Chuyên gia chia sẻ về những 'rối rắm' của việc tính ngày âm lịch

29/01/2024 14:17 GMT+7

Theo chuyên gia, thời gian của 1 tháng âm lịch không cố định mà biến đổi liên tục do tháng âm lịch phụ thuộc vào hoạt động của đồng thời 3 thiên thể, chứ không chỉ phụ thuộc vào chu kỳ mặt trăng như người dân vẫn lầm tưởng.

Chủ đề "ngày 30 tết" đang được bàn tán rôm rả trên một số phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội trong thời gian qua, khi mà dường như tết Giáp Thìn năm nay là một năm hiếm có, bởi có "ngày 30 tết". Đằng sau câu chuyện này là những rối rắm trong việc tính ngày âm lịch.

Thông thường, lịch âm có tháng đủ (ngày cuối cùng của tháng là ngày 30) và tháng thiếu (ngày cuối cùng của tháng là ngày 29). Với lịch dương, tháng nào có bao nhiêu ngày là những thông số cố định, ví dụ tháng 11 luôn là 30 ngày, tháng 12 luôn là 31 ngày. Nhưng số ngày của mỗi tháng lịch âm lại không theo quy luật đó, chẳng hạn tháng chạp (tháng 12 âm lịch) năm nay có thể là tháng đủ (30 ngày), nhưng năm sau có thể là tháng thiếu (29 ngày).

Chuyên gia chia sẻ về những 'rối rắm' của việc tính ngày âm lịch- Ảnh 1.

Theo Lịch Vạn niên thế kỷ XX - XXI của tác giả Trần Tiến Bình, lịch âm trong năm 2024 có ngày 30 tháng chạp Quý Mão, tức ngày 30 tết Giáp Thìn

CHỤP TÀI LIỆU

Đã vậy, không phải các tháng âm lịch cứ luân phiên đủ, thiếu theo năm mà có thể đủ hoặc thiếu trong nhiều năm liên tục. Điển hình là trường hợp của tháng chạp năm Quý Mão.

Theo Lịch Vạn niên thế kỷ XX - XXI, lịch âm trong năm 2024 có ngày 30 tháng chạp Quý Mão, tức ngày 30 tết Giáp Thìn. Tuy nhiên, sau đó cho đến năm 2032, năm nào tháng chạp cũng là tháng thiếu; phải chờ tới năm 2033 mới lại có ngày 30 tháng chạp.

Tính sai vài giây là đã thành sang ngày khác

Lý giải về hiện tượng này, ông Trần Tiến Bình, nguyên cán bộ Phòng Nghiên cứu lịch (Trung tâm Thông tin - tư liệu, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), tác giả cuốn Lịch Việt Nam thế kỷ XX - XI, cho biết thời gian của 1 tháng âm lịch không cố định mà biến đổi liên tục do tháng âm lịch phụ thuộc vào hoạt động của đồng thời 3 thiên thể (chứ không chỉ của một mình mặt trăng) gồm trái đất, mặt trăng, mặt trời.

Chuyên gia chia sẻ về những 'rối rắm' của việc tính ngày âm lịch- Ảnh 2.

Ông Trần Tiến Bình, tác giả cuốn Lịch Việt Nam thế kỷ XX - XI

FBNV

Ngày mùng 1 âm lịch là ngày mà trái đất - mặt trăng - mặt trời theo thứ tự như trên nằm thẳng hàng. Mặt trăng quay nửa tối về phía trái đất (cho nên các cụ ta thường nói "tối như đêm 30"). Ngày này còn gọi là ngày không trăng (hay ngày sóc). Khi tính thấy điểm sóc rơi vào bất cứ thời điểm nào trong ngày từ 0 - 24 giờ thì ngày đó là mùng 1 âm. Tháng âm lịch là độ dài (khoảng cách) giữa 2 ngày sóc, được làm tròn thành 29 ngày (tháng thiếu) hoặc 30 ngày (tháng đủ). Độ dài tháng âm lịch thay đổi trong khoảng từ 29,27 - 29,84 ngày; trung bình là 29,53 ngày.

Việc tính toán chuyển động của các thiên thể rất phức tạp, nhất là đối với mặt trăng do bị ảnh hưởng nhiễu loạn sức hút từ mặt trời, trái đất, các hành tinh khác và hình dạng không đều của khối cầu trái đất cũng như mặt trăng. Vì thế, đôi khi chỉ là do tính sai (độ sai chỉ ở mức vài chục giây) đã dẫn đến các tháng thiếu, đủ khác nhau.

Chẳng hạn, theo ấn phẩm công bố năm 2002 của Đài Thiên văn Tử Kim Sơn (Trung Quốc), các ngày 28.9.2057, 4.9.2089 và 7.8.2097 là bị tính nhầm sang ngày hôm sau nên đã làm thay đổi độ dài của các tháng tương ứng (điểm sóc ngày 28.9.2057 rơi vào 23 giờ 59; điểm sóc ngày 4.9.2089 rơi vào 23 giờ 57; điểm sóc ngày 7.8.2097 rơi vào 23 giờ 59).

"Cho nên, việc thống kê các tháng chạp đủ, thiếu ở các năm là không mang nhiều ý nghĩa mà tất cả phụ thuộc vào sự tính toán chính xác ở từng thời điểm cụ thể", ông Bình nói.

Ông Bình cũng cho biết: "Các năm 2014, 2015, 2017, 2018, 2019, 2020, 2021 có các tháng chạp đủ (30 ngày); nhưng đến năm 2022 có tháng chạp thiếu (29 ngày); năm 2023 và 2024 lại đủ. Rồi tiếp tục là các tháng chạp thiếu cho đến năm 2033 mới lại thấy tháng chạp đủ".

Vì sao có lúc ngày mùng 1 tết ở Việt Nam khác với Trung Quốc?

Theo ông Bình, cách tính lịch âm tại Việt Nam cũng giống như Trung Quốc, đều áp dụng chung cùng một quy tắc như nhau, đó là: ngày đầu tháng là ngày sóc; năm bình thường có 12 tháng, năm nhuận có 13 tháng; ngày đông chí luôn rơi vào tháng 11; trong năm nhuận, tháng không có trung khí là tháng nhuận, tháng này đánh số cùng với tháng trước nó (thêm chữ nhuận). Nếu trong năm nhuận có 2 tháng không có trung khí thì tháng đầu tiên sau đông chí được coi là tháng nhuận; việc tính toán dựa trên kinh tuyến pháp định (ở Việt Nam là 105° kinh đông và Trung Quốc là 120° kinh đông, tương ứng với múi giờ thứ 7 và thứ 8).

Như vậy, lịch Việt Nam sở dĩ có lúc khác lịch Trung Quốc là do điểm cuối cùng nêu ở trên. Điều này dựa trên Quyết định số 121-CP ngày 8.8.1967 do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quy định múi giờ chính thức của nước ta là múi giờ thứ 7 và âm lịch sử dụng ở Việt Nam được tính theo múi giờ chính thức này.

Ví dụ, năm 1968, Việt Nam bắt đầu dùng lịch tính theo múi giờ thứ 7. Do vậy, Việt Nam ăn tết trước Trung Quốc 1 ngày. Nguyên nhân là vì ngày 31.12.1967 tương ứng với ngày 1 tháng chạp cả ở lịch Việt Nam và lịch Trung Quốc nhưng điểm sóc kế tiếp xảy ra lúc 23 giờ 29 giờ Việt Nam ngày 29.1.1968 nên tháng chạp ở lịch Việt Nam chỉ có 29 ngày (tháng thiếu). Lúc này, theo giờ Bắc Kinh (Trung Quốc) đã là 0 giờ 29 ngày 30.1 (tháng đủ). Do vậy, mùng 1 tết Nguyên đán Mậu Thân 1968 tại Việt Nam sớm hơn Trung Quốc 1 ngày.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.