Cô gái nằm xe lăn dẫn đường người đàn ông mù bán vé số: Tằn tiện gửi ít tiền về quê

Phan Diệp
Phan Diệp
19/09/2023 19:48 GMT+7

Hơn nửa năm nay, Nhàn làm đôi mắt cho anh Khánh, còn anh làm đôi chân cho cô, cùng nhau đi hàng trăm vòng chợ bán vé số. Câu chuyện của 2 người khuyết tật, từ Bắc vào Nam nương tựa nhau để mưu sinh khiến nhiều người xúc động.

Nguoi dan  - Ảnh 1.

Đầu năm nay, Trần Thị Nhàn (32 tuổi, quê Hải Dương) và anh Hoàng Văn Khánh (44 tuổi, quê Lạng Sơn) cùng một người chị khuyết tật khác rủ nhau vào TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương thuê trọ, nương tựa nhau mưu sinh nơi đất khách. Người chị cùng phòng khuyết tật nhẹ hơn, đi bán vé số ở một chợ khác.

Phan Diệp

Nguoi dan  - Ảnh 2.

Mỗi ngày, 2 anh em lấy khoảng 350 tờ vé số, đi quanh chợ Thủ Dầu Một bán từ 5-16 giờ. Tiền lời thu được, anh em Nhàn chia đôi. Sau khi góp tiền trọ, tiền ăn, hai người để dành được chút ít, thỉnh thoảng gửi về cho gia đình ở quê.

Phan Diệp

Một ngày nương tựa nhau bán vé số của Nhàn và anh Khánh.


Nguoi dan  - Ảnh 3.

Từ nhỏ đến lớn, Nhàn chỉ quanh quẩn trong nhà, mọi sinh hoạt đều một tay mẹ lo. 6 năm trước, Nhàn sắm chiếc xe lăn điện, rồi đi bán tăm bông nhưng công việc không thuận lợi. "Nghe nói miền Nam có nhiều người khuyết tật sống được nhờ bán vé số nên 3 anh em chúng tôi quyết định cùng nhau đi", Nhàn nói.

Phan Diệp

Nguoi dan  - Ảnh 4.

Toàn bộ cơ thể của Nhàn chỉ có 2 ngón tay là có lực đủ để điều khiển xe lăn điện. Anh Khánh tay trái bám chắc vào xe đi theo, tay phải cầm dù che cho Nhàn đỡ nắng.

Phan Diệp

Nguoi dan  - Ảnh 5.

"Nhiều người thấy tôi đẩy xe đi nhanh, họ nghĩ tôi giả vờ mù, nhưng không phải. Nhàn điều khiển xe di chuyển, tôi chỉ biết bám vào đi theo. May mắn là từ hồi đi bán đến giờ không gặp khó khăn gì. Chỉ có tháng đầu vì đi bộ nhiều nên chân sưng, tróc da giờ vẫn còn sẹo", anh Khánh nói.

Phan Diệp

Nguoi dan  - Ảnh 6.

Nhàn là đôi mắt của anh Khánh. Còn anh là đôi chân của cô trong công việc mưu sinh hằng ngày.

Phan Diệp

Nguoi dan  - Ảnh 7.

Ở mảnh đất Thủ Dầu Một, nhờ sự hỗ trợ của anh Khánh và chị cùng phòng cô gái vốn chỉ biết nằm một chỗ đã kiếm được tiền. "Ra đời, tuy vất vả nhưng cuộc sống của tôi phong phú, vui vẻ và thấy mình còn chút giá trị", cô gái tâm sự.

Phan Diệp

Nguoi dan  - Ảnh 8.

Phút nghỉ chân, anh Khánh giúp Nhàn uống nước. Đi bán cả ngày nhưng cô gái tập thói quen không đi vệ sinh. Nhàn cũng biết mình có bệnh sỏi thận, nhưng trong lúc này, sức khỏe của cô không đủ tốt để phẫu thuật. Khi nào bệnh tái phát thì uống thuốc giảm đau.

Phan Diệp

Nguoi dan  - Ảnh 9.

Chạm tay vào bảng vé số đầy ắp hồi sáng biết không còn tờ nào, anh Khánh vui mừng vì hôm nay được về sớm.

Phan Diệp

Nguoi dan  - Ảnh 10.

Cô gái chia sẻ, đi bán nhưng xung quanh cô có những con người nhiệt tình, tốt bụng. Họ thường hay giúp đỡ, mua ủng hộ vé số của cô. Nhàn cảm thấy quyết định vào đây lập nghiệp của mình là đúng đắn.

Phan Diệp

Nguoi dan  - Ảnh 11.

Đi bán vé số, Nhàn sợ nhất là những lúc trời mưa. Một cơn mưa bất chợt một ngày cuối tháng 8 không dấu hiệu báo trước khiến 2 anh em không kịp tìm chỗ trú, đành bung dù che tạm.

Phan Diệp

Nguoi dan  - Ảnh 12.

Buổi trưa, 2 anh em thường nghỉ ngơi dưới tán cây trong con hẻm nhỏ sát chợ. Bữa ăn của họ thường là những phần cơm, bún chay từ thiện. Có khi là những trái bắp, cái bánh cuối cùng "giá rẻ như cho".

Phan Diệp

Nguoi dan  - Ảnh 13.

Tầm 16 giờ, dù hết hay còn vé số, 2 anh em bắt đầu về nhà. Hôm nào còn dư vé nhiều đành chấp nhận "ôm hàng" chịu lỗ. Quãng đường từ chợ Thủ Dầu Một về nhà trọ dài gần 3 km, anh Khánh dường như bước vội vàng hơn vì sợ trời mưa.

Phan Diệp

Nguoi dan  - Ảnh 14.

Sau hơn 40 phút đi bộ, 2 anh em trở về hẻm trọ quen thuộc trên đường 30 tháng 4, P.Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một.

Phan Diệp

Cô gái nằm trên xe lăn dẫn đường người đàn ông mù đi bán vé số - Ảnh 16.

Anh Khánh bế Nhàn nằm xuống sàn nhà. Trong lúc chờ người chị cùng phòng về nấu cơm, phụ tắm rửa, cô gái lướt mạng hoặc gọi về nhà. "Hiện tại tuy cuộc sống, việc buôn bán còn khó khăn nhưng mình cảm thấy tinh thần vui vẻ, thoải mái, được lao động làm người có ích. Ước mơ của mình là tự kiếm được một số vốn nhỏ rồi về quê mở một tiệm tạp hóa nhỏ để được sống gần mẹ", Nhàn nói.

Phan Diệp



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.