Chuyển đổi số để nâng tầm thương hiệu tờ báo

23/12/2021 13:43 GMT+7

Thống nhất chuyển đổi số là việc không thể không làm, các cơ quan báo chí đề nghị có các chính sách hỗ trợ về công nghệ, giải pháp, nguồn lực để đẩy nhanh quá trình, phát triển bền vững.

Sáng 23.12, Sở TT-TT TP.HCM phối hợp với Hội Nhà báo TP.HCM và Hội Tin học TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm “Báo chí chuyển đổi số để phát triển bền vững” nhằm thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm của các cơ quan báo chí về chuyển đổi số.

Ông Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM cho biết trong thời gian qua, một số cơ quan báo chí đã tận dụng chuyển đổi số và xây dựng được tòa soạn hội tụ đa phương tiện, với môi trường làm việc ngày càng hiện đại. Các nỗ lực chuyển đổi số góp phần giúp các cơ quan báo chí ở TPHCM dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhưng vẫn duy trì hoạt động, đảm bảo việc đưa thông tin đến với độc giả nhanh và trung thực, khách quan, không bị gián đoạn.

Chuyển đổi số là không thể chần chừ

Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM cũng thẳng thắn nhìn nhận tiến trình chuyển đổi số của các cơ quan báo chí thành phố hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, mà trước hết là về nhận thức và năng lực thực hiện. "Một bộ phận không nhỏ những người làm báo vẫn chưa ý thức về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, ngại thay đổi, muốn làm báo theo kinh nghiệm và phương cách truyền thống nên rất lúng túng và hạn chế khi áp dụng các phương cách làm báo hiện đại”, ông Dũng chia sẻ.

Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM Trần Trọng Dũng phát biểu đề dẫn tọa đàm

ngọc dương

Ông Dũng nhìn nhận chuyển đổi số để phát triển bền vững là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nỗ lực của nhiều phía, không thể nóng vội nhưng cũng không thể chần chừ, ngần ngại, thiếu quyết tâm.

Dẫn chứng từ thời gian giãn cách xã hội vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhấn mạnh dù giãn cách sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng đó là cơ hội để những ai nắm bắt được công nghệ có thể đột phá; đồng thời bày tỏ tin tưởng nhiều cơ quan báo chí cảm nhận lợi ích của công nghệ và nhu cầu cấp thiết phải chuyển đổi số.

“Chuyển đổi số không đơn giản là ứng dụng công nghệ thông tin mà còn thay đổi quy trình làm việc, thay đổi tư duy và cần có quyết tâm thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất”, ông Đức bày tỏ.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức bày tỏ mong muốn các cơ quan báo chí chủ động chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả

ngọc dương

Lãnh đạo TP.HCM cho biết trong thời đại thông tin, một bài báo đăng sớm muộn một chút thay đổi số lượng bạn đọc, thay đổi một vài từ ảnh hưởng thông điệp truyền đi. Việc chuyển đổi số không chỉ giúp tăng tốc độ xuất bản mà còn đánh giá thông tin, giúp ban biên tập kiểm soát thông tin đối với nội dung sản xuất.

Ông Đức mong muốn các cơ quan báo chí, phóng viên thẳng thắn trao đổi kinh nghiệm, cùng thống nhất nhận thức chuyển đổi số là quá trình không thể đảo ngược và phải tích cực tham gia, tận dụng đầy đủ cơ hội, đừng để thành người đi sau, đi chậm.

Bắt đầu từ con người

Chia sẻ tại tọa đàm, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên cho biết quá trình chuyển từ một tờ báo giấy đơn thuần thành cơ quan báo chí đa phương tiện của Báo Thanh Niên nói riêng và nhiều cơ quan báo chí ở TP.HCM xuất phát từ nhu cầu tự thân. Chuyển đổi số báo chí là một quá trình khó khăn nhưng đang ngày càng mang tính cách mạng hơn, thể hiện ở chỗ tất cả ban biên tập đều nhận thức được nhu cầu tư duy lại: mô hình kinh doanh, chiến lược nội dung và phương thức phát triển công nghệ.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên đề nghị tháo gỡ nút thắt về cơ chế để cơ quan báo chí đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số

ngọc dương

Chia sẻ về con số 4 triệu người đăng ký kênh Youtube Báo Thanh Niên vừa đạt vào đầu tháng 12.2021, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn cho biết kinh nghiệm của Báo Thanh Niên là đi từng bước nhỏ và bắt đầu từ con người, căn cứ trên điều kiện cụ thể của đơn vị. Để đi tới cột mốc đó, tập thể Ban Truyền hình Báo Thanh Niên cũng phải thử nghiệm nhiều sản phẩm, nhiều cách làm khác nhau, nhưng đều ở quy mô tương đối nhỏ. Khi không thấy hiệu quả là phải thay đổi cách làm ngay để giảm “học phí”.

“Chỉ có một nguyên lý mang tính định hướng mà chúng tôi xác định từ đầu và luôn giữ vững đó là truyền hình Báo Thanh Niên phải bám chắc vào các nền tảng số, chứ không thể tham vọng biến mình thành một “đài truyền hình nhỏ” hay một “nhà thầu phụ” cho các đài truyền hình”, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn nhấn mạnh.

Đối với việc chuyển dịch mô hình kinh doanh từ báo in sang online, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn chia sẻ tình hình phức tạp hơn rất nhiều bởi báo in Thanh Niên là một tài sản lớn. Việc tái định vị thương hiệu tờ báo thành một tên tuổi trên thị trường nội dung số, đến nay đã lọt vào top 5 tờ báo điện tử chính thống có lượng người xem đông đảo nhất nhưng Báo Thanh Niên chưa dám tự nhận là thành công.

Buổi tọa đàm nhận được nhiều chia sẻ, hiến kế, đề xuất của lãnh đạo cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí về chuyển đổi số

ngọc dương

Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, các cơ quan báo chí đang đối mặt với 2 lựa chọn mô hình tăng trưởng theo chiều rộng (tăng lượng traffic) hay chiều sâu (bạn đọc trung thành), từng cơ quan chủ động lựa chọn mục tiêu ưu tiên ở từng giai đoạn. Bởi nếu không tập trung vào tăng traffic thì sẽ nhanh chóng mất chỗ đứng trên thị trường, còn nếu bỏ qua việc xây dựng “sân chơi” của riêng mình thì tương lai sẽ bất ổn định và đánh mất tầm nhìn, sứ mệnh.

Qua quan sát, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn nhìn nhận phần lớn cơ quan báo chí Việt Nam nhiều năm qua vẫn đang ở giai đoạn tăng trưởng theo chiều rộng nhưng về lâu dài, xu hướng phát triển theo chiều sâu sẽ là tất yếu, đặc biệt với sự xâm nhập và lan tỏa của mô hình thu phí bạn đọc báo điện tử.

Do chi phí chuyển đổi số không rẻ, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn cho rằng bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì cần tháo gỡ nút thắt về cơ chế để báo chí tự thân vận động đi lên mới là “kế sâu rễ bền gốc”. Đồng thời, cần có sự bắt tay, hợp tác, liên kết kinh doanh giữa cơ quan báo chí với các doanh nghiệp CNTT để tạo tiền để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh và bền vững.

Liên minh bảo vệ bản quyền

Về vấn đề bản quyền, Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM Mai Ngọc Phước bày tỏ bức xúc trước tình trạng ăn cắp bản quyền của các trang web, mạng xã hội… mà không trích nguồn, dẫn link khiến tờ báo mất độc giả, giảm sức hút.

Điều đáng lo ngại, việc vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí diễn ra ngày càng tinh vi, bên vi phạm dùng nhiều thủ đoạn hoặc sử dụng cả công nghệ để ứng phó, dẫn đến việc báo chí khó phát hiện ra. Chẳng hạn có những trang web, tài khoản mạng xã hội sao chép lại sản phẩm báo chí bằng các hình thức tổng hợp, cắt dán, hoặc copy nguyên tin, bài của báo chí về nhưng đổi sang font chữ lạ để đối phó với những bộ máy tìm kiếm, rà quét nhằm phát hiện vi phạm bản quyền trên mạng.

Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM Mai Ngọc Phước đề nghị cần có trung tâm bảo vệ bản quyền báo chí trên địa bàn thành phố

ngọc dương

“Bảo vệ bản quyền không chỉ của một báo mà cần có liên minh bảo vệ bản quyền giữa các cơ quan báo chí với nhau”, ông Phước nói; đồng thời đề xuất lập trung tâm bảo vệ bản quyền các cơ quan báo chí ở TP.HCM.

Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí nêu ra những thách thức mà đơn vị đối mặt trong quá trình chuyển đổi số như công nghệ, tài chính, nhân lực. Do nguồn thu từ quảng cáo của các cơ quan báo chí đều giảm, kể cả các cơ quan tự chủ tài chính và cơ quan báo chí chưa tự chủ nên rất cần hỗ trợ về tài chính của thành phố và cơ quan ban ngành, có thể thông qua quỹ đầu tư phát triển công nghệ với lãi suất ưu đãi để vay đầu tư chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.

“Nếu thành phố cấp ngân sách thì quá tốt, nếu không thì cho vay với lãi suất 0%, các cơ quan trả lại vốn trong 10 - 20 năm, thành phố cho cần câu rồi chúng tôi tự kiếm cá”, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động chia sẻ, đồng thời đề xuất có tổ chuyên trách chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí, xác định lộ trình cụ thể.

Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân kiến nghị Bộ TT-TT có biện pháp yêu cầu Facebook, Google chia sẻ lợi nhuận từ việc sử dụng thông tin báo chí

ngọc dương

Bên cạnh đó, ông Tuân cũng kiến nghị Bộ TT-TT hỗ trợ nền tảng công nghệ cơ bản phục vụ chuyển đổi số, có biện pháp yêu cầu các mạng xã hội như Facebook, Google chia sẻ lợi nhuận; chỉ đạo cơ quan chuyên trách xử phạt hành vi ăn cắp bản quyền.

Thành lập câu lạc bộ phóng viên CNTT và chuyển đổi số

Ngay sau buổi tọa đàm, Hội Nhà báo TP.HCM đã chính thức công bố quyết định thành lập Câu lạc bộ Phóng viên Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số, chỉ định Ban chủ nhiệm lâm thời do nhà báo Bùi Bửu Hà –Phó trưởng Văn phòng đại diện Báo Đầu tư tại TP.HCM làm chủ nhiệm.

Hội Nhà báo TP.HCM ra mắt Câu lạc bộ Phóng viên Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số

ngọc dương

Đây là câu lạc bộ phóng viên chuyên ngành thứ 7 trực thuộc Hội Nhà báo TP.HCM. CLB gồm 30 thành viên là các phóng viên chuyên viết về lĩnh vực CNTT, chuyển đổi số thuộc các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn TP.HCM, hướng đến mục tiêu tạo không gian sinh hoạt chuyên môn nghiệp vụ.

Cũng trong dịp này, Hội Nhà báo TP.HCM và Sở TT-TT TP.HCM phát động và công bố Điều lệ Giải Báo chí viết về Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số TP.HCM, lần thứ I - năm 2022, dự kiến tổng kết và trao giải vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống ngành TT-TT 28.8.2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.