"Con dao hai lưỡi" của việc làm mới ca khúc

13/05/2006 00:02 GMT+7

Remix ca khúc, hay nói cách khác là làm mới bài hát đang ngày càng phổ biến rộng rãi trong giới ca sĩ. Song, có một điều đáng nói là không phải bất kỳ ca sĩ nào cũng thành công khi làm mới ca khúc.

Cho đến nay, có nên làm mới nhạc Trịnh vẫn là đề tài tranh luận khá sôi nổi trên các trang web âm nhạc, trong những buổi học thanh nhạc, quán cà phê... Lớp trẻ thì ủng hộ làm mới "một chút" để tạo cảm xúc lạ hơn, bay bổng hơn. Phần lớn khán giả trung niên lại phản đối. Họ cho rằng bất kỳ giá nào cũng nên giữ nguyên bản gốc của nhạc Trịnh. Giới ca sĩ lại ủng hộ cách phối mới nhạc Trịnh nhưng phải trong một chừng mực nào đó. Làm mới còn phải tùy vào ca sĩ, ca khúc và cả hoàn cảnh thể hiện.

Trong nước hiện nay, nhạc Trịnh không chỉ gắn liền cùng tên tuổi của ca sĩ Cẩm Vân, Hồng Nhung, Quang Dũng mà đã có rất nhiều ca sĩ khác chọn thể hiện. Những ca sĩ ngôi sao như Thanh Lam, Phương Thanh, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Linh không chỉ thực hiện một mà đến hai, ba album. Mục đích của ca sĩ hàng "sao" khi chọn nhạc Trịnh và làm mới nhạc Trịnh là muốn khẳng định thêm "đẳng cấp". Khi Thanh Lam phát hành album nhạc Trịnh đầu tiên, cả nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lẫn không ít khán giả ủng hộ chị bởi cách hát khá nhẹ nhàng, truyền cảm dễ lay động lòng người. Bẵng đi một thời gian, Thanh Lam xuất hiện trở lại cũng với 2 album nhạc Trịnh (Này em có nhớ, Ru mãi ngàn năm) với cách thể hiện quá khác khiến nhiều người thảng thốt. Đây cũng là nguồn gốc của hai luồng dư luận trái ngược: ủng hộ và phản đối Thanh Lam hát nhạc Trịnh. Thanh Lam vẫn trung thành với lối hòa âm bán cổ điển nhưng giọng hát của chị có lẽ đã phá cách quá nhiều từ giai điệu đến tiết tấu nên chưa được nhiều khán giả đồng tình. Ngoài Thanh Lam, một số ca khúc trong album Phương Thanh (Thương một người) và Đàm Vĩnh Hưng (Phôi pha) cũng tạo ra sự tranh luận trái ngược nhau, đặc biệt là các ca khúc Bên đời hiu quạnh, Biển nhớ,... (Đàm Vĩnh Hưng), Cát bụi, Lời buồn thánh... (Phương Thanh).

Trong các ca sĩ trẻ làm mới ca khúc nhạc Trịnh cho đến nay có Mỹ Tâm (Đêm thấy ta là thác đổ, Chuyện đóa quỳnh), Hồng Ngọc (Lời buồn thánh), Ngô Thanh Vân (Quỳnh hương), Khánh Ngọc (Như cánh vạc bay, Đêm thấy ta là thác đổ...), nhóm 5 Dòng Kẻ (Ở trọ, Xin cho tôi)... Nhưng, có lẽ rất ít người thành công. Nguyên nhân không phải vì tuổi đời, tuổi nghề chưa đủ lực thể hiện nhạc Trịnh mà vì họ làm mới ca khúc theo kiểu không phù hợp với giọng hát của mình.

Ngoài nhạc Trịnh, nhiều tình khúc vượt thời gian cũng đang được ca sĩ chọn phối mới. Nhưng thực tế cũng chỉ có rất ít ca sĩ phù hợp.

Trong âm nhạc, khi ca sĩ sáng tạo, phá cách và làm mới một ca khúc nào đó để dễ nghe, dễ cảm là điều rất đáng được khuyến khích. Tuy nhiên, nếu như sự sáng tạo, phá cách ấy đi quá đà sẽ dễ gây tác dụng ngược. Như vậy, làm mới ca khúc cũng có thể là con dao hai lưỡi ảnh hưởng đến sự nghiệp ca hát của ca sĩ.

Dạ Ly

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.