Cuộc đời ly kỳ của mẹ con người suýt ám sát Fidel Castro: Nửa đời sóng gió

03/11/2015 11:00 GMT+7

Marita Lorenz bị cuốn vào vụ ám sát Kennedy trong khi con gái bà từng có ý định bắn chết một điệp viên cấp cao của CIA khi mới 15 tuổi.

Marita Lorenz bị cuốn vào vụ ám sát Kennedy trong khi con gái bà từng có ý định bắn chết một điệp viên cấp cao của CIA khi mới 15 tuổi.

Bài báo trang nhất của tờ New York Daily News về vụ Frank Sturgis xông vào nhà Marita Lorenz năm 1977, ảnh bên cạnh là Monica Jiménez - Ảnh: The Tico TimesBài báo trang nhất của tờ New York Daily News về vụ Frank Sturgis xông vào nhà Marita Lorenz năm 1977, ảnh bên cạnh là Monica Jiménez - Ảnh: The Tico Times
Sau kế hoạch ám sát bất thành nhằm vào lãnh tụ Cuba Fidel Castro và đoạn tình duyên đau khổ với nhà độc tài Venezuela Marcos Pérez Jiménez, nữ điệp viên Marita Lorenz tiếp tục dính líu tới một trong những bí ẩn lớn nhất lịch sử.
“Tham gia chuẩn bị” ám sát Kennedy
Trong hơn 50 năm qua, một trong những giả thuyết được nhắc đến nhiều nhất về cái chết của Tổng thống Mỹ Jonh F.Kennedy cho rằng thủ phạm chính là CIA và các phần tử Cuba lưu vong. Theo những người ủng hộ thuyết này, CIA và các trùm tài phiệt muốn “khử” Kennedy vì ông chủ trương hạ nhiệt Chiến tranh lạnh, chung sống hòa bình với Liên Xô cũng như bắt đầu ý định rút khỏi VN. Trong khi đó, các nhóm Cuba lưu vong giận dữ vì cho rằng tổng thống “hèn kém” trước chính quyền ông Fidel Castro, đặc biệt trong khủng hoảng tên lửa năm 1962.
Một trong những thành tố quan trọng nhất cấu thành giả thuyết này là lời làm chứng của Marita Lorenz về quãng thời gian ngắn trước khi ông Kennedy bị bắn tại Dallas, bang Texas ngày 22.11.1963.
Tờ New York Daily News dẫn lời Lorenz kể rằng vào gần cuối năm 1963, bà cùng cấp trên Frank Sturgis thường xuyên làm việc với một nhóm khoảng 10 người đàn ông tại Miami, đa số là đồng sự tại CIA và một số người Cuba. Trong số này, bà đặc biệt chú ý đến một gương mặt mới. Đó là một người đàn ông cao gầy, ít nói, luôn tỏ ra rụt rè và được Sturgis gọi bằng cái tên Ozzie.
Lorenz khẳng định Ozzie chính là Lee Harvey Oswald, người duy nhất bị buộc tội trong vụ ám sát Kennedy. “Phần lớn thời gian, họ nghiên cứu bản đồ các tuyến đường và tòa nhà ở Dallas”.
Ngày 18.11.1963, Lorenz cùng Sturgis, Ozzie và Pedro Diaz Lanz, từng là Tư lệnh Không quân cách mạng Cuba nhưng đào tẩu đến Mỹ vào cuối năm 1959, lái xe xuyên đêm từ Miami đến Dallas. “Chúng tôi mang theo súng trường và ống nhòm. Sturgis không cho biết rõ về nhiệm vụ mà chỉ nói một đám đàn ông đi với nhau sẽ gây nghi ngờ nên cần có phụ nữ đi theo”, Lorenz kể.
Đến nơi, theo Lorenz, nhóm điệp viên tiếp tục gặp gỡ với một số người Cuba và Jack Ruby, một nhân vật mà tên tuổi sau này cũng gắn liền với vụ ám sát Kennedy. Tuy nhiên, Lorenz và Ruby tỏ ra khắc khẩu, thường xuyên cãi vã nên bà đòi về Miami vào ngày 20.11.1963. Có lẽ cảm thấy không cần sự hiện diện của Lorenz nữa nên Sturgis đồng ý.
Chỉ hai ngày sau, cả thế giới chấn động khi Tổng thống Kennedy bị bắn chết. Oswald bị bắt và buộc tội là kẻ ra tay ám sát tổng thống. Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau, người này bị Jack Ruby bắn chết ngay trong vòng hộ tống của cảnh sát. Bản thân Ruby chết trong tù vào tháng 3.1967, mang theo mọi bí mật xuống mồ.
Đến năm 1977, Lorenz ra làm chứng trước Ủy ban Điều tra đặc biệt về ám sát của Hạ viện Mỹ. Frank Sturgis lập tức bác bỏ mọi cáo buộc. Ông ta khẳng định chưa hề gặp Lee Harvey Oswald và không có mặt tại Dallas vào ngày Tổng thống Kennedy bị bắn. Khi đó, Sturgis là một cái tên đầy tai tiếng ở Mỹ và đã ngồi tù 13 tháng vì tham gia đột nhập trụ sở tranh cử của đảng Dân chủ ở tòa nhà Watergate vào năm 1972, dẫn đến vụ bê bối chính trị chấn động hạ bệ Tổng thống Richard Nixon. Trả lời phỏng vấn tờ New York Post vào năm 1977, Sturgis còn cáo buộc ngược rằng Lorenz “bị các gián điệp Liên Xô dụ dỗ để vu cáo”.
Thế nhưng, bà Monica Jiménez, con gái của Lorenz với ông Marcos Pérez Jiménez, kể với tờ The Tico Times rằng Sturgis tỏ ra vô cùng lo lắng và thường xuyên gọi điện đe dọa mẹ bà phải thay đổi lời khai trong các buổi làm chứng tiếp theo. Vào ngày 31.10.1977, Sturgis tìm đến nhà của mẹ con Lorenz. Jiménez kể bà nghe tiếng mẹ và Sturgis cãi vã lớn nên vội gọi cảnh sát đồng thời mở tủ lấy súng. “Lúc đó, tôi tin rằng gã đàn ông này sẽ giết mẹ tôi và trong đầu tôi lúc đó chỉ có ý nghĩ là phải bắn chết hắn để bảo vệ mẹ”, The Tico Times dẫn lời Jiménez kể.
Rất may là cảnh sát có mặt kịp thời để ngăn chặn mọi việc. Sturgis bị bắt với cáo buộc đe dọa Lorenz, nhưng sau đó được thả trong khi ủy ban của Hạ viện kết luận lời khai của Lorenz không đáng tin và kết thúc điều tra vào năm 1979.
“Ảnh nóng” trên Playboy
Monica Jiménez trở thành huấn luyện viên thể hình nổi tiếng trong thập niên 1990 - Ảnh: The Tico Times
Monica Jiménez trở thành huấn luyện viên thể hình nổi tiếng trong thập niên 1990 - Ảnh: The Tico Times
Kể từ thập niên 1970, gia cảnh nhà Lorenz xuống dốc và vô cùng khó khăn. Monica Jiménez bỏ học năm 17 tuổi và trải qua nhiều nghề khác nhau trước khi tập trung vào thể dục thể hình. “Khi đó, mẹ con tôi phải sống dựa vào trợ cấp xã hội. Mỗi lần cùng mẹ đi ký nhận trợ cấp, tôi thường phải chịu đựng những câu hỏi mỉa mai kiểu như “Tên đầy đủ của cô là Monica Mercedes Pérez Jiménez à? Cha cô giàu lắm mà!” và tôi sẽ trả lời: “Vâng! Tôi chưa cầm một xu nào của ông ấy” rồi cố nén nước mắt bỏ đi”, bà kể với The Tico Times.
Theo tờ The Tico Times, bà từng làm huấn luyện viên cho nhiều ca sĩ, diễn viên tại Hollywood cũng như tham gia làm diễn viên đóng thế trên truyền hình. Đặc biệt, Jiménez còn chụp ảnh khỏa thân trên tạp chí Playboy vào năm 1991 và đứng hạng 7 trong cuộc thi Hoa hậu Thể hình thế giới vào năm 1994.
Đời tư của Jiménez cũng đầy trắc trở khi bà trải qua 3 cuộc hôn nhân. Đặc biệt người chồng thứ hai là họa sĩ Francisco Letelier, con trai ông Orlando Letelier. Ông này là cựu Ngoại trưởng Chile trong chính quyền xã hội chủ nghĩa của Tổng thống Salvador Allende và bị 2 mật vụ của nhà độc tài Augusto Pinochet ám sát ngay tại Washingon D.C vào năm 1976.
Cuối cùng, Monica Jiménez cũng tìm được bến đỗ của đời mình là ông Augusto Polo và quyết định chuyển đến Costa Rica cách đây 1 năm rưỡi. Cả đời bà chưa hề gặp lại cha và gia đình ông, nhưng có liên lạc với một người chị cùng cha khác mẹ. Người này đồng ý cung cấp mẫu ADN để xác nhận quan hệ thân nhân và kết quả khớp đến 99,7%. Jiménez quyết định xăm con số 99,7% lên vai và dự tính đặt tên cho cuốn hồi ký sắp tới của mình là “Con gái nhà độc tài”.
Trong khi đó, nữ điệp viên Marita Lorenz năm nay 75 tuổi và vẫn đang sống ẩn dật tại Baltimore, thuộc bang Maryland (Mỹ) sau cuộc đời đầy sóng gió.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.