Đảm bảo quyền, lợi ích cho người dân bị thu hồi đất

Lê Hiệp
Lê Hiệp
30/04/2023 06:59 GMT+7

Dự thảo luật Đất đai sửa đổi đã tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân, đại biểu Quốc hội để chỉnh lý các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của người dân.

ĐỀN BÙ BẰNG ĐẤT, TIỀN, HOẶC NHÀ Ở

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa thừa ủy quyền Thủ tướng gửi Quốc hội tờ trình dự án luật Đất đai sửa đổi sau tiếp thu ý kiến của nhân dân, dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5 tới.

Liên quan tới vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, tờ trình của Chính phủ cho biết đây là nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất. Nhiều ý kiến cho rằng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải chặt chẽ; đồng thời phù hợp với đặc thù của từng vùng, miền, không để ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân cũng như nguồn thu nhập có liên quan đến đất bị thu hồi. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu, quy định cụ thể, luật hóa một số quy định trong các nghị định hướng dẫn thi hành luật Đất đai hiện hành đã được thực tế chứng minh là phù hợp nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của người dân có đất bị thu hồi, tạo sự đồng thuận, giảm khiếu nại, khiếu kiện, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương dễ áp dụng, đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Đảm bảo quyền, lợi ích cho người dân bị thu hồi đất - Ảnh 1.

Cần đảm bảo quyền, lợi ích cho người dân bị thu hồi đất

Ngọc Dương

Tại dự thảo mới nhất luật Đất đai đã bổ sung thêm một điều quy định nguyên tắc chung cho cả việc bồi thường lẫn việc hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất (trước đó tách thành 2 điều - PV). Trong đó, đáng lưu ý là tại nguyên tắc về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, dự thảo luật Đất đai mới nhất đã bỏ nguyên tắc "bảo đảm cho người bị thu hồi đất có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ". Thay vào đó, báo cáo tiếp thu ý kiến nhân dân của Chính phủ cho hay nguyên tắc này được cụ thể hóa bằng các quy định cụ thể.

Một trong những hướng cụ thể nguyên tắc nói trên là việc dự thảo luật đã bổ sung nhiều hình thức bồi thường khi thu hồi đất, ngoài bằng tiền, còn có bồi thường bằng đất hoặc bằng nhà ở. Cụ thể, dự thảo luật quy định việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng đối với loại đất thu hồi.

Nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất của loại đất thu hồi do UBND quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng nêu rõ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở.

Như vậy, người bị thu hồi đất có thể được đền bù bằng đất có cùng mục đích sử dụng hoặc bằng tiền; ngoài ra có thể được đền bù bằng đất khác hoặc nhà ở nếu có nhu cầu.

Định hướng này cũng đã được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách hồi đầu tháng 4 vừa qua. Ông Hà cho biết việc lượng hóa nguyên tắc "bảo đảm chỗ ở, thu nhập, điều kiện sống bằng, hoặc tốt hơn nơi ở cũ là vấn đề khó song phải làm". Và một trong số đó là cần có nhiều lựa chọn cho người có đất bị thu hồi. "Thu hồi đất nông nghiệp có thể đền bù bằng tiền, cũng có thể tính để đền bù bằng nhà hoặc chung cư", ông Hà nói, và cho hay việc này là nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho người dân, vì thu nhập trên một thửa ruộng 1 sào không bằng cho thuê một căn hộ chung cư 70 m2.

Ngoài ra, dự thảo luật mới nhất cũng quy định chi tiết về kinh phí và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; điều kiện được bồi thường cũng như bồi thường về đất, bồi thường thiệt hại về tài sản, sản xuất kinh doanh, chi phí đầu tư vào đất. Chẳng hạn, tại quy định về chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư, dự thảo luật quy định rõ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất có hiệu lực thì phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ. Trường hợp chậm chi trả thì người có đất bị thu hồi còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của luật Quản lý thuế…

Người dân thất nghiệp, sống khổ vì nhường đất cho thuỷ điện A Lưới

ĐIỀU KIỆN SỐNG TỐT HƠN CHO NGƯỜI BỊ THU HỒI ĐẤT

Ngoài đa dạng hóa hình thức đền bù khi thu hồi đất, các quy định về hỗ trợ, tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi cũng được cơ quan soạn thảo chỉnh lý, bổ sung sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân, đại biểu Quốc hội. Tờ trình của Chính phủ cho hay dự thảo luật quy định đa dạng các hình thức hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất, gồm: hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ tái định cư; các hỗ trợ khác của địa phương theo từng dự án cụ thể…

Liên quan tới hỗ trợ tái định cư, dự thảo luật cũng bổ sung nhiều quy định nhằm cụ thể hóa nguyên tắc "bảo đảm chỗ ở, thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ". Cụ thể, tờ trình của Chính phủ cho biết dự thảo luật mới nhất đã bổ sung nguyên tắc khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi. Khu tái định cư có thể bố trí cho một hoặc nhiều dự án.

12 triệu ý kiến nhân dân góp ý dự thảo luật Đất đai sửa đổi

Tờ trình của Chính phủ cho biết quá trình lấy ý kiến, đã có hơn 12 triệu lượt ý kiến nhân dân góp ý vào dự thảo luật Đất đai sửa đổi. Trong đó, vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có hơn 1,2 triệu lượt ý kiến; vấn đề giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất có gần 1,1 triệu lượt ý kiến; tài chính đất đai, giá đất có hơn 1 triệu lượt ý kiến; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có hơn 1 triệu lượt ý kiến.

Dự thảo luật cũng nêu rõ hạ tầng kỹ thuật bao gồm đường giao thông đảm bảo kết nối giao thông liên kết với khu vực lân cận, điện chiếu sáng và điện sinh hoạt, hệ thống cấp - thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý môi trường. Hạ tầng xã hội là đảm bảo trường học, dịch vụ y tế, nhà văn hóa, khu thể thao, chợ, khu thương mại - dịch vụ.

Dự thảo luật mới nhất cũng bổ sung quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án tái định cư để đảm bảo chủ động trong việc bố trí tái định cư cho người có đất bị thu hồi. Đồng thời, việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng quy định người có đất ở bị thu hồi để thực hiện dự án đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, thì được bố trí tái định cư tại chỗ. Trường hợp thu hồi đất ở để thực hiện các mục đích khác thì được bố trí tái định cư tại chỗ nếu tại khu vực thu hồi đất có quỹ đất, quỹ nhà tái định cư. Dự thảo luật cũng nêu rõ ưu tiên vị trí thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở kết hợp với kinh doanh dịch vụ, người có đất bị thu hồi là người có công với cách mạng. Có cơ chế thưởng đối với người có đất bị thu hồi bàn giao mặt bằng trước thời hạn. Song song đó, trong trường hợp người có đất ở thu hồi mà không còn chỗ ở khác thì trong thời gian chờ bố trí tái định cư được bố trí vào nhà ở tạm hoặc hỗ trợ tiền thuê nhà ở…

Giải trình tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách hồi đầu tháng 4 vừa qua, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết điều kiện sống tốt hơn chính là sự đồng bộ về hạ tầng từ giao thông, cho tới giáo dục, y tế, văn hóa. Do đó, dự thảo luật quy định khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, xã hội và phải hoàn thành trước khi thu hồi đất.

Bên cạnh đó, ông Hà cũng cho hay với quan điểm tạo điều kiện tốt hơn cho người dân có đất bị thu hồi, cần phải tạo điều kiện để người dân tiếp cận, bố trí tái định cư tại chỗ trong các dự án nhà ở thương mại. "Không có lý gì chúng ta làm một dự án phát triển KT-XH mà lại không để cho những người dân có đất ở đấy bao nhiêu năm nay không được thụ hưởng những thành quả của dự án", ông Hà nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.