Cơ khí nội có chớp được 'cơ hội vàng' hơn 100 tỉ USD đầu tư đường sắt?

Mai Hà
Mai Hà
19/12/2023 20:36 GMT+7

Theo quy hoạch, kinh phí đầu tư cho ngành đường sắt Việt Nam thời gian tới hơn 111 tỉ USD. Các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước liệu có nắm bắt được cơ hội này?

Chia sẻ tại Hội thảo "Ngành công nghiệp cơ khí với việc phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam" sáng 19.12, TS Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công thương), cho biết nhu cầu đầu tư cho ngành đường sắt tới đây rất lớn.

Bộ GTVT vừa trình Thường trực Chính phủ đề án chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam ẢNH: NGỌC THẮNG

Nhu cầu vốn đầu tư cho ngành đường sắt tới đây rất lớn

NGỌC THẮNG

Cụ thể, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng mức đầu tư khoảng gần 62 tỉ USD. Tương tự các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội tổng mức đầu tư trong tương lai khoảng 37 tỉ USD; mạng đường sắt đô thị tại TP.HCM sẽ khoảng 12,6 tỉ USD. Đây cũng là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước nếu biết nắm bắt.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí nhìn nhận, nếu có các cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển hợp lý đối với ngành công nghiệp đường sắt, tỷ lệ nội địa hóa có thể đạt khoảng 80%. Đáng nói, thị trường này đang bị bỏ ngỏ cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Các doanh nghiệp cơ khí trong nước thường không được tham gia hoặc tham gia rất hạn chế. Đồng thời, ngành cơ khí chế tạo thiết bị trong lĩnh vực đường sắt gần như chưa có và không thể phát triển được.

Điểm sáng là một số doanh nghiệp cơ khí trong nước đã có mặt trong nhiều dự án lớn, làm tổng thầu EPC các dự án nhiệt điện than, nhiệt điện, điện khí, thủy điện. Trong đó, đã tự chủ trong việc thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công cho hơn 29 công trình thủy điện vừa và lớn trong nước, trong đó có công trình thủy điện Sơn La (2.400 MW) và Lai Châu (1.200 MW). 

Để các doanh nghiệp cơ khí trong nước có thể tham gia sâu vào ngành đường sắt, theo TS Phan Đăng Phong, cần xây dựng một cơ chế, chính sách để cụ thể hóa vấn đề này như đầu tư tăng cường các cơ sở vật chất hiện có để đủ khả năng thực hiện đóng mới, sửa chữa các thiết bị ngành đường sắt; xây dựng các cơ chế ưu đãi khác để khuyến khích nội địa hóa các thiết bị…

Cùng quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), TS Nguyễn Chỉ Sáng cho rằng, Việt Nam cần làm chủ việc xây dựng, phát triển hệ thống đường sắt. "Việc làm chủ ở đây không nên cứng nhắc là phải làm chủ 100% mà có tỷ lệ nội địa hóa và việc nhận chuyển giao công nghệ thích hợp", ông Sáng nói.

Cơ khí nội có chớp được 'cơ hội vàng' hơn 100 tỉ USD đầu tư đường sắt? - Ảnh 2.

Hội thảo ngành công nghiệp cơ khí với phát triển hệ thống đường sắt

M.H

Cụ thể hơn, lãnh đạo VAMI kiến nghị những việc cần làm ngay như xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho ngành đường sắt. Xây dựng lộ trình tổng thể, thống nhất để nội địa hóa hệ thống đường sắt: đường sắt cao tốc, đường sắt quốc gia và đường sắt nội đô. Ban hành các giải pháp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chương trình phát triển hệ thống đường sắt...

Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam Đỗ Hữu Hào đề xuất, Nhà nước phải tạo ra thị trường và bảo vệ thị trường nội địa cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước thông qua các luật và văn bản dưới luật.

Tổng giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn kiêm Phó chủ tịch VAMI, đề nghị Nhà nước cần có cơ chế riêng, rõ ràng đối với các sản phẩm cơ khí sản xuất được trong nước. Theo đó, cần ban hành quy định tất cả các hàng hóa, thiết bị vật tư trong nước đã sản xuất được thì không cho phép nhập khẩu. Công tác này phải được bổ sung, quản lý, giám sát chặt chẽ ngay từ giai đoạn lập, quy hoạch và phê duyệt dự án đầu tư cũng như bổ sung trong luật Đầu tư, luật Đấu thầu…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.