Cựu chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng nói gì về sai phạm núi Chín Khúc?

04/04/2022 18:43 GMT+7

Chiều 4.4, phiên tòa xét xử sơ thẩm 7 bị cáo là cựu quan chức, trong đó có 2 cựu chủ tịch tỉnh Khánh Hòa sai phạm về đất đai, tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi.

Trong buổi chiều, HĐXX tập trung vào dự án Cửu Long Sơn Tự trên núi Chín Khúc, có liên quan đến ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và một số giám đốc sở liên quan.

Xét xử 2 cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và 5 đồng phạm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tại phiên tòa xét xử ngày 4.4

Thế quang

Giao đất trước khi điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư

Tại phiên xét hỏi, luật sư hỏi vào thời điểm làm chủ tịch Khánh Hòa, tình hình hằng năm thu ngân sách, bối cảnh giao dịch bất động sản của tỉnh như thế nào. Bị cáo Thắng nói khi mình nhận trách nhiệm chủ tịch tỉnh, bối cảnh kinh tế khó khăn, chủ trương chung là kêu gọi tháo gỡ các vướng mắc để đầu tư phát triển, giảm lạm phát. Mỗi năm ngân sách tỉnh dư được 20 tỉ sau khi cân đối trả nợ. Tỉnh ủy, HĐND và UBND đều tích cực trong việc kêu gọi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. “Đầu nhiệm kỳ (đầu nhiệm kỳ ông Thắng làm chủ tịch tỉnh, 2011 - 2015 - PV) là 7.000 tỉ, cuối nhiệm kỳ là 20.000 tỉ. Hằng năm, chúng tôi tạo hơn 30.000 công ăn việc làm mới”, ông Thắng nói trước tòa.

Nói về nguồn gốc dự án Cửu Long Sơn Tự từ 75 ha nhưng sau đó nâng lên 123 ha, ông Thắng cho biết năm 2011 có doanh nghiệp đăng ký thực hiện dự án Cửu Long Sơn Tự bằng hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) với mục đích hoàn vốn cho dự án đường Tỉnh lộ 3 của tỉnh. Tuy nhiên, nhà đầu tư không có năng lực, không triển khai, sau đó báo cáo và cuối cùng bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. "Khi làm dự án Cửu Long Sơn Tự chỉ thông qua là ủy ban quyết định. Sau này có nhà tài trợ làm dự án tâm linh, chúng tôi mới báo cáo Tỉnh ủy, thông qua HĐND", ông Thắng nói.

Một góc dự án trên núi Chín Khúc, TP.Nha Trang

HIỀN LƯƠNG

Trả lời câu hỏi của Viện KSND, vì sao dự án này 75 ha, sau này sáp nhập dự án 123 ha và cuối cùng là 513 ha, ông Thắng giải thích, mục tiêu của tỉnh là tăng được độ che rừng, nên việc tăng dự án lên 513 ha là cần thiết và cấp thiết. Cựu chủ tịch tỉnh Khánh Hòa nói: "Khi tôi còn làm chủ tịch, tôi quan tâm đến bảo vệ rừng. Việc tăng diện tích lên nếu làm thật, chủ đầu tư trồng rừng rất tốt. Thực tế sau này, cơ quan điều tra vào cuộc sau khi lập dự án là trồng rừng thật".

HĐXX đặt câu hỏi về tờ trình 560B của Sở TN-MT ngày 30.6.2014, trong quyết định sau này dựa vào tờ trình đề nghị giao 513 ha đất cho Công ty Khánh Hòa, bị cáo Thắng nói không biết được việc này xảy ra như vậy, cần phải làm rõ, xử lý những người liên quan. Nói về quyết định 1737 mà mình ký đồng ý chủ trương giao đất cho Công ty Khánh Hòa, ông Thắng cho rằng lúc đó giao cho các sở làm theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, trường hợp này ông Thắng nói không nhớ.

Về việc ký giao đất khi dự án chưa điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, ông Thắng trả lời: "Bàn giao trên thực địa là trách nhiệm của các sở ngành, không phải trách nhiệm của tôi. Vì sao có quyết định giao đất trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư sửa đổi, vì tôi không có năng lực để biết được việc đó. Và ngày tháng, số văn bản đều do Văn phòng biên vào chứ tôi không biết, tôi chỉ ký thôi".

"Tôi không sợ trách nhiệm"

Vấn đề mấu chốt, diện tích giao có đất thương mại dịch vụ và hơn 7.000 m2 đất ở không nằm trong quy hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt trước đó. Theo bị cáo Thắng, việc này là doanh nghiệp đề xuất, ông đồng ý và giao Sở TN-MT kiểm tra thực hiện theo quy định. Ông Thắng nói việc này ông không rõ, Sở TN-MT không báo cáo lại mà trình tiếp đồng ý, trong lúc đó, ông không biết khu đất có nằm trong quy hoạch này không.

“Khi đề xuất tờ trình điều chỉnh có 7.500 m2 đất ở. Tôi ký là tôi nghĩ sở (ý nói Sở TN-MT - PV) trình lên, văn phòng (Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa - PV) đã kiểm tra; chỗ nào có chữ ký, tôi ký. Văn bản dày, đọc 45 ngày không hết. Tôi tin tưởng cấp dưới tham mưu. Tôi tin tưởng hoàn toàn vào Sở TN-MT”, bị cáo Thắng nói.

Luật sư bào chữa cho bị cáo đặt câu hỏi tại tòa

THẾ QUANG

Luật sư bào chữa cho bị cáo Thắng, hỏi: Trước khi khởi tố vụ bị can, bị bắt tạm giam (giữa năm 2021), ông có nhận thức sai phạm liên quan đến các quyết định mà mình đã ký? Ông Thắng trả lời: “Tôi thấy mình đã phạm tội, mong HĐXX xem xét để ân giảm án để trở về với đời sống bình thường. Sau này khi tiếp cận với luật sư, tôi mới biết nếu lúc đó có những cách tiếp cận mới là áp dụng quy định pháp luật theo luật bảo vệ phát triển rừng, thì nó cũng giảm bớt phần nào đối với tội danh của tôi. Nếu tôi biết thời điểm đó, có văn bản của Sở TN-MT báo cáo có nhiều địa phương cũng sai hơn mình”.

Đại diện VKS hỏi dự án Cửu Long Sơn Tự có thay đổi mục đích sử dụng đất ban đầu là trồng rừng sinh thái, tâm linh, ông Thắng cho rằng, từ năm 2012 - 2015 theo các tài liệu là có thay đổi làm biệt thự, bán đất ở 7.500 m2. “7.500 m2 đất ở so với hơn 400 ha và hơn 1 ha làm du lịch tâm linh là ít, thành ra tôi đồng ý. Tôi ký chủ yếu để doanh nghiệp có màu sắc cho thuê và bán một ít; bất động sản mà 7.500 m2 là rất nhỏ”, bị cáo lý giải.

Cựu chủ tịch tỉnh nói về trách nhiệm của người đứng đầu UBND thời điểm đương chức: "Với tư cách Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, tôi không sợ trách nhiệm, tôi có làm mới có trách nhiệm. Tôi mà cứ bo bo giữ vì sợ trách nhiệm, thì kinh tế xã hội không thể phát triển. Trách nhiệm người đứng đầu phải nhận nếu cấp dưới mình làm sai".

Cũng tại phiên tòa, luật sư hỏi về vai trò tham mưu của các sở, ngành trong việc cấp phép dự án cũng như giao đất, bị cáo Thắng nói: “Tôi không đổ trách nhiệm đối với các lãnh đạo dưới quyền”, và cho biết quy trình đất đai, theo quy trình 1 cửa trình lên là ký. "Sở TN-MT, các sở khi tham mưu lên văn phòng; sẽ có phòng xây dựng – nhà đất kiểm tra, văn thư đưa tôi ký".

Phiên tòa sẽ tiếp tục vào sáng 5.4 và dự kiến xét xử trong 5 ngày, từ thứ 2 đến thứ 6 tuần này.

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 4.4, TAND tỉnh Khánh Hòa đưa ra xét xử vụ án sai phạm trong quản lý đất đai tại Khánh Hòa, liên quan đến 2 dự án trên núi Chín Khúc, TP.Nha Trang. 7 bị can bị truy tố, gồm các ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; Lê Đức Vinh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh, Đào Công Thiên, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh; Lê Mộng Điệp, cựu Giám đốc Sở TN-MT; Võ Tấn Thái, cựu Giám đốc Sở KH-ĐT và Sở TN-MT; Lê Văn Dẽ, cựu Giám đốc Sở Xây dựng và Trần Văn Hùng, cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở TN-MT. Hành vi mà các bị cáo bị truy tố có liên quan đến việc triển khai 2 dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Biệt thự sông núi Vĩnh Trung trên núi Chín Khúc giai đoạn 2012 - 2015. 2 dự án này đều do Công ty TNHH sản xuất và xây dựng Khánh Hòa (trụ sở Khánh Hòa) làm chủ đầu tư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.