Cơ chế nào để giải bài toán điện?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
17/06/2023 05:27 GMT+7

Để có giấy phép đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành, một dự án điện mất ít nhất 3 - 4 năm, thậm chí lâu hơn. Câu chuyện thiếu điện vẫn còn kéo dài nếu không có cơ chế đột phá...

Chậm vì thiếu vốn, thủ tục, đất đai…

Tại một diễn đàn cấp cao về chuyển đổi số, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Năng lượng và môi trường, cho rằng thiếu điện ở miền Bắc thực tế đã được cảnh báo từ mấy năm trước. Và một dự án đầu tư điện từ khi phê duyệt đến lập dự án, xin phép, giải phóng mặt bằng… nếu suôn sẻ cũng mất 3 - 4 năm mới đưa vào vận hành. Đó là chưa kể nhiều dự án chậm kéo dài năm này sang năm khác vì tắc ở khâu chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, thiếu vốn, đàm phán hợp đồng BOT chậm… Ông Tuấn nhấn mạnh: "Đảm bảo an ninh năng lượng phải được chuẩn bị từ rất sớm".

Cơ chế nào để giải bài toán điện ? - Ảnh 1.

Giải bài toán thiếu điện cần cải cách thông thoáng hơn

TN

Trong báo cáo gửi Chính phủ về Quy hoạch Điện 8, Bộ Công thương cũng nêu rõ hầu hết dự án nguồn điện lớn chậm triển khai, vận hành tập trung khu vực phía bắc như: Na Dương 1, Hải Phòng 3, Cẩm Phả 3... do gặp khó khăn trong thủ tục lập dự án, chọn nhà đầu tư, thu xếp vốn hay giải phóng mặt bằng, gây thiếu nguồn chạy nền cho hệ thống và nguy cơ thiếu điện đến 2025. Bên cạnh đó, trong Quy hoạch Điện 7, nhiều dự án nguồn và lưới điện ngoài Tập đoàn điện lực VN (EVN), như của Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), Tập đoàn công nghiệp than và khoáng sản VN (TKV) đã không thực hiện được. Ngoài ra, chuỗi dự án khí - điện Lô B Ô Môn, Cá Voi Xanh, khí điện LNG Sơn Mỹ... chậm tiến độ đã ảnh hưởng lớn đến nguồn điện cho khu vực phía bắc. Ngay nhiệt điện Thái Bình 2 vừa được vận hành thương mại sau hơn 10 năm chậm tiến độ, trong giai đoạn đầu cũng chạy chỉ được 75% công suất.

Tại Quyết định 500 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Điện 8 mới đây đã nêu rõ thời hạn triển khai 5 dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn. Cụ thể, nhiệt điện Công Thanh, công suất 600 MW; Nam Định, công suất 1.200 MW; Quảng Trị, công suất 1.320 MW; Vĩnh Tân 3, công suất 1.980 MW và Sông Hậu 2, công suất 2.120 MW. Cả 5 dự án này đều được quy hoạch trong giai đoạn 2021 - 2030. Quy hoạch nêu rõ Bộ Công thương làm việc với các nhà đầu tư các dự án nêu trên, cho phép kéo dài đến tháng 6.2024 mà không triển khai được thì phải xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật. Trong các dự án nhiệt điện bị chậm và trắc trở kéo dài này, riêng với nhiệt điện Công Thanh, (giai đoạn 1 là 600 MW), hiện cơ bản thực hiện xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và san gạt mặt bằng nhà máy… 

Từ cuối năm 2019, hợp đồng tổng thầu EPC (bao gồm thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ, vật tư và thi công công trình…) giữa Công ty CP nhiệt điện Công Thanh với liên danh 2 đối tác Trung Quốc được ký kết. Tuy nhiên, do chính phủ Trung Quốc có chủ trương ngừng cấp vốn đầu tư nước ngoài đối với các dự án nhiệt điện than nên nhiệt điện Công Thanh đang nghiên cứu phương án chuyển đổi nhiên liệu và công nghệ từ than sang sử dụng LNG nhập khẩu, đồng thời tìm đối tác thu xếp vốn để thực hiện dự án. Ngoài ra, một số dự án điện chậm do liên quan vốn vay từ Trung Quốc như nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang, thủy điện Hồi Xuân…

Cơ chế nào để giải bài toán điện ? - Ảnh 2.

Đột phá cơ chế và "rắn" với nhà đầu tư làm chậm

Đó là đề xuất của GS-TSKH Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực VN, liên quan đến các dự án điện đã được quy hoạch, được bổ sung vào quy hoạch nhưng chậm hoặc chưa triển khai. Ông nói: "Những dự án điện đã được đưa vào quy hoạch, theo kế hoạch đến thời điểm đó, nguồn sẽ được tăng thêm bao nhiêu MW để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, nhưng nhà đầu tư vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, đã kéo dài dự án, chậm triển khai, khiến nguồn cung bị bấp bênh. Theo tôi, cần nâng cao tính pháp lý ràng buộc trách nhiệm nhà đầu tư hơn. Chẳng hạn, dự án triển khai chậm so với kế hoạch, phạt chậm thành tiền bao nhiêu, dựa trên sản lượng điện huy động hoặc phát lên lưới thực tế thời gian đầu… Có như vậy, mới bảo đảm tính tuân thủ nghiêm túc của nhà đầu tư đối với dự án. Quy hoạch điện là vấn đề của một quốc gia, an ninh năng lượng, đã đến lúc không thể xuê xoa cho qua những lỗi chậm tiến độ, khiến quy hoạch bị phá vỡ, hậu quả là nền kinh tế và người dân phải chịu".

Ngay chính sách khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo, nhà nước cần có bước đột phá về chính sách hơn, phải có quy định trước khi doanh nghiệp xin giấy phép đầu tư và triển khai xây dựng các nguồn điện, phải biết rõ khách hàng tiêu thụ sản phẩm của mình là ai, và phải ký được hợp đồng mua bán điện trước khi xây dựng các nguồn điện. Làm như vậy, khi họ làm chậm, chúng ta mới có cơ sở phạt họ.


GS-TSKH Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực VN

Hiện cơ quan quản lý theo dõi đầu tư điện lực là Cục Điều tiết điện lực trực thuộc Bộ Công thương. Theo các chuyên gia, đơn vị này phải theo dõi sát sao các dự án đã được đưa vào quy hoạch. Phải có cảnh báo cần thiết, nhắc nhở nhà đầu tư thực hiện đúng tiến bộ. "Cơ quan điều tiết điện lực cũng nên phác thảo và soạn thảo các quy định xử lý các dự án chậm tiến độ vì lý do chủ quan của nhà đầu tư", GS Trần Đình Long bổ sung. Liên quan đến mời gọi thu hút đầu tư vào ngành điện, ông nói chính nhờ việc mở cửa đầu tư phát triển ngành điện, những năm vừa qua, VN cũng đã có những chiến lược rất lớn về thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài, tham gia vào phát triển ngành điện, cụ thể là phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió. Đặc biệt, ông Long nhấn mạnh miền Bắc cần sớm phát triển thí điểm thủy điện tích năng trước biến đổi khí hậu, khi nước về các hồ thủy điện cạn kiệt đồng loạt.

GS Long cho rằng để thu hút được nhà đầu tư, phụ thuộc phần lớn vào chính sách giá điện của nhà nước. Nếu nhà nước mua điện với mức giá bảo đảm cho nhà đầu tư có lợi nhuận hợp lý, thu hồi vốn đúng tiến độ… thì không quá khó để gọi vốn. Ông nói: "Ngay chính sách khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo, nhà nước cần có bước đột phá về chính sách hơn, phải có quy định trước khi doanh nghiệp xin giấy phép đầu tư và triển khai xây dựng các nguồn điện, phải biết rõ khách hàng tiêu thụ sản phẩm của mình là ai, và phải ký được hợp đồng mua bán điện trước khi xây dựng các nguồn điện. Làm như vậy, khi họ làm chậm, chúng ta mới có cơ sở phạt họ".

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình bình luận việc hơn 5 năm qua, miền Bắc không có thêm các nguồn điện lớn có tính ổn định, chạy nền khiến tình trạng cấp điện tại khu vực này ngày càng theo kiểu "ăn đong" rất khó chịu. Trong khi đó, miền Bắc là khu vực có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện năng cao nhất cả nước. Bình quân tăng 9,3% một năm trong 2016 - 2020, tương ứng gần 6.000 MW, nhưng tăng trưởng nguồn điện tại khu vực chỉ đạt 4.600 MW trong giai đoạn này, tương đương khoảng 4,7% một năm. 

Ông cho rằng nguồn điện phục vụ nhu cầu đã thiếu, nguồn chủ động dôi dư lại không có. Quy hoạch Điện 8 đã được Thủ tướng phê duyệt sau 4 năm xây dựng và gần 2 năm trình, sửa đổi nhiều lần. Đây là cơ sở để các dự án nguồn, lưới điện triển khai. Văn phòng Chính phủ cũng có công văn chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ để triển khai đồng bộ hiệu quả Quy hoạch Điện 8. Các cơ quan quản lý và địa phương cần đẩy nhanh các dự án nguồn điện và lưới để tránh nguy cơ tới mùa khô hệ thống điện lại rơi vào cảnh "ăn đong" phụ thuộc thời tiết như hiện nay. 

Ngoài ra, liên quan cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu mà Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo cơ chế, chuyên gia Đào Nhật Đình bổ sung: "Cơ chế cần tập trung khuyến khích các hộ, doanh nghiệp dùng điện tự đầu tư, tránh phát triển ồ ạt…". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.