Chuyện chính trị trong tiền lệ pháp lý

10/10/2014 00:21 GMT+7

Việc Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta ngồi ở ghế bị cáo trước Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) tại The Hague (Hà Lan) đã tạo tiền lệ pháp lý quốc tế mới vì lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại của ICC có một vị nguyên thủ đương nhiệm đứng trước vành móng ngựa của tòa này, thậm chí với sự tự nguyện.

Vụ việc trước tòa án thường phải là chuyện pháp lý nhưng ở vụ ông Kenyatta thì dấu ấn và tính chất chính trị lại thể hiện rất rõ ở cả hai phía. Ông Kenyatta bị cáo buộc tội diệt chủng và tội danh ấy không chỉ là chuyện tày đình đối với ICC mà còn liên quan đến lý do tồn tại của tòa này. Nếu không vào cuộc xét xử thì thiên hạ sẽ đặt câu hỏi thế giới lập ra ICC để làm gì. Nhưng xét xử ở tòa nào thì nguyên tắc vẫn là phải dựa trên chứng cứ trong khi ICC có quyền xét xử và kết án nhưng lại không có khả năng tiến hành điều tra và thu thập chứng cứ, cụ thể là không có ngân sách, nhân sự và cơ chế để thực hiện.

Cho nên ICC sẽ xét xử ông Kenyatta nhưng không kết tội, hoặc sẽ trì hoãn vô thời hạn việc xét xử, thậm chí còn cả khả năng ngừng truy cứu. Trong chuyện này, giữ danh quan trọng đối với ICC hơn là đi tìm sự thật và đảm bảo công lý.

Đối với ông Kenyatta cũng mục đích chính trị là chủ yếu. Ông ta sẽ không tự nguyện đến ICC nếu không chắc là không bị kết án. Ông ta cần được tiếng là hợp tác chứ không bất hợp tác với ICC, như thế tránh bị truy nã quốc tế và không làm khó những đồng minh ở phương Tây như Mỹ và Anh cũng như Liên minh Châu Phi (AU).

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.