Có một "vùng sâu" không dễ dò đến

13/02/2012 09:19 GMT+7

Sau tiểu thuyết nổi tiếng Dòng sông phẳng lặng (ba tập) được tái bản nhiều lần và dựng thành phim, rồi các tiểu thuyết Ngoại ô (1982) và Phía ấy là chân trời (1988), đến nay, sau hơn 20 năm, nhà văn Tô Nhuận Vỹ mới lại trình làng cuốn tiểu thuyết mới.

Sau tiểu thuyết nổi tiếng Dòng sông phẳng lặng (ba tập) được tái bản nhiều lần và dựng thành phim, rồi các tiểu thuyết Ngoại ô (1982) và Phía ấy là chân trời (1988), đến nay, sau hơn 20 năm, nhà văn Tô Nhuận Vỹ mới lại trình làng cuốn tiểu thuyết mới.

 
Sách do NXB Hội Nhà Văn ấn hành - Ảnh: N.K.P

Tô Nhuận Vỹ từng "tự bạch" là vì "công việc hành chính, sự vụ và không ít thử thách khắc nghiệt của cuộc đời đã bẻ vụn thời gian và bẻ vụn không ít năng lực" của mình, nên nhiều năm anh không công bố được tác phẩm mới. Tuy vậy, tiểu thuyết Vùng sâu chậm ra đời có lẽ còn vì tác giả phải "cân nhắc" để làm sao tác phẩm mới của mình "đứng" được trước những đổi mới, những thành tựu của tiểu thuyết VN thời gian qua; và hình như cũng do sự thận trọng trước một đề tài "phức tạp".

Vùng sâu gồm 28 chương, trên 300 trang; đọc đoạn mở đầu tả cảnh Phước - một sinh viên hoạt động trong phong trào chống Mỹ ở đô thị - đối đầu với địch trong nhà tù của đối phương, dễ lầm tưởng tác giả viết về cuộc chiến đấu ở những "vùng sâu" thời kháng chiến. Thật ra, Vùng sâu chủ yếu viết về một vấn đề hậu chiến đã khiến nhiều "tổ chức" phải "đau đầu" và nhiều con người từng sống như những anh hùng phải đau đớn trong nhiều năm vì bị chính đồng đội, chính những cơ quan quyền lực nghi ngờ phản bội cách mạng, hoặc được đối phương phóng thích sau một thời gian họ hoạt động trong lòng địch. Phước - một thủ lĩnh phong trào đô thị là một trường hợp như thế; anh đã bị "treo giò" nhiều năm sau ngày giải phóng vì một lý lẽ thật đơn giản mà cũng có phần đúng: âm mưu hậu chiến của địch là ghê gớm lắm, phải rất thận trọng!

Vấn đề của Vùng sâu được tác giả thể hiện qua một cốt truyện khá hấp dẫn, với không gian - thời gian rất rộng - từ Huế ra Hà Nội... đến tận nước Mỹ - với những mối tình éo le giữa Phước và Trinh (cô gái Hà Nội), rồi Hoài và Thảo (một cán bộ an ninh quê làng hoa Hà Nội với cô gái "cơ sở" từng bị mất cái "ngàn vàng" để "Hắn" - một cán bộ có uy quyền ban ơn phục hồi Đảng tịch sau khi Thảo ra tù...).

Có phải để cân bằng với cuộc đời trần ai của Phước và Thảo cùng với sự đểu cáng của "Hắn", Tô Nhuận Vỹ đã dựng hai nhân vật quá đẹp, quá hoàn hảo là Hoài và Trinh, trái ngược với "nguyên tắc" xây dựng nhân vật tiểu thuyết mà có lần anh đã nêu ra. Nhưng thôi, thì cuộc đời cũng phải gửi gắm niềm tin vào sự tốt đẹp và lương thiện, cho dù những con người như Hoài, như Trinh không có thật cũng như vẻ đẹp làng hoa quê Hoài bên sông Hồng không chừng rồi sẽ biến mất!

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.