Đại biểu Quốc hội: Việt Nam có quá ít sân bay

Mai Hà
Mai Hà
31/05/2023 17:51 GMT+7

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau), so với các nước, địa hình Việt Nam rất phù hợp phát triển hàng không. Nhưng cả nước hiện chỉ có 22 cảng hàng không, ít hơn nhiều với các nước trong khu vực.

Góp ý về báo cáo kinh tế - xã hội tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 31.5, đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho rằng, hàng không là con đường ngắn nhất đưa Việt Nam ra thế giới và kéo thế giới về gần Việt Nam. Dù có địa hình phù hợp với phát triển hàng không, song theo ông, số lượng 22 cảng hàng không hiện tại là quá ít, trong khi nhiều sân bay đã quá tải, nhất là vào dịp cao điểm.

Đại biểu Quốc hội: Việt Nam có quá ít sân bay - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau)

GIA HÂN

Theo quy hoạch của Bộ GTVT, tới năm 2030, cả nước mới có 30 sân bay và tới năm 2050 có 33 sân bay. Trong khi đó, các nước trong khu vực như Thái Lan có 38 sân bay, Malaysia có 66 sân bay với 38 sân bay thương mại, Philippines có 70 sân bay.

Ông Thanh cho rằng, nguồn lực đầu tư không nên dựa vào ngân sách nhà nước mà cho các địa phương năng động thu hút nhà đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, dù Bộ GTVT đã có đề án xã hội hóa đầu tư cảng hàng không, nhưng việc xã hội hóa gặp nhiều khó khăn do tư nhân chỉ được đầu tư các sân bay nhỏ và vừa, hầu hết đều lỗ. 

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) được đầu tư mới và mở rộng 6 sân bay lớn đều có lãi (ngoài Long Thành đang xây dựng, các sân bay còn lại gồm Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng… chiếm tới 70 - 80% thị phần khách hàng và 90% thị phần hàng hóa).

Đại biểu đoàn Cà Mau cũng cho rằng, cơ chế đầu tư sân bay PPP hiện nay chưa hấp dẫn. “Ví dụ như sân bay Cà Mau, nếu theo cơ chế hiện nay rất dễ bị bỏ rơi vì ACV không còn trách nhiệm đầu tư, kể cả ACV muốn nâng cấp thì tỉnh cũng phải đợi thêm nhiều năm nữa. Nhà đầu tư thì không thấy hấp dẫn nên không vào”, ông Thanh nói, và cho rằng, quy mô vốn sân bay Cà Mau chỉ khoảng 4.200 tỉ đồng, tương đương 20 km cao tốc Dầu Giây - Long Thành.

Vì thế, đại biểu đề xuất rất cần sự điều chỉnh, hoàn thiện chính sách xã hội hóa đầu tư khai thác cảng hàng không, sân bay và tập trung đầu tư cảng hàng không sân bay làm bệ đỡ cho các cảng hàng không tăng cạnh tranh, tăng tốc phát triển ngành hàng không sẽ đóng góp thiết thực cho địa phương có sân bay, cho kinh tế - xã hội phát triển và tăng hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.

Đại biểu Quốc hội: Việt Nam có quá ít sân bay - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

GIA HÂN

"Dự án dễ thì dùng vốn công, khó thì lại xã hội hóa"

Trong khi đó, theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), việc thu hút các nguồn vốn đầu tư theo phương thức xã hội hóa là để "chia lửa" ngân sách nhà nước và có sự đóng góp của người dân. 

Tuy nhiên, việc xã hội hóa từ khi luật PPP sửa đổi bổ sung đến nay vẫn rất trì trệ, bất cập, nhiều nhà đầu tư không mặn mà. "Đề nghị Chính phủ đánh giá lại nguyên nhân. Nhà đầu tư cho rằng nhiều dự án đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam dễ thực hiện giải phóng mặt bằng, lưu lượng giao thông đông đúc, hiệu quả, đầu tư thu hồi vốn nhanh, đáng ra phải để cho nhà đầu tư thực hiện thì lại đầu tư công. Trong khi các dự án khó khăn trong giải phóng mặt bằng, vùng sâu, vùng xa, ít lưu lượng giao thông lại kêu gọi nhà đầu tư", ông Hòa nêu.

Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ có phương án xử lý với một số dự án BOT chưa thu phí được, bảo đảm hài hòa lợi ích cho nhà đầu tư và người dân. 

Với các dự án đường cao tốc, theo ông Hòa, cần đầu tư 4 làn xe có làn dừng khẩn cấp, không nên đầu tư 2 làn gây lãng phí vốn, mất thời gian thủ tục nâng cấp như Thủ tướng chỉ đạo. Điển hình như đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ có 2 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp, khi có tai nạn giao thông gây ách tắc, rất khó khăn cho việc cứu hộ cứu nạn.

"Nếu kinh phí đầu tư còn hạn chế cũng nên giải phóng mặt bằng trước làm quỹ đất dự trữ, sau này mở rộng dễ dàng hơn", ông Hòa nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.