Cùng Cù Mai Công khám phá đủ ngóc ngách 'Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương'

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
18/12/2023 14:07 GMT+7

Phải thương, phải nặng nợ với vùng đất này lắm, Cù Mai Công mới có thể viết tỉ mỉ và dạt dào cảm xúc như thế trong 'Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương'.

Đọc Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương 2 của nhà báo Cù Mai Công, độc giả như được cấp phát một chiếc vé du hành về quá khứ. Những con đường thân quen, những nơi chốn đã nằm lòng nay bỗng nhuộm lên màu sắc hoài niệm, xen chút lạ lẫm. Hoài niệm vì đó là những nơi mà chúng ta vẫn thường tới lui, qua lại từng ngày. Lạ lẫm là vì nó được kể lại từ ký ức của một người khác - một người Bắc xưa, ghét metro và yêu Ông Tạ.

Cùng Cù Mai Công khám phá đủ ngóc ngách 'Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương' - Ảnh 1.

Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương 2 của nhà báo Cù Mai Công do First New và NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành

Nếu đã từng yêu mến nhà báo Cù Mai Công qua những trang viết về Sài Gòn: Sài Gòn by night, Sài Gòn một thuở: "Dân Ông Tạ đó!" và gần nhất là Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương 1…, hẳn độc giả ai cũng vui mừng khi được tiếp tục theo chân anh ghé thăm từng căn nhà, quan sát từng nếp sống của những gia đình xưa trong tập Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương 2.

Cũng như tập 1, Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương 2 vẫn gồm hai cụm bài: Sài Gòn và Gia Định. Với Sài Gòn, tác giả tiếp tục chia sẻ về chợ Bến Thành – một biểu tượng quá quen thuộc tưởng như ai cũng biết nhưng vẫn có những thứ khiến ta bất ngờ. Có lẽ ít ai biết nơi đây từng có những chiếc cầu bộ hành được dựng ngay trước cổng Nam của chợ. Hoặc có lẽ cũng ít ai biết, nơi đây đã từng có những bến xe hoạt động nhộn nhịp suốt ngày đêm.

Cùng Cù Mai Công khám phá đủ ngóc ngách 'Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương' - Ảnh 3.

Với Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương 2, tác giả dắt bạn đọc khám phá từng ngóc ngách khác của phố, từ những đại lộ đầu tiên của Sài Gòn thời Pháp thuộc cho đến những kênh rạch ngoằn ngoèo vào những buổi sơ khai

Cùng Cù Mai Công khám phá đủ ngóc ngách 'Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương' - Ảnh 4.

Các tác phẩm đã xuất bản của nhà báo Cù Mai Công

NVCC

Độc giả bắt gặp trung tâm Sài Gòn không phải là những kiến trúc quen thuộc thời Pháp thuộc, cũng không phải là những công thự vốn nhiều người biết mà là hàng triệu những ngôi nhà, công trình kiến trúc hiện đại của Sài Gòn, miền Nam trước 1975. Đây là một sự sáng tạo mang dấu ấn riêng của người Việt vốn được các kiến trúc sư thế giới khen ngợi nhưng ngày nay đã bị lãng quên. Tác giả đã rất tâm huyết khi cất công đi từng ngôi nhà, từng căn biệt thự tiêu biểu của phong cách này để chọn ra giới thiệu với bạn đọc.

Khi đã đi hết một vòng Sài Gòn với những kỷ niệm thương yêu, nhà báo Cù Mai Công còn đưa độc giả về vùng ngoại ô thành phố, bắt đầu từ khu vực Lăng Cha Cả, bùng binh Chợ Lăng: Trương Minh Ký (nay là Lê Văn Sỹ), Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển), Huỳnh Quang Tiên (nay là Đặng Văn Ngữ), Nguyễn Huỳnh Đức (nay là Huỳnh Văn Bánh)…

Cùng Cù Mai Công khám phá đủ ngóc ngách 'Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương' - Ảnh 5.

Nhà báo Cù Mai Công (giữa) trong buổi ký tặng sách cho người hâm mộ

NVCC

Trong vòng 3 năm, nhà báo Cù Mai Công đã góp vào kho tài sản chữ nghĩa của Sài Gòn 4 tác phẩm. Dường như, những hiểu biết, ký ức và tình cảm của tác giả đối với vùng đất này là vô tận, kể mãi cũng không hết.

Vốn thích lang thang đó đây, cộng thêm công việc làm báo đã giúp cho những trang viết của Cù Mai Công lấp lánh những chất liệu của đời sống. Mặc dù không tự nhận là nhà nghiên cứu nhưng tác giả luôn có những phát hiện mới mẻ và thú vị về Sài Gòn - Gia Định mà không phải người nghiên cứu nào cũng có thể khai thác như nhà báo Cù Mai Công.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.