Có những người trẻ mắc bệnh như Trấn Thành đang gặp phải

12/08/2023 16:15 GMT+7

Trấn Thành chia sẻ trong một chương trình về lý do anh hạn chế xuất hiện trên truyền hình. Theo đó, Trấn Thành cho biết đang mắc một bệnh ở chân.

Nhiều người trẻ gặp phải

Cụ thể, khi giải đáp thắc mắc lý do ít xuất hiện trong các chương trình truyền hình suốt thời gian qua, Trấn Thành xác nhận hiện đang bị giãn tĩnh mạch ở chân.

Theo Trấn Thành, một trong những nguyên nhân khiến anh bị giãn tĩnh mạch ở chân là vì phải đứng quá nhiều suốt thời gian dài.

Ngay sau xem những chia sẻ của Trấn Thành, nhiều người bình luận động viên Trấn Thành sớm chữa khỏi bệnh, luôn có sức khỏe tốt để cống hiến cho nghệ thuật. Bên cạnh đó, không ít ý kiến thắc mắc về bệnh giãn tĩnh mạch ở chân.

Đáng chú ý, có những người trẻ cũng cho biết bản thân họ đang mắc bệnh tương tự. Trần Thanh Vương (28 tuổi), nhân viên quay phim tại một công ty truyền thông và giải trí ở Q.3, TP.HCM, cho biết: "Vì đặc thù công việc, mình hay đứng tại chỗ trong thời gian lâu. Để rồi có cảm giác khó chịu, đau nhức liên hồi ở chân. Khi đi khám mới biết là bị giãn tĩnh mạch ở chân. Hiện tại mình uống thuốc để điều trị theo chỉ định của bác sĩ".

Có những người trẻ mắc bệnh như Trấn Thành đang gặp phải - Ảnh 1.

Những người trẻ vì đặc thù công việc hay ngồi một chỗ dễ bị giãn tĩnh mạch ở chân

PHONG LINH

Tương tự, Đặng Thị Thu Dung, nhân viên kế toán, làm việc ở địa chỉ 207 Bùi Viện, Q.1, TP.HCM, kể: "Mình hay đứng liên tục suốt thời gian dài (khoảng 8 - 10 tiếng đồng hồ) tại quầy thu ngân. Rất hiếm khi di chuyển trong ca làm việc. Sau một thời gian, chân mình bị tê, khó chịu. Sau này đi kiểm tra sức khỏe mới biết đã mắc bệnh giãn tĩnh mạch ở chân".

Nhiều người trẻ khác cũng cho biết phát hiện tĩnh mạch hình rắn màu xanh hoặc màu tím ở trên da vùng chân nên lo lắng và được chẩn đoán bị giãn tĩnh mạch ở chân. Họ cho rằng nguyên nhân bị bệnh có lẽ vì ít vận động, đứng nhiều, hay đi giày cao gót...

"Khi thấy da đùi nổi gân xanh. Chân thì thường có cảm giác như kiến đang bò lên và hay bị chuột rút. Mình đi khám để chữa trị thì mới biết là chân bị giãn tĩnh mạch. Có thể do mình thường xuyên mang giày cao gót", Lê Thị Thanh Thủy (29 tuổi), làm việc ở một công ty lĩnh vực truyền thông trên đường Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM kể lại.

Có những người trẻ mắc bệnh như Trấn Thành đang gặp phải - Ảnh 1.

Dấu hiệu cho thấy bị giãn tĩnh mạch ở chân là các tĩnh mạch trương phồng, nổi lên và giãn to với hình dạng ngoằn ngoèo

BÁC SĨ CUNG CẤP

Phòng và chữa bệnh giãn tĩnh mạch ở chân như thế nào?

Bác sĩ Đỗ Hữu Duy, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, cho biết giãn tĩnh mạch ở chân là bệnh lý suy giảm chức năng đưa máu về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân. Hệ quả là dẫn đến hiện tượng máu bị ứ đọng lại. 

"Bị giãn tĩnh mạch ở chân nhiều hơn những bộ phận khác. Nguyên nhân là vì hệ thống tĩnh mạch ở chân dài và phức tạp hơn cũng như chịu ảnh hưởng của trọng lực khi người bị bệnh đứng nhiều", bác sĩ Duy phân tích.

Theo bác sĩ Duy, có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh giãn tĩnh mạch ở chân. Như do tư thế sinh hoạt, làm việc phải đứng hay ngồi lâu, ít vận động, thường xuyên mang vác nặng. Từ đó khiến máu dồn xuống hai chân. Dần dà sẽ gây tổn thương các van tĩnh mạch và thành tĩnh mạch. Những người béo phì, có chế độ ăn ít chất xơ, phụ nữ mang thai và sau khi sinh, hay quá trình thoái hóa do tuổi tác... cũng là nguyên nhân dẫn đến bị giãn tĩnh mạch ở chân.

Bệnh lý phổ biến này còn bắt đầu từ những nguyên nhân như: thói quen hay ngồi chéo chân, thường xuyên đi giày cao gót, mặc quần áo bó sát cơ thể...

Có những người trẻ mắc bệnh như Trấn Thành đang gặp phải - Ảnh 2.

Đi giày cao gót thường xuyên cũng là nguyên nhân bị giãn tĩnh mạch ở chân

PHONG LINH

Bác sĩ Duy cho biết dấu hiệu để nhận ra việc bị giãn tĩnh mạch ở chân là: "Chân hay nhức đau, thường bị chuột rút. Có cảm giác kiến bò ở chân. Sau đó, khi bệnh nặng hơn thì chân bị phù, nhiều mảng da thay đổi màu sắc. Đặc biệt, các tĩnh mạch trương phồng, nổi lên và giãn to với hình dạng ngoằn ngoèo".

"Bệnh này không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên khiến người bị bệnh cảm thấy khó chịu, đau nhức chân và tê buốt liên tục. Nếu mặc quần ngắn, thì khu vực tĩnh mạch nổi lên sẽ gây mất thẩm mỹ. Lo ngại hơn cả là bệnh này sẽ có thể tạo nên các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Điều đó dễ gây tắc mạch máu, dẫn tới nhiều hệ lụy cho sức khỏe", bác sĩ Duy nói.

Chính vì thế, bác sĩ Duy khuyên để phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch ở chân, người trẻ không được lười vận động. Trong quá trình làm việc, cần tranh thủ vài phút để nghỉ ngơi, đi lại, cử động các khớp cổ chân...

Có những người trẻ mắc bệnh như Trấn Thành đang gặp phải - Ảnh 4.

Luyện tập thể thao thường xuyên cũng là cách để phòng bệnh giãn tĩnh mạch ở chân

PHONG LINH

Bên cạnh đó, người trẻ nên tập thể dục thường xuyên bằng cách chạy bộ, đạp xe... nhằm để tăng tuần hoàn máu trong cơ thể nói chung và ở chân nói riêng.

Ngoài ra, hạn chế mặc quần áo, giày dép chật. Cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ và hợp lý. 

"Nên khám sức khỏe định kỳ. Khi phát hiện có những dấu hiệu của bệnh giãn tĩnh mạch ở chân cần phải đến các cơ sở y tế để khám và điều trị", bác sĩ Duy nói. 


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.