Cước taxi sân bay Tân Sơn Nhất lại 'dọa' tăng

18/03/2023 07:02 GMT+7

Công ty CP đầu tư TCP, chủ đầu tư nhà để xe TCP tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vừa thông báo đến 7 doanh nghiệp taxi hoạt động tại sân bay về phương án thu giá dịch vụ từ 5.000 - 15.000 đồng/lượt đối với xe taxi truyền thống, áp dụng từ ngày 1.4.

Đổi phương án thu phí theo lượt

Theo đó, TCP sẽ dừng hợp đồng thuê vị trí đậu xe tại bãi đậu xe ô tô ngoài trời và thực hiện sắp xếp số lượng vị trí đậu xe căn cứ vào danh sách xe đăng ký kinh doanh vận tải tại sân bay Tân Sơn Nhất của các hãng taxi. Các taxi vào nhà để xe TCP qua trạm 1 phải dừng lại lấy thẻ kiểm soát và ra khỏi nhà để xe qua trạm 3 để di chuyển đến làn C và D để đón khách. Xe chờ đỗ ở bãi đệm không quá 30 phút rồi di chuyển đến làn C sẽ trả phí 5.000 đồng/lượt; còn nếu di chuyển đến làn D (hoàn toàn nằm trong nhà giữ xe của TCP) thì đóng phí 15.000 đồng/lượt. Mức phí này đã bao gồm thời gian đỗ chờ (30 phút) ở bãi đệm.

Cước taxi sân bay Tân Sơn Nhất lại 'dọa' tăng - Ảnh 1.

Taxi đưa/đón hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất

NHẬT THỊNH

Trả lời Thanh Niên, ông Phạm Văn Châu - Giám đốc Công ty CP đầu tư TCP, cho biết thời gian qua, việc thu phí đỗ xe chờ tại đây dựa trên tỷ lệ số đầu xe đăng ký chạy của các hãng taxi để tính phí thuê. Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động, đơn vị này gần như không thể kiểm soát được số lượng đầu xe ra vào bãi đệm để di chuyển đến làn C và D.

Đơn cử, một vị trí được thuê lại với giá 1,7 triệu đồng/tháng, nhưng các hãng để đầu xe sử dụng rất lớn, không đăng ký. Hãng có số lượng xe đang hoạt động nhiều nhất tại Tân Sơn Nhất hiện nay là Vinasun hằng ngày có khoảng 2.000 lượt xe ra/vào đón khách, 1 tháng có 60.000 lượt xe nhưng chỉ trả số tiền thuê bãi 11 triệu đồng, quá thấp để công ty duy trì hoạt động bãi đệm bao gồm chi phí về hạ tầng, điện, giao thông, trả lương cho nhân viên… Chưa kể, số lượng phương tiện di chuyển quá đông không kiểm soát gây nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều vấn đề về an ninh, trật tự và an toàn giao thông trong bãi đệm.

Từ thực tế đó, TCP đã xây dựng phương án kiểm soát số lượng đầu xe. "Việc tính phí theo lượt nhằm đảm bảo tính công bằng và phù hợp với hoạt động kinh doanh cũng như đảm bảo nguồn thu để TCP duy trì khả năng vận hành", đại diện TCP thông tin.

Taxi lo đội chi phí, phải tăng giá cước

Ngay sau khi nhận được thông báo của TCP, đại diện Hiệp hội Taxi TP.HCM đã có văn bản kiến nghị đơn vị này giữ nguyên phương án bãi đệm đậu xe taxi ngoài trời của TCP như hiện tại.

Theo Hiệp hội, việc thu phí theo lượt xe như trên làm tăng chi phí quá cao so với hợp đồng thuê vị trí đậu xe như hiện tại, gây khó khăn cho các hãng taxi phục vụ hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đơn cử, một chuyến xe di chuyển từ sân bay về trung tâm TP có cước phí dao động từ 50.000 - 100.000 đồng. Nếu đi theo lộ trình mà TCP đưa ra hành khách sẽ phải trả 10.000 đồng vé vào sân bay và 5.000 đồng cước phí. Tổng cộng, hành khách phải trả 15.000 đồng cho cuốc xe này, ước tính bằng 15% giá cước 100.000 đồng và tương đương 30% nếu giá cước 50.000 đồng. 

Mặt khác, nếu taxi đi qua làn D của nhà xe TCP, hành khách sẽ phải trả 10.000 đồng vé vào sân bay và 15.000 đồng phí đậu xe. Như vậy, hành khách sẽ phải trả phí lên tới 25% nếu giá cước 100.000 đồng, tương đương 50% nếu thu cước 50.000 đồng. Bên cạnh đó, các taxi sẽ phải thực hiện các thủ tục nhận thẻ, kiểm soát thẻ... mất rất nhiều thời gian mỗi khi vào sân bay đón khách.

So sánh về sự khác biệt giữa việc thu phí theo bãi đậu và theo lượt, ông Tạ Long Hỷ, Tổng giám đốc Hãng taxi Vinasun, cho biết hiện nay hãng này đang có 7 bãi đệm, mỗi bãi 1,7 triệu đồng/tháng, tổng cộng 11,9 triệu/tháng. Nếu áp dụng cách tính mới, hãng sẽ có thể phải trả tới 300 triệu đồng/tháng nếu bình quân một ngày có 2.000 lượt xe vào sân bay. Trường hợp taxi chạy vào làn D thì sẽ phải trả phí tới 900 triệu đồng/tháng. "Nếu nhà xe TCP cố tình áp dụng việc thu phí theo mức mới như trên, chúng tôi khó bảo đảm cam kết về số lượng xe taxi vào sân bay đón khách như chỉ đạo của Sở GTVT", ông Tạ Long Hỷ thông tin.

Trước phản ứng của các hãng taxi, ông Phạm Văn Châu chỉ rõ việc thu phí theo lượt chỉ áp dụng đối với các taxi sử dụng bãi đệm và hạ tầng bên trong nhà giữ xe TCP để di chuyển đến làn C hoặc làn D đón khách. Trong đó, làn D nằm hoàn toàn trong khu vực nhà giữ xe TCP và thực tế thì hiện nay, xe taxi truyền thống rất ít khi vào làn D do khách đón taxi hầu hết tập trung ở làn C.

"Chúng tôi không bắt buộc tất cả các xe taxi phải đi qua bãi đệm để trả phí. Việc di chuyển vào làn C của taxi vẫn có tuyến đường di chuyển không đi qua bãi đệm và không phải trả phí cho TCP. Vì thế, việc cho rằng mọi taxi vào sân bay đều phải trả phí khiến cước phí cao hơn là không chính xác", ông Châu khẳng định đồng thời cho biết tuần sau, TCP sẽ cùng các hãng taxi thảo luận phương án triển khai.

Khách hàng là "người chịu trận"

Thực tế hiện nay, với mỗi lượt đón taxi công nghệ tại Tân Sơn Nhất, hành khách đã phải trả tới 25.000 đồng tiền phí, trong đó có 15.000 đồng trả phí sử dụng hạ tầng nhà để xe TCP. Đây là mức phí không có sự lựa chọn bởi các hãng xe công nghệ được phân làn đón khách phía trong nhà để xe, phải tuân thủ đúng quy định. Nhưng 10.000 đồng phí theo kiểu BOT sân bay trả cho Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) thì mặc dù đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ khẳng định rằng "không đúng quy định pháp luật về đất đai do không phải nộp tiền sử dụng đất" từ 2018 nhưng đến nay, ACV vẫn "kiên trì" thu phí.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, nhận định đây là kiểu tận thu vô lý. Tại Cảng Tân Sơn Nhất đang phân chia thành 2 loại phí: Đường ra vào thì thu phí kiểu BOT, cứ xe đi vào đường của sân bay phải thu, không cần biết là xe cá nhân hay kinh doanh. Còn các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, làm lợi trên con đường đấy thì phải thu thêm phí thông qua việc đấu thầu hoạt động tại sân bay. Doanh nghiệp được kinh doanh trên tài sản, hạ tầng của nhà nước, đã thêm phần kinh doanh từ dịch vụ bãi đậu xe, chỗ giữ xe, lại còn tăng thêm nhiều khoản phí "đè" doanh nghiệp, cuối cùng đổ vào chi phí, người dân chịu.

Cước taxi sân bay Tân Sơn Nhất lại 'dọa' tăng - Ảnh 2.

Nếu taxi di chuyển theo tuyến đường chấm màu đen để vào đón khách thì sẽ không qua bãi đệm của TCP nên không trả phí; sẽ trả phí nếu di chuyển theo tuyến đường chấm màu đỏ

TCP

"Khoản phí BOT thì "anh" kêu nộp ngân sách đóng góp cho nhà nước, để đảm bảo trật tự an toàn, giữ vệ sinh, điều tiết giao thông… tuy sai vẫn thu. Còn khoản "bổ đầu" doanh nghiệp là anh thu về "túi" anh, làm lợi cho doanh nghiệp của anh, là lợi dụng tài sản nhà nước để "ăn không" của doanh nghiệp, của người dân, làm tăng chi phí vận chuyển, tăng chi phí xã hội. Chính phủ, Bộ GTVT phải can thiệp, phải lập tức có ý kiến, can thiệp giải quyết triệt để vấn đề này", ông Đức thẳng thắn đề xuất.

Lãnh đạo Cảng HKQT Tân Sơn Nhất thông tin: TCP không thuộc quản lý của Cảng Tân Sơn Nhất nên câu chuyện thay đổi phương án thu phí giữa TCP và các hãng taxi không thuộc thẩm quyền can thiệp của cảng. Tuy nhiên về mặt đơn vị khai thác sân bay, Cảng Tân Sơn Nhất vẫn sẽ cho mời tất cả các hãng taxi cùng TCP họp lại để các bên nắm rõ thông tin và thống nhất phương án. Cùng với đó, Cảng Tân Sơn Nhất đã được UBND TP cho phép duy trì bãi đệm taxi nằm tiếp giáp đường vào ga quốc tế và góc đường Bạch Đằng - Trường Sơn thêm 1 năm. Bãi đệm miễn phí sẽ giúp giảm tải, tạo tối đa điều kiện cho các hãng taxi bố trí đảm bảo đủ phương tiện phục vụ hành khách.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.