Cứu hộ động vật quý: Giải cứu linh trưởng

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
10/05/2022 06:06 GMT+7

Có một tín hiệu lạc quan là khoảng 5 năm trở lại đây tình trạng nuôi nhốt linh trưởng trái phép giảm dần. Chính sự phối hợp nhịp nhàng trong tuyên truyền, giám sát của lực lượng công an, biên phòng, kiểm lâm… đã cải thiện tình hình.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được ví là “vương quốc linh trưởng”, mái nhà chung của các loài khỉ, vượn, voọc, cu li… Đã có lúc, nạn săn bắt, nuôi nhốt linh trưởng trái phép rất phổ biến khiến cho những người làm công tác cứu hộ của vườn quốc gia này nhọc công giải cứu.

Can thiệp y tế trong quá trình cứu hộ để giữ mạng sống cho một linh trưởng

NGUYỄN PHÚC

Khi con vật stress

Các loài linh trưởng thường rất linh hoạt trong di chuyển, nếu bị nuôi nhốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý lâu dài đối với chúng, kể cả khi đã được nhà chức trách giải cứu, chăm sóc.

Theo ông Lê Thúc Định, Giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (gọi tắt là Trung tâm), hầu hết người dân khi nuôi nhốt linh trưởng trái phép thường nhầm lẫn về thức ăn giữa khỉ và voọc, vượn.

“Các loại khỉ thường dễ nuôi. Nhưng với voọc, vượn thì khó hơn, chúng ăn lá và quả rừng. Việc người dân nuôi nhốt khỉ và chỉ cho ăn toàn chuối sẽ khiến chúng bị ốm và đau đường ruột. Cùng với việc nó bị stress nặng khi bị giam cầm trong lồng sắt, việc cứu hộ với những trường hợp như thế này sẽ có nhiều rủi ro”, ông Định nói.

Một cá thể linh trưởng đã hoàn thành giai đoạn cứu hộ, được thả về tự nhiên nhưng vẫn thường “lui tới” trung tâm

BÁ CƯỜNG

Hồi năm 2021, tại xã Hướng Lập (H.Hướng Hóa, Quảng Trị) có 1 cá thể voọc gáy trắng lởn vởn dọc đường Hồ Chí Minh rồi bất ngờ lao xuống tấn công hàng chục người. Lúc đó, câu chuyện này gây chú ý vì loài này trong tự nhiên không mấy khi dám tới gần khu vực con người sinh sống. “Tôi cùng nhóm chuyên gia của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã vào tận Quảng Trị xem xét và nghi ngờ rằng có thể cá thể voọc này từng bị nuôi nhốt trái phép, xổng chuồng nên mới trở nên hung hãn đến vậy”, ông Định nhận định.

Hậu quả của việc nuôi nhốt loài khỉ không chỉ khiến chúng trở nên hung hãn, có xu hướng tự làm đau bản thân hoặc người khác, mà còn đẩy chúng trở nên “lạc lõng” với những cá thể khác cùng loài. Ông Hoàng Mạnh Hùng (Phó trưởng bộ phận cứu hộ sinh vật của Trung tâm) cho hay hiện Trung tâm đang chăm sóc cá thể khỉ đuôi lợn lớn nhất từ trước đến nay với trọng lượng 18 kg, do người dân nuôi ở nông trường Việt Trung (H.Bố Trạch, Quảng Bình) tự nguyện giao nộp cách đây vài tháng. “To lớn là vậy, nhưng do nuôi nhốt lâu ngày nên cá thể này dù mang tiếng linh trưởng nhưng vẫn… chưa biết trèo”, ông Hùng lo lắng.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Trung tâm, có một tín hiệu lạc quan là khoảng 5 năm trở lại đây tình trạng nuôi nhốt linh trưởng trái phép giảm dần. Chính sự phối hợp nhịp nhàng trong tuyên truyền, giám sát của lực lượng công an, biên phòng, kiểm lâm… đã cải thiện tình hình. Nhiều người dân tự nguyện giao nộp linh trưởng hoặc điện thoại đến Trung tâm nhờ hỗ trợ giải cứu linh trưởng nếu phát hiện.

Nhiều năm qua, đã có hàng trăm cá thể linh trưởng được Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng) cứu hộ thành công

BÁ CƯỜNG

“Đại náo” và quyến luyến

Khi được hỏi về cá thể linh trưởng nào đáng nhớ nhất trong số hàng trăm cá thể từng được Trung tâm cứu hộ, ông Định nhắc ngay đến 1 chú khỉ đuôi lợn. Chú “nổi tiếng” đến mức được bố trí chuồng ngay sát nơi làm việc của cán bộ khu cứu hộ động vật và có cả tên riêng là “Chung”.

Chung được đưa về khu cứu hộ động vật của Trung tâm cách đây đã 4 năm. Không có cách nào để “đuổi” nó đi, Trung tâm đành phải “nuôi báo cô” ngần ấy năm trời. “Chúng tôi đã tổ chức thả Chung về với tự nhiên 3 lần, nhưng đều không thành công. Thả khoảng 2 ngày sau đã thấy nó… lù lù quay về. Kẹt quá, có lần phải gây mê liều nhẹ rồi bỏ Chung giữa rừng sâu, nhưng khi tỉnh giấc nó vẫn tìm ra đường về Trung tâm và nhìn anh em cán bộ như trách móc”, ông Định nói.

Chung có một quá khứ “bất hảo”: tấn công 5 người trong Trung tâm. Rất manh động, chỉ chờ người ta lơ là khi đưa tay vào gần chuồng cho thức ăn thì liền chụp lấy và kéo vào trong. Dù thế, các chuyên gia vẫn nghĩ ra được “chiêu độc” để thuần hóa chú khỉ ngổ ngáo.

Con khỉ đuôi lợn tên Chung, một “đại ca” ở Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

BÁ CƯỜNG

“Mấy hôm nay chúng tôi cho 1 cô khỉ cái cùng loài vào ở với Chung. Chung dường như cũng nằm trong số “sợ vợ” nên việc chăm sóc cậu ta hiện nay đã bớt vất vả hơn”, ông Hùng nói vui. Chỉ thoáng chút lo là chuồng của Chung sát với khu làm việc của cán bộ (để tiện theo dõi) lại dễ gây bất lợi sau này khi thả chúng về tự nhiên, vì tạo ra sự gần gũi quá mức giữa người chăm sóc và động vật được giải cứu.

Trái ngược với Chung, rất nhiều cá thể linh trưởng khi về với Trung tâm vẫn rất nhút nhát, đến mức bị chẩn đoán là mắc chứng “tự kỷ” và cần được theo dõi đặc biệt. Tuy nhiên, hầu hết các cá thể linh trưởng sau khi được giải cứu, chăm sóc ổn định sức khỏe đều được thả ra môi trường. Trung tâm thậm chí đã từng đưa 1 cá thể khỉ đuôi dài vào thả ở tận trong Quảng Nam do rừng Phong Nha - Kẻ Bàng không phải là vùng phân bố của loài này. Trong khi đó, có đàn khỉ 7 con dù đã được thả khá sâu trong rừng Phong Nha - Kẻ Bàng nhưng thi thoảng vẫn “về thăm” Trung tâm ở khu vực bán hoang dã. “Trong quá trình cứu hộ, chúng tôi không cho sinh nở, nhưng đàn khỉ này về với tự do thì đã sinh thêm được 2 con khỉ con bằng phương pháp tự nhiên. Chứng tỏ chúng đang sống rất tốt”, ông Hùng nhận định.

Cũng có những cuộc “giải cứu linh trưởng” thất bại, các cá thể tử vong. Quá trình cứu hộ có nhiều bước, không phải lúc nào linh trưởng chết cũng mang đi tiêu hủy mà có khi được bảo quản, xử lý để làm mẫu. Và tất nhiên, chẳng ai tham gia trong quá trình cứu hộ linh trưởng ở Trung tâm lại muốn những sinh vật thú vị, nổi tiếng tinh nghịch này trở thành một mẫu “tiêu bản” thú nhồi bông cứng đơ. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.