Cuộc gặp đầu tiên giữa ông Võ Nguyên Giáp và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc

Lê Hiệp
Lê Hiệp
31/08/2021 07:00 GMT+7

Cuộc gặp đầu tiên giữa 2 con người vĩ đại của cách mạng Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra vào 6.1940 tại Trung Quốc .

Trong bài viết “Đồng chí Võ Nguyên Giáp trong thời gian hoạt động ở Trung Quốc” gửi tới Hội thảo “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một tài năng quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của cách mạng Việt Nam”, tiến sĩ Lê Đức Hoàng (Học viện Báo chí - Tuyên truyền, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), đã ghi lại chi tiết bối cảnh, thời gian, địa danh cũng như ý nghĩa của “cuộc gặp lịch sử” này.

Cuộc gặp ở Thúy Hồ

Theo đó, vào cuối năm 1939, trước đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, ông Võ Nguyên Giáp và ông Phạm Văn Đồng được giao nhiệm vụ sang Trung Quốc để chắp nối liên lạc với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tập hợp những người hoạt động cách mạng tại phía nam của Trung Quốc, nhằm thống nhất chủ trương, hành động vào mục tiêu giải phóng dân tộc.
Ngày 6.5.1940, ông Võ Nguyên Giáp tới được Côn Minh, Trung Quốc, và tới đầu tháng 6.1940 thì gặp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Thúy Hồ.
Theo TS Lê Đức Hoàng, Thúy Hồ là một danh thắng, được ví như hòn ngọc của TP.Côn Minh, có diện tích 21 ha, nhưng mặt hồ chiếm hết 15 ha, nằm đối diện Trường ĐH Vân Nam.
Trước đây hồ có tên Cửu Long Trì, sau có tên Thái Hải Tử. Thời nhà Minh, quan chức hành chính Vân Nam xây dựng các gian đình, trạm, quán nghỉ chân.
Đầu thời nhà Thanh, Ngô Tam Quế xưng vương ở Vân Nam đã xây dựng vương phủ ở phía tây của hồ. Đời Khang Hy cho xây một lầu giữa hồ với tên gọi là Bích Kỳ Đình, rồi đổi tên Hải Tâm Đình. Sau đó, Tổng đốc Nguyễn Văn Trúc cho đắp một con đê dài gọi là đê Nguyễn; chia Thúy Hồ thành 5 khu: Trung tâm đảo là nơi dừng nghỉ và thưởng ngoạn hồ cá theo lối kiến trúc nhà Thanh, phía đông nam là Nguyệt Thủy Hiên và đảo Cá vàng, phía đông bắc có đảo Trúc và hồ Cửu Long, phía nam là đảo Hồ Lô và cầu Cửu Điển, phía tây là Hải Tâm Đình.

Trợ lý của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc

Theo tiến sĩ Hoàng, cuộc gặp giữa Võ Nguyên Giáp và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Thúy Hồ là “cuộc gặp lịch sử giữa 2 con người vĩ đại, 2 tài năng xuất chúng của cách mạng Việt Nam, nên ngay từ đầu đã có sự đồng cảm, gần gũi, chân tình, gắn bó”.
Ông Hoàng cũng đánh giá, việc tiếp xúc, trở thành trợ lý của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tham gia huấn luyện cán bộ là một trong 4 hoạt động chính của ông Võ Nguyên Giáp trong một năm rưỡi hoạt động ở Trung Quốc.
Từ thời khắc đó, Nguyễn Ái Quốc là người thầy có ảnh hưởng to lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của Võ Nguyên Giáp; còn Võ Nguyên Giáp may mắn được làm việc bên cạnh, có điều kiện học tập, trau dồi, trưởng thành và được Người tin tưởng, trao nhiều trọng trách về quân sự, chính trị, ngoại giao...
Tiến sĩ Hoàng viết, trong cuộc gặp hôm đó, Nguyễn Ái Quốc hỏi Võ Nguyên Giáp về tình hình cách mạng trong nước, Mặt trận Dân chủ; khẳng định việc đồng chí sang đây hoạt động là đáp ứng yêu cầu cách mạng đang cần; nói về cuộc chiến tranh chống Nhật của Trung Quốc, thái độ hai mặt của Tưởng Giới Thạch trong việc hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc chống Nhật; về mưu đồ “Hoa quân nhập Việt” của bọn Tưởng và toan tính của bọn Việt Nam Quốc dân Đảng bám gót quân đội Tưởng để trở về Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, trong ngày 2.9.1945

Ảnh Võ An Ninh

Võ Nguyên Giáp tranh thủ hỏi về vấn đề Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông - nhiệm vụ mà Hoàng Văn Thụ căn dặn trước lúc sang Trung Quốc. Trả lời câu hỏi, Nguyễn Ái Quốc nói: "Vẫn rất cần, nhưng điều kiện tổ chức thì hiện nay chưa chín nên chưa đặt ra", và nói thêm "các đồng chí ra được thế này là tốt. Vài ngày nữa sẽ bố trí công tác cho các đồng chí”.
Thời gian sau đó, để chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho phong trào cách mạng trong nước, Nguyễn Ái Quốc giới thiệu các ông Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng và Cao Hồng Lãnh đi học Trường Quân chính Diên An (tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc), đồng thời nhấn mạnh phải tranh thủ học tập về quân sự.
Tiếp đó, Nguyễn Ái Quốc đánh máy một tờ giấy ký tên Hồ Quang, giới thiệu Võ Nguyên Giáp, lấy bí danh Dương Hoài Nam và Phạm Văn Đồng, lấy bí danh Lâm Bá Kiệt với Biện sự xứ của Bát lộ quân Quế Dương và Ban Giám hiệu ở Diên An. Chuyến đi do phía Trung Quốc tổ chức, nhờ một chiếc xe chở thuốc từ Côn Minh đi Quế Dương. Xe của Trung Hoa Quốc dân Đảng nhưng lái xe lại là một đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đi mất 3 ngày thì đến Quý Dương, nhưng sau đó hủy cuộc đi Diên An vì tình hình cách mạng thay đổi.
Sau thời gian ở Quế Lâm, cuối năm 1940, Võ Nguyên Giáp cùng những người khác trở về Tĩnh Tây (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Ông được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tin tưởng giao nhiệm vụ cùng với Phạm Văn Đồng, Phùng Chí Kiên... khẩn trương lập kế hoạch, biên soạn chương trình, bài giảng, tổ chức lớp huấn luyện cán bộ.
Đầu tháng 1.1941, lớp huấn luyện cán bộ được tổ chức tại đồn Niệm Quang (thôn Linh Quang, hương Cát Bàn, H.Tịnh Tây) gồm 43 người (trong đó có 3 giáo viên) mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gọi đây là “43 con chim đại bàng” chuẩn bị tung cánh bay về Việt Nam làm cách mạng. Các bài giảng cho lớp huấn luyện, sau này được Tổng bộ Việt Minh bổ sung xuất bản thành sách Con đường giải phóng, dùng làm tài liệu huấn luyện cán bộ của Mặt trận Việt Minh, trang bị những kiến thức cơ bản về một số vấn đề cách mạng Việt Nam.
Sau ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước (28.1.1941), Võ Nguyên Giáp cùng một số người khác ở lại Tĩnh Tây, kết hợp nhiều lần qua lại Pác Bó (Cao Bằng, Việt Nam) cho đến cuối tháng 11.1941 thì chuyển hẳn về nước hoạt động theo yêu cầu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Theo tiến sĩ Hoàng, thời gian ở Trung Quốc, dưới sự dìu dắt và chỉ đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp triển khai nhiều hoạt động, đóng góp có ý nghĩa quan trọng cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
“Tất cả những nội dung ấy không chỉ có ý nghĩa tạo thêm hành trang cho bg nghiệp cách mạng của Võ Nguyên Giáp mà còn tạo nên sức mạnh tổng hợp, làm tiền đề quan trọng cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi”.

ĐẦU THÁNG 6.1940

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc gặp các đồng chí Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp ở Vân Nam (Trung Quốc)

Đầu năm 1940, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến Côn Minh (Vân Nam Trung Quốc) để liên lạc với Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Tại đây Người hoạt động dưới các bí danh "Hồ Quang”, "đồng chí Trần", "đồng chí Vương”.

Với bí danh "đồng chí Vương”, đầu tháng 6-1940, Nguyễn Ái Quốc gặp các đồng chí Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp (do Trung ương Đảng phái từ trong nước ra) bên bờ Thuý Hồ người cùng các đồng chí trao đổi về tình hình trong nước, về Mặt trận Dân chủ, về chuyện làm báo.

Trả lời câu hỏi về vấn đề "Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông”, Người nói: "Vẫn rất cần, nhưng điều kiện tổ chức thì hiện nay chưa chín nên chưa đặt ra", và nói thêm "các đồng chí ra được thế này là tốt. Vài ngày nữa sẽ bố trí công tác cho các đồng chí”.

(Trích "Lịch sử Biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam", Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, 2008).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.