Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trai trẻ: Ngôi sao của những ngôi sao

20/08/2021 06:30 GMT+7

Giáo sư Grégoire Khérian nhắc đi nhắc lại: “Giáp là ngôi sao của những ngôi sao” (l’as des as).

Cuộc sống sinh viên

Vẫn trong mạch hồi ức về Trường Thăng Long và thầy Võ Nguyên Giáp, những năm tháng cuối đời, ông Nguyễn Xuân Ngọc (1921 - 2012) chạy đua với thời gian để hoàn thành hồi ký Những câu chuyện cuộc đời.
Ông kể chậm rãi: “Năm 1941, sau khi đỗ tú tài phần 2, tôi vào học Trường Luật thuộc Đại học Đông Dương. Ngày khai trường, bài học đầu tiên là về kinh tế chính trị, một trong những môn học chính trong chương trình đào tạo cử nhân luật. Người giảng bài là Giáo sư Grégoire Khérian. Giáo sư mở đầu bài giảng một cách độc đáo, bất ngờ. Sinh viên chờ đợi được nghe giới thiệu về ý nghĩa của kinh tế chính trị, môn học rất mới với mọi người, thì ông lại mở đầu bằng việc khen ngợi một sinh viên cũ của trường. Sinh viên đó chính là thầy Võ Nguyên Giáp. Ông dùng những lời tốt đẹp nhất ca ngợi người học trò cũ của mình trên giảng đường đại học. Ông nói rất hùng hồn, đĩnh đạc, chậm rãi, phát âm tiếng Pháp rành rẽ, mạch lạc, như cách nói của những người không phải gốc Pháp. Ông nói nhiều, tôi không nhớ được hết, nhưng vẫn nhớ câu nói rất ấn tượng được nhắc đi nhắc lại: “Giáp là ngôi sao của những ngôi sao” (l’as des as).
Tôi cảm thấy tự hào về thầy Giáp, và càng tin mình đã chọn đúng ngành (luật), đúng nghề (luật sư)”.
Võ Nguyên Giáp ghi tên học Khoa Luật của Đại học Đông Dương, chú trọng về luật kinh tế. Khoa Luật nằm trong khuôn viên Đại học Đông Dương, phố Bobillot (ngày nay là phố Lê Thánh Tông - Hà Nội). Trong số bạn học của ông có hoàng thân Bửu Lộc, con em hoàng tộc nhà Nguyễn, sau này là Thủ tướng Quốc gia VN dưới thời Quốc trưởng Bảo Đại và ông Vũ Văn Mẫu, sau này là thủ tướng cuối cùng của VNCH (1975)...

Không thể bỏ rơi bạn bè

Biết ông Nguyễn Xuân Ngọc thích những tư liệu về thầy giáo cũ và Trường đại học Đông Dương, tôi có chuyển đến ông một bản photocopy tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là hai tấm ảnh, đặt cạnh nhau, bị mờ, nhưng vẫn nhận ra quang cảnh khoa luật và những người trong ảnh là giáo sư, sinh viên Khoa Luật của Đại học Đông Dương năm học 1934 - 1935. Dưới hai bức ảnh là bản sao chụp hai tài liệu. Trong đó có bức thư đề: Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 1935, dưới ký Võ Nguyên Giáp, nội dung giải trình việc chậm trả học phí.
Trong những năm học ở Trường Quốc học Huế, Võ Nguyên Giáp luôn đứng đầu lớp. Khi vào Đại học Luật, sinh viên họ Võ tiếp tục để lại ấn tượng lâu bền trong các giáo sư dạy ông. Tháng 3.1945, khi Nhật đảo chính Pháp trên toàn xứ Đông Dương, Giáo sư Grégoire Khérian, thầy dạy của Võ Nguyên Giáp, lúc này phụ trách bộ môn kinh tế chính trị của khoa luật, được người Nhật cho về trường thu dọn các giấy tờ, sổ sách. Ông tìm thấy được hồ sơ của Võ Nguyên Giáp. Giáo sư Khérian đánh giá: "Đó là anh sinh viên tôi thích nhất. Anh ta học rất giỏi và can đảm".
Kỷ niệm kỳ lạ mà Giáo sư Khérian còn giữ được về Võ Nguyên Giáp là vào cuối thời gian học đại học, khi Võ Nguyên Giáp có cơ hội sang Pháp du học sau khi thi đỗ cử nhân về kinh tế chính trị năm 1938.
“Hằng năm có một giáo sư nổi tiếng từ Pháp đến tự chọn lựa sinh viên học giỏi và có triển vọng để cho đi học tại Pháp qua một kỳ thi tuyển. Năm đó, chính ông Gaétan Pirou, từng là Chánh văn phòng của Tổng thống Paul Doumer, thú nhận với tôi rằng ông có ấn tượng về kết quả học tập của Võ Nguyên Giáp và đặt cho tôi nhiều câu hỏi về Võ Nguyên Giáp. Tôi trả lời, anh ta (Giáp) đang có vấn đề với nhà cầm quyền và đó là con người luôn sôi nổi. Ông Pirou nói: "Phải đưa anh ta ra khỏi môi trường thuộc địa. Hãy tìm cách cho anh ta đến Paris. Anh ta có thể học bất cứ ngành nào theo ý muốn. Người ta sẽ chu cấp cho anh ta ăn học", Giáo sư Khérian kể.
Giáo sư có nói với Võ Nguyên Giáp chuyện đó. Chàng sinh viên mới tốt nghiệp xin phép có thời gian để suy nghĩ. Hôm sau, Võ Nguyên Giáp trả lời thầy dạy rằng mình không thể bỏ rơi bạn bè. Học bổng được dành cho người khác là Vũ Văn Hiền sau này từng có thời gian làm Bộ trưởng Bộ Tài chính của Chính phủ đế quốc Việt Nam (1945) và một luật gia nổi tiếng.
Giáo sư Marcel Ner, giảng dạy Khoa Luật, Trường đại học Đông Dương, khi nói về Võ Nguyên Giáp (năm 1947) đã nhớ lại đó là một con người yêu mến tha thiết đất nước mình, say mê chủ nghĩa cộng sản. Một giáo sư khác thì đánh giá: “Giáp là một sinh viên xuất sắc nhất ở Trường đại học Hà Nội lúc bấy giờ, một con người khao khát học hỏi nhưng hướng nội”.
(Nguyễn Văn Sự - biên soạn: Đại tướng Võ Nguyên Giáp danh tướng thế kỷ XX qua tư liệu nước ngoài, NXB Quân đội Nhân dân, 2011)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.