Dân hiến đất mở rộng hẻm

15/07/2022 04:25 GMT+7

Những con số và gương điển hình được nêu ra trong hội nghị tổng kết công tác tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm từ năm 2000 đến nay, do Thành ủy TP.HCM tổ chức hôm qua (14.7), đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, nhiều ý nghĩa dân sinh.

Trong 22 năm qua, toàn TP.HCM có hơn 168.000 hộ dân tham gia hiến gần 5,4 triệu m2 đất, tương đương với số tiền hơn 10.050 tỉ đồng, phục vụ cho 5.230 công trình. Người dân cũng trực tiếp đóng góp kinh phí để mở rộng đường, hẻm và các công trình phục vụ công cộng với số tiền hơn 458 tỉ đồng.

Hẻm 162 Phan Đăng Lưu, P.3, Q.Phú Nhuận (TP.HCM) được mở rộng lên 5 m giúp việc đi lại thuận lợi

NHẬT THỊNH

Có hộ hiến cả ngàn mét vuông

Điển hình, ở Q.Bình Tân có ông Lại Văn nghề (trú P.Tân Tạo A) đã tự nguyện hiến 1.000 m2 đất để mở rộng đường Nguyễn Văn Cự, đoạn từ Tỉnh lộ 10 đến cầu Ông Phú, ước tính giá trị khoảng 2,5 tỉ đồng.

Hẻm 128 Đinh Tiên Hoàng (nay là đường Lê Văn Duyệt), Q.Bình Thạnh, TP.HCM được mở rộng từ 1,8 - 2,1 m lên 4,1 - 4,5 m

NHẬT THỊNH

Hay như tại H.Củ Chi có ông Bùi Văn Đèo, cán bộ hưu trí ở ấp Phú Hiệp (xã Phú Mỹ Hưng), cùng gia đình đã hiến 1.350 m2 đất phục vụ các công trình nông thôn mới. Ông Đèo (Tổ trưởng Tổ nhân dân số 10) nói rằng quyết định hiến đất là điều không dễ dàng gì đối với bất cứ gia đình hay cá nhân nào, bởi đó là tài sản quý giá mà ông bà để lại cho con cháu giữ gìn. Khi vận động người dân hiến đất mở rộng đường Võ Thị Bàng, Cánh Đồng Dược và tuyến kênh tiêu Thai Thai, bản thân ông gặp nhiều khó khăn do kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhiều người chưa hiểu rõ mục tiêu xây dựng nông thôn mới nên trông chờ, ỷ lại. “Thời buổi “tấc đất tấc vàng”, vận động người dân hiến hàng chục, hàng trăm mét vuông là điều không dễ”, ông Đèo nói.

Để thuyết phục người dân, ông Đèo và gia đình tiên phong trong việc hiến đất, rồi tranh thủ vận động những hộ chưa đồng thuận để mọi người cùng thấu hiểu. Từ khi tuyến kênh Thai Thai hoàn thiện, nhu cầu tưới tiêu của bà con được đáp ứng, năng suất tăng lên; còn các tuyến đường mới giúp cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa thuận tiện, người dân rất phấn khởi.

Ở khu vực trung tâm TP.HCM, Q.Phú Nhuận là một trong những địa phương đi đầu trong công tác vận động người dân hiến đất mở hẻm. Lúc trước, hẻm 162 Phan Đăng Lưu rộng trung bình khoảng 2 m, riêng đoạn cuối hẻm chỉ rộng 1 m, ngoằn ngoèo hình chữ U thông qua hẻm 440 Nguyễn Kiệm. Sau đó, Q.Phú Nhuận hoán đổi từ đất ở của 4 hộ dân trở thành đường giao thông để mở rộng lên 5 m.

Ông Trần Quang Sang, Phó chủ tịch UBND Q.Phú Nhuận, nêu 3 nguyên tắc mà quận áp dụng. Thứ nhất, các dự án mở rộng đường, hẻm phải khảo sát kỹ lưỡng, lấy ý kiến đồng thuận của đa số người dân; chỉ thực hiện khi trên 80% người dân đồng thuận. Thứ hai, người dân tự nguyện hiến đất, không yêu cầu bồi thường, nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, mặt hẻm, di dời đồng hồ điện, nước nằm trong phạm vi dự án; đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí tháo dỡ, hoàn thiện phần kiến trúc bị ảnh hưởng. Thứ ba, quận vận động các hộ dân không bị ảnh hưởng nhưng được hưởng lợi ích trực tiếp từ dự án đóng góp kinh phí để cùng tham gia với nhà nước hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng nhiều, theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Đến nay, toàn quận có 102 tuyến đường, hẻm được mở rộng, gần 3.600 hộ dân hiến gần 18.500 m2, tương đương 1.200 tỉ đồng.

Hỗ trợ chỉnh lý giấy tờ nhà

Sở TN-MT cho biết trước năm 2000, TP.HCM tồn tại nhiều con đường, hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo, không đạt quy chuẩn về giao thông, mỹ quan đô thị và phòng cháy chữa cháy. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, chủ trương vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm là một giải pháp tối ưu, nhận được nhiều đồng tình, hưởng ứng. Trong số đó, H.Bình Chánh là địa phương có diện tích người dân hiến đất nhiều nhất với gần 1,9 triệu m2 đất, phục vụ 1.115 công trình. Để đạt kết quả đó, huyện đã tích cực điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để hỗ trợ người dân, đúc kết thành phương châm “công khai - dân chủ - công bằng - khéo léo - kiên trì” với quy trình 8 bước.

Về cách làm, lãnh đạo UBND H.Bình Chánh cho biết Phòng TN-MT phối hợp 14 xã và chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai rà soát các tuyến đường, hộ gia đình, cá nhân có đất bị ảnh hưởng đã được cấp giấy chứng nhận để thống kê, điều chỉnh miễn phí cho người dân. Việc điều chỉnh được thực hiện linh hoạt theo hướng không đo vẽ từng thửa đất bị ảnh hưởng, mà thay vào đó, công chức xã thực hiện họa đồ vị trí, ước tính diện tích bị ảnh hưởng để chỉnh lý giấy chứng nhận. Khi nào người dân có nhu cầu thực hiện các giao dịch thì sẽ đo vẽ xác định chính xác diện tích còn lại. Cách làm này đã giúp tiết kiệm được hơn 10 tỉ đồng khi chỉnh lý giấy tờ cho gần 5.000 hộ dân.

Những kết quả khả quan là vậy, nhưng Thành ủy TP.HCM cũng chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế như những hộ ở đầu hẻm bị xẻ dọc, diện tích còn lại rất nhỏ, không đủ điều kiện để xây cao tầng, không đủ diện tích ở so với trước đây. Một số hộ dân có diện tích nhỏ, số nhân khẩu đông, nếu mở rộng sẽ bị giải tỏa trắng hoặc còn lại diện tích rất nhỏ. Mặt khác, các tuyến đường, hẻm do người dân hiến đất mở rộng chỉ đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn ngắn, chưa đảm bảo đúng quy hoạch. Chưa kể, thủ tục hành chính liên quan đến việc hiến tặng chưa được quy định cụ thể, nhiều người phải tốn thời gian, chi phí khi điều chỉnh biến động trên giấy tờ nhà đất

Nét đặc trưng của người Sài Gòn - TP.HCM

Nhìn lại 22 năm thực hiện, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá đây là chủ trương lớn, mang lại kết quả có ý nghĩa rất lớn.

“Nhìn vào bản chất, đây không chỉ là cải thiện đời sống dân sinh khu vực mở rộng hẻm, cải thiện nhà ở, giá nhà tăng lên, mà còn có gì đó thuộc về nét đặc trưng văn hóa của “người Sài Gòn - TP.HCM”. “Đất Sài Gòn” được ví như đất kim cương nhưng vì cộng đồng, vì cái chung, vì sự phát triển của TP, người dân sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình”, ông Mãi nhìn nhận.

Về định hướng sắp tới, ông Mãi đề nghị từng xã, phường xác định đến năm 2025 có những công trình mở rộng đường, hẻm nào rồi thông báo với bà con để bàn bạc, tham gia thực hiện. TP.HCM đặt mục tiêu khi cả nước kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (ngày 30.4.2025), không còn hẻm chật hẹp, mất an toàn; không còn khu dân cư ổ chuột, chung cư mất an toàn.

Bên cạnh đó, ông Mãi cũng đề nghị các địa phương phải quản lý tốt các tuyến hẻm hiện hữu để tránh tình trạng lấn chiếm, làm thu hẹp lòng hẻm; tập trung chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, phát triển mảng xanh. Các sở ngành, địa phương nghiên cứu vận dụng kết quả vận động người dân hiến đất mở hẻm vào quá trình giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm, như dự án vành đai 3; hỗ trợ sinh kế để người dân có cuộc sống tốt hơn sau khi giao đất làm dự án. Dịp này, Thành ủy TP.HCM tặng bằng khen cho 66 tập thể và 49 cá nhân đã có nhiều thành tích trong công tác vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm.

Không để người dân chịu thiệt

Đối với những bất cập như: những hộ đầu hẻm không được hưởng lợi nhiều từ việc mở hẻm, nhà diện tích nhỏ bị ảnh hưởng toàn bộ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sẽ tính toán cách hỗ trợ, bù đắp một phần thiệt thòi. Cách thứ nhất là tại cộng đồng, những hộ có điều kiện, được hưởng lợi nhiều từ việc mở hẻm san sẻ cho hộ chịu nhiều thiệt thòi. Còn đối với nhà đầu hẻm, ông Mãi cho rằng cần có cơ chế hỗ trợ từ chính quyền. Hiện UBND TP.HCM đã giao Sở Xây dựng phối hợp các sở ngành liên quan tham mưu cơ chế tài chính hỗ trợ các hộ này, để chủ trương hiến đất mở hẻm không chỉ làm bằng tình cảm mà còn tính đến lợi ích kinh tế của người dân.

“Coi như đây là chi phí chỉnh trang đô thị, mang lại điều kiện sống tốt đẹp hơn cho người dân”, ông Mãi cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.