Cơm tấm ‘giờ này còn gần nhau’

30/10/2022 15:00 GMT+7

Tôi lớn lên trên một cù lao ngay cửa biển thành phố Rạch Giá. Chỗ tôi ở không có hàng dừa, không có mái tranh nhà vườn, không có con đò. Cho nên, khi rời xa bản quán, tôi chỉ có thể mang theo điệu ru xa xưa của người bà quá cố và những ký ức long nhong đi ăn cơm tấm ngoài đường.

Má tôi, nói nào ngay, bả giỏi việc nhà, một mình bả gồng gánh ông bà nội tôi cho tới ngày ông bà mãn phần, nhưng về khoản bếp núc thì thôi rồi. Chuỗi ngày tôi trốn cơm nhà đi lê la hàng quán bắt đầu từ khi tôi phát hiện con đường vài trăm thước trước cổng nhà mình có đến bốn quán cơm tấm.

Từ cù lao quê tôi nhìn ra biển

LÊ HỒNG XƯƠNG

Lúc đó, tôi lên sáu và tôi có niềm tin sâu sắc rằng không một thể loại cơm nào ngon bằng cơm tấm miền Tây. Cái miền Tây trong trí óc non nớt của tôi chính là không gian cù lao bé nhỏ còn vang vọng lời ru trong tích tuồng San Hậu, kể về những đấng công hầu trung nghĩa.

Công thức chung cho mọi dĩa cơm tấm bán 3.000 đồng thời điểm đó là hạt tấm (gạo vỡ trong quá trình xay xát), thịt nướng (sườn cọng hay cốt lết), chả trứng hấp, bì, trứng ốp la, dưa chua, dưa mắm. Chỗ nào “chơi sang” sẽ bán thêm hột vịt kho, xíu mại. Sau này, tôi biết thêm cách dân An Giang xắt đều miếng thịt và trứng vịt kho, gọi là cơm tấm Long Xuyên.

Mặc dù món cơm tấm trông có vẻ đầy ắp, ú nụ, tả pín lù, ai cũng dễ dàng thêm ra bớt vô nguyên liệu nhưng dĩa cơm tấm chính hiệu lại hơn nhau bởi hương vị nước mắm thần thánh, thậm chí ở cách ai chiều lòng khách hàng khi thêm tóp mỡ thiệt giòn, thiệt thơm.

Nước mắm phải chua chua ngọt ngọt, pha chế đặc kẹo, bỏ thêm tí ớt bằm. Mỗi quán bán cơm thường giữ một bí quyết riêng. Về sau, tôi còn thấy người ta làm nước mắm loãng đi như nước chấm bánh xèo, bánh khọt, bún thịt xào. Ấy vậy mà không ai tranh giành nguyên bản với ai, nước mắm cơm tấm cũng không vì thế mà nhạt nhoà hương vị.

Cái khoảnh khắc gây xao xuyến tâm hồn giới sành ăn là khi họ múc từng muỗng nước mắm sóng sánh chan vô dĩa cơm nghi ngút khói. Nước mắm trở thành chất kết dính và xúc tác kỳ diệu, hoà quyện rồi thổi bùng hương vị tổng hoà của thịt, trứng, chả, bì, đồ chua và cả hạt cơm. “Triết học” thống nhất trong đa dạng nằm ngay chỗ đó. Đỉnh cao của trật tự ẩm thực là không thèm chấp nhặt chuyện sắp xếp!

Ngày đầu tiên long nhong trốn má đi ăn cơm tấm, tôi ghé quán của bà già cuối đường. Bà ngang tuổi bà nội tôi, nghe má tôi gọi bà là “bà bác”, không rõ bà thứ mấy hay tên gì. Không gian quán của “bà bác” là cái vỉa hè trước nhà. Năm bảy người quây quần quanh cái tủ kiếng đặt trên chiếc bàn lớn. “Bà bác” không làm thịt sườn cọng hay cốt lết, mà làm thịt khoanh nửa nạc nửa mỡ. Đối với tôi, sự kỳ bí ở quán này là đem về ăn thì dở, nhất là không ăn bằng cái dĩa có hình hai con cá chép màu xanh tại quán. Hoặc có lẽ, do tuổi nhỏ chúng tôi thường hay huyễn tưởng và ám muội như vậy.

Rồi một ngày nọ, khi tôi bắt gặp những ông bà Tây lạ lẫm du lịch bụi qua cù lao, tôi lờ mờ cảm nhận miền quê tôi đang đổi khác. “Bà bác” cơm tấm thì lá rụng về cội. Vài năm sau, ngôi nhà “kiểu hội đồng” đối diện nhà tôi cũng bị bán đi. Hai chị em ngang tuổi “bá bác” từng nương tựa dưới di sản của cha ông gần mấy chục năm đã rủ nhau tạ thế. Ngày thợ thầy đến động thổ phá dở theo ý người thừa kế thì bức tường rêu phong trước nhà đổ sập xuống mương.

Tôi biết mình mới vừa mất chỗ ăn cơm tấm, rồi lại mất thêm chỗ hàng xóm vô tư vui vẻ lại qua. Tôi thẫn thờ suốt ngày. Một sự thẫn thờ rất đỗi trẻ con khi tôi chưa trưởng thành để thấm thía mức độ tàn phá của thời gian và khoảnh khắc “buồn trong kỷ niệm” (Trúc Phương).

Nhưng chính vì là một đứa trẻ, tôi cũng chóng quên. Tôi lội bộ xa nhà thêm hai trăm thước, ghé quán cơm tấm chú Thiện đầu đường. Quán chú Thiện ban đầu tên Titi. Bây giờ ít ai ở Rạch Giá biết tên gọi thuở ban sơ của nó. Sau hơn chục năm cắt củm, người đàn ông trạc tuổi ba tôi xây lại quán, nhưng không thèm trương bảng đề tên.

Trong quán, nhân viên làm bếp và chạy bàn đều là mấy cô dì sồn sồn, chú Thiện ngày nào cũng áo sơ mi đóng thùng, sổ ghi món kẹp nách, cọc tiền thoăn thoắt trên tay. Vào buổi sáng, quán chú đông khách nhất cù lao. Vào buổi tối, tới phiên mấy “quán cơm tấm ma” trong khu chợ bên đường Trần Phú nối tiếp sự tấp nập.

Chú Thiện chơi guitar

lê hồng xương

Cơm tấm chú Thiện dùng hột vịt muối làm chả, cho nên khi ăn có vị mặn mòi đặc trưng. Ngoài ra, các nguyên liệu khác đều ổn ở mức 8 trên 10.

Tôi hay nói đùa với mấy thằng bạn rằng quán chú Thiện đông khách tại vì ổng “sống kỹ”! Lúc mới hay tin dịch Covid-19 nhen nhóm ở TP.HCM, ổng đã đóng cửa quán một tháng. Mãi sau này nhà nước mở cửa dần, cho bán mang về, ổng nghỉ thêm một tháng nữa. Chiều chiều, ổng đeo khẩu trang khoan thai đi bộ thể dục thể thao, “còn thở còn gỡ”.

Ăn quán chú Thiện tầm chục năm, tôi đâm ra ghiền cơm tấm. Mỗi lần theo má tôi với mấy dì đi xe thuê bao lên Sài Gòn, biết thế nào cũng kẹt phà bắc Vàm Cống và Mỹ Thuận, má tôi thủ sẵn ba bốn hộp cơm cho tôi, sáng ăn tại nhà, trưa trên xe ăn tại phà. Đó là khoảng thời gian thanh bình, hạnh phúc nhất.

Vài năm sau, tôi tốt nghiệp đại học. Cuộc đời tôi rơi vào cảnh khá thê lương nhưng Uber thì đang hồi cực thịnh. Tôi bỏ nhà lên Sài Gòn ở trọ ké thằng Khoa và góp mặt vào thế hệ xe ôm công nghệ đời đầu. Hôm đó, trời mưa tầm tã, tôi tấp xe đại vào quán cơm tấm bên hông chợ Tân Định. Bà cô bán cơm chỗ này cũng là đồng hương ”ở dưới lên”. Trời lạnh, cơm nóng, người quê và sự chông chênh đã làm tôi trào nước mắt.

Tôi với thằng Khoa chim trời cá nước gặp nhau và cùng khoái ăn cơm tấm. Cái tên của nó dựa trên câu thơ “Khoa bảng thí đường cao vị chiếm” do một ông hay chữ miền Tây tặng ba nó. Nhà nó cách nhà tôi mấy cây. Sau này, cuộc sống ổn hơn, công việc đủng đỉnh, hai thằng rong rủi khắp các nẻo đường QL1, QL80, N2, có dịp ghé ăn cơm tấm chính gốc cầu sắt Tân Hiệp (Kiên Giang) với món thịt nướng lát mỏng một phần mỡ kèm một phần thịt và trải nghiệm cơm tấm khắp Sài Gòn.

Tất nhiên, chúng tôi không thể nhận diện được chỗ nào mới là cơm tấm nguyên gốc. Có chăng, cái chúng tôi kiếm tìm là một chất giọng quê hương.

Một bữa nọ, thằng Khoa rủ tôi về quê ăn cơm tấm “hai ông già”. Tôi nhìn nó nghi hoặc kiểu “đâu ra hai ông già hết xí quách bán cho mày ăn”. Nó tả một hồi tôi mới chửi thề, thì ra là quán Titi của chú Thiện. Chính nó còn không biết tên thật của quán, chỉ biết có hai ông già, một là ông Thiện, một là ông giữ xe.

Ngày đó, chúng tôi ghé ăn tầm giữa trưa, tôi thấy chú Thiện với ba bốn ông bạn già chụm lại, chơi đờn thùng bản “giờ này còn gần nhau, gần thắm thiết trong môi sầu…” (Cho lần cuối – Lê Uyên Phương).

Hai thằng bỗng dưng lặng lẽ. Quả thật, thiệt là trời thương, run rủi cho hai thân phận xa quê “giờ này còn gần nhau”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.