Cô gái đấu tranh cho nạn nhân bị xâm hại tình dục

02/04/2023 16:00 GMT+7

Bước ra khỏi bóng đen xâm hại tình dục, Amanda Nguyen đã trở thành một trong những biểu tượng của cuộc đấu tranh dân quyền trên toàn cầu.

Cô gái đấu tranh cho nạn nhân bị xâm hại tình dục - Ảnh 1.

Amanda Nguyen trong buổi trình diễn thời trang tại New York năm 2021

THE NEW YORK TIMES

Năm 2013, khi Amanda Nguyen (gốc Việt) đang là sinh viên năm cuối tại Đại học Harvard (Mỹ), cô đã bị cưỡng hiếp trong ký túc xá. Người phụ nữ gốc Việt vẫn nhớ rõ cô đã cảm thấy bất công như thế nào sau khi phát hiện ra rằng bộ dụng cụ chuyên dùng để thu thập bằng chứng tấn công tình dục (rape kit) có thể bị tiêu hủy chỉ sau 6 tháng.

Cảm giác đó cùng với sang chấn tâm lý trong thời gian tố tụng đã thôi thúc cô thành lập Rise, tổ chức phi lợi nhuận về dân quyền đến nay đã vận động giúp thông qua hơn 65 luật tại Mỹ. Trong đó, "Luật về Quyền của những người sống sót sau khi bị xâm hại tình dục" (một luật cấp liên bang) yêu cầu "rape kit" phải được bảo quản trong tối đa 20 năm, cũng như đảm bảo việc kiểm tra y tế cùng các quyền khác cho nạn nhân.

CEO của Rise cũng tạo ra một sự kiện trình diễn thời trang thường niên có sự góp mặt của các nạn nhân và người ủng hộ họ. Đó là nỗ lực tấn công thẳng vào câu hỏi mà những phụ nữ bị xâm hại tình dục thường xuyên phải đối mặt: "Bạn mặc gì khi chuyện đó xảy ra?".

Và vào năm 2022, sau 6 năm vận động hành lang của Amanda Nguyen và Rise, LHQ đã thông qua nghị quyết đầu tiên trên toàn thế giới công nhận nhu cầu của những người sống sót sau khi bị xâm hại tình dục là quyền con người trong thời bình.

"Mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, dù hùng mạnh đến đâu, đều có một phiếu bầu, và đó là đấu trường mà chúng tôi đã chiến đấu… Có một số nước đã cố gắng cản trở nỗ lực này, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì", cô gái sinh năm 1991 nói với tạp chí Elle của Mỹ trong cuộc phỏng vấn được đăng tải hôm 28.3.

"Ai cũng có thể thay đổi thế giới"

Amanda Nguyen chia sẻ rằng động lực để cô đấu tranh không phải là nỗi giận dữ mà là niềm hy vọng. Một trong những thông điệp mà cô muốn lan tỏa là bất cứ ai cũng đều có thể thay đổi thế giới, cho dù họ đang thực sự cảm thấy lạc lõng.

"Bạn hoàn toàn có thể tạo nên sự khác biệt trên thế giới. Bất kể bạn là ai, bạn ở đâu, bạn có nguồn lực gì, bạn đều có thể bắt đầu từ con số 0 trong ngân hàng. Và bạn hoàn toàn có thể viết ra những luật này. Bạn có thể tự viết chúng mà không cần phải là một luật sư", Elle dẫn lời cô.

Cô gái đấu tranh cho nạn nhân bị xâm hại tình dục - Ảnh 2.

Amanda Nguyen phát biểu tại quốc hội Mỹ

ELLE

Cô cũng tiết lộ rằng cô đã tạm gác lại giấc mơ trở thành phi hành gia để xây dựng và phát triển Rise. Song hiện tại cô vẫn đang theo đuổi nghiên cứu liên quan khoa học vũ trụ. Nghiên cứu của cô tập trung vào việc xử lý vấn đề chu kỳ kinh nguyệt trong thiết kế trang phục chuyên dụng cho phi hành gia.

"Hơn 90% những người đã bay vào vũ trụ là đàn ông. Một vài năm trước, kinh nguyệt là lý do được sử dụng để không cho phụ nữ trở thành phi hành gia", cô cho biết. Dù vậy, cô nói nghiên cứu này không chỉ là câu chuyện liên quan đến phụ nữ, mà còn là vấn đề làm sao để cầm máu và làm lành vết thương trong không gian.

Những thành tựu khác

Amanda Nguyen từng được đề cử cho giải Nobel Hòa bình năm 2019, theo thông tin trên website của cô. Cô cũng từng được vinh danh trong các danh sách bao gồm "30 Under 30" (30 nhân vật xuất chúng dưới 30 tuổi) của tạp chí Forbes tại Mỹ năm 2017, "100 Phụ nữ" của BBC năm 2021, "Phụ nữ của năm" của tạp chí TIME năm 2022.

Bộ phim đầu tay của cô trong vai trò đạo diễn Everything I Ever Wanted To Tell My Daughter About Men (Tất cả những điều tôi từng muốn nói với con gái tôi về đàn ông) đã đoạt giải phim hay nhất tại Liên hoan phim Độc lập Cannes năm 2022. Cô cũng từng làm việc tại Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Mỹ và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.