biển (CIC), phí lệnh giao hàng (D/O) và phí làm sạch container vào trong trị giá khai báo hải quan để tính thuế hàng nhập, ông Toản nhấn mạnh, trị giá hải quan chỉ tính giá trị thực tế doanh nghiệp phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên. Các phí tùy thuộc vào thỏa thuận của doanh nghiệp với hãng tàu và “vấn đề này hiện vẫn còn “tranh chấp” giữa hải quan và doanh nghiệp do cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên, nếu các khoản phí phát sinh sau khi hàng đến cửa khẩu đầu tiên thì không đưa vào trị giá tính thuế”.
Vướng mắc của doanh nghiệp về ghi tên sản phẩm dài quá 40 ký tự trên hóa đơn, vận đơn được doanh nghiệp thông tin xảy ra tại cảng Cát Lái, tại Hội nghị, ông Trần Việt Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn KV1 đề nghị doanh nghiệp liên lạc trực tiếp lãnh đạo Chi cục để được hướng dẫn giải quyết sớm.
Tổng kết Hội nghị, ông Đinh Ngọc Thắng yêu cầu 12 chi cục hải quan TP.HCM phải tổng hợp hệ thống lại 80 câu hỏi thắc mắc của doanh nghiệp để coi như “cẩm nang” hướng dẫn doanh nghiệp và áp dụng cho toàn Cục Hải quan TP.HCM sau này.
“Quan điểm của chúng tôi là phải giải quyết đến tận cùng mọi thắc mắc, không hẹn, không chậm trễ. Ngoại trừ có khiếu nại kiến nghị gì quan trọng, doanh nghiệp có thể gửi văn bản đến Cục, còn không, thắc mắc vướng mắc gì, doanh nghiệp cứ email trực tiếp cho chúng tôi, trong Hội nghị này có lãnh đạo đứng đầu 12 chi cục hải quan TP.HCM và các phòng ban, chúng tôi cung cấp đầy đủ số điện thoại và email để doanh nghiệp có thể liên lạc trực tiếp, giải quyết vấn đề nhanh nhất có thể”, ông Thắng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.