Chuyện tử tế: Nông dân rủ nhau làm việc thiện

15/04/2024 07:52 GMT+7

Có thu nhập chính từ lao động ở ruộng vườn, nhưng nhiều nông dân ở P.Tân Hưng (Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) vẫn dành thời gian đi cất nhà, đóng hòm từ thiện.



Những ngày đầu tháng 4, buổi trưa nắng nóng hầm hập, hàng chục nông dân vẫn miệt mài làm việc trong trại hòm từ thiện thuộc khu vực Tân Quới, P.Tân Hưng. Tập trung cao độ vào từng công đoạn nên ai nấy quên đi chiếc áo đẫm mồ hôi và mặt dính đầy bụi gỗ. Từ sáng sớm, họ làm một mạch đến hơn 13 giờ, ngoài giờ ăn trưa, họ không nghỉ tay vì còn tranh thủ để chiều về lo việc đồng áng.

Thành viên trong tổ từ thiện hầu hết là nông dân, tuổi đời từ 45 - 60

Thành viên trong tổ từ thiện hầu hết là nông dân, tuổi đời từ 45 - 60

THANH DUY

Ông Nguyễn Văn Ren (59 tuổi), Tổ trưởng tổ thiện nguyện, cho biết có ngày trại đóng giúp những gia đình khó khăn vài ba cái hòm, không chỉ người dân địa phương mà còn ở Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang. Tham gia đóng hòm có 5 - 10 người, riêng việc chặt và khiêng gỗ về trại có tới 50 - 60 người. Lực lượng nòng cốt là nông dân, từ 45 - 60 tuổi.

Theo ông Ren, chủ nhân trại hòm từ thiện là ông Bảy Khanh, người đã dành phần đất gia đình làm chỗ chôn cất những người tha phương cầu thực. Khi ông Bảy Khanh qua đời, con cái nối tiếp việc tốt của cha, nhưng hoạt động khó khăn vì các chú bác phụ giúp ngày nào đã lớn tuổi rồi nghỉ dần. Vậy nên, những nông dân thế hệ sau như ông Ren kế thừa và rồi lại quy tụ số người tham gia nhiều hơn trước gấp mấy lần.

Chuyện tử tế: Nông dân rủ nhau làm việc thiện- Ảnh 2.

Tổ từ thiện không chỉ giúp đỡ người dân địa phương mà còn ở Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang

THANH DUY

Tổ từ thiện có hẳn xe tải để chở hòm đến tận nơi. Chất liệu hòm phổ biến là gỗ sao, xà cừ, còng. Trước khi đến với việc đóng hòm, chẳng có ai là thợ mộc. Mọi người cứ học hỏi từ từ rồi sẽ quen. "Đôi tay cày cuốc nên chuyển qua khắc, bào gỗ tỉ mỉ là không dễ. Chỗ chuyên nghiệp làm được 10 phần, mình làm được 8 phần là thấy vui rồi. Đầu năm tới nay, chúng tôi đã cho 21 quan tài. Mọi người quan niệm của cho không bằng cách cho, có khi cả những ngày tết Nguyên đán, khi có người cần, mình cũng gác lại việc vui để mang đến cho họ", ông Ren chia sẻ.

Điều đáng quý ở những nông dân này là khi xong việc chăm sóc ruộng vườn, họ lại "chạy show" làm từ thiện. Hết phụ xây chùa, đổ bê tông xây cầu, làm đường thì đi tìm thuốc nam cho các phòng khám bệnh miễn phí. Năm 2023, tại khu vực Tân Lợi 2, tổ từ thiện của ông Ren còn phối hợp chính quyền P.Tân Hưng thành lập tổ xây dựng nhà cho bà con khó khăn. Mỗi căn diện tích 32 m², làm bằng cột bạch đàn, mái lợp tôn, chi phí khoảng 15 triệu đồng. Năm qua, tổ đã cất được 51 căn nhà cho bà con nghèo.

Ông Trương Tuấn Kiệt (57 tuổi, thành viên tổ thiện nguyện) cho biết tổ có thể duy trì hoạt động nhờ sự ủng hộ, đóng góp vật chất của bà con gần xa. Tuy nhiên, cũng có lúc vật liệu không đủ, mỗi người xuất tiền túi gom góp để hoàn thiện công trình. Dẫu vậy, ai nấy đều sẵn lòng đóng góp vì thích làm từ thiện và cảm thấy khi giúp đỡ được mọi người thì cuộc đời trở nên ý nghĩa, đáng sống hơn.

Ông Huỳnh Thanh Văn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam P.Tân Hưng, cho biết tổ thiện nguyện của ông Nguyễn Văn Ren đã duy trì nhiều năm và hoạt động dựa vào nguồn cây gỗ của người dân địa phương cho. Ngoài cất nhà, tặng hòm, tổ còn hỗ trợ vật liệu mai táng đối với những gia đình không có điều kiện. Chính quyền địa phương rất ủng hộ, khuyến khích tổ thiện nguyện tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hướng tới phúc lợi xã hội, giúp đỡ cộng đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.