Đàng Trong, thế kỷ ánh sáng và kinh tế thị trường

25/12/2022 07:30 GMT+7

Từ thế kỷ 17 đến hết thế kỷ 18, trên thế giới , bắt đầu từ nước Pháp đã diễn ra những cuộc cải cách làm lay chuyển nhiều lĩnh vực, được gọi là “Thời đại ánh sáng” (Age of Enlightenment).

Trong đời sống kinh tế, tác phẩm Luận về sự giàu có của các quốc gia của Adam Smith được coi như mở ra kỷ nguyên của kinh tế thị trường…

Xứ Đàng Trong của Việt Nam như thế nào trong giai đoạn ấy?

Tranh vẽ xưa minh họa một khu chợ ở Đàng Trong

T.L

Một nền ngoại thương “đa phương”

Đọc lại những tác phẩm cũ, của các tác giả từ C.Borri, Thích Đại Sán đến Lê Quý Đôn… cho đến gần đây của Li Tana, tôi cố gắng hệ thống lại một số tường trình và nhận xét của họ.

Năm 1621, Cristophoro Borri nhận xét: “Xứ Đàng Trong có nhiều thứ thuận lợi cho sinh hoạt của con người, vì thế mà dân xứ này không ưa và không có khuynh hướng đi đến nơi khác để buôn bán” và “Người Tàu và người Nhật là những người làm thương mại chính yếu ở xứ Đàng Trong”. Trước đó, từ thế kỷ 13, Li Tana dẫn tài liệu của Chư Phiên Chí, một du khách người Trung Hoa, cho rằng Đại Việt nói chung “Không buôn bán với người nước ngoài”!

Nhưng đến thế kỷ 17, tài liệu ở các thư khố Pháp và Nhật mà Li Tana dẫn ra trong cuốn Xứ Đàng Trong cho thấy một diện mạo khác hẳn: Số thuyền buôn tới buôn bán với Đàng Trong vào đầu thế kỷ 17 đã vượt xa so với số tới Xiêm và Cao Miên. Vương quốc của các chúa Nguyễn được đặt ở đầu danh sách các nước Đông Nam Á có quan hệ thương mại với Nhật Bản. “Chính thương nghiệp (trong đó có ngoại thương) đã làm cho vương quốc mới của Việt Nam chỉ trong vài thập niên trở nên giàu có và đủ mạnh để duy trì nền độc lập với phía bắc và mở rộng về phía nam. Không có thương mại, Đàng Trong khó có thể tồn tại nổi cho dù tài nguyên thiên nhiên dồi dào…”, Li Tana nhận xét.

Các nhà nghiên cứu lần vào lịch sử Đàng Trong cũng cho rằng năm 1600 được coi như “bước ngoặt” của nền ngoại thương Đàng Trong với việc chúa Nguyễn Hoàng đã thiết lập các mối quan hệ buôn bán với Nhật qua sự kiện tay cướp biển Hiển Quý (Kenki) đến các Châu ấn thuyền sau đó. Từ năm 1599 đến 1606, Nguyễn Hoàng đã thư từ qua lại hằng năm với lãnh đạo Nhật Bản. Riêng chúa đã gửi 9 bức thư và hai lần gửi quà tặng. Chúa Tiên còn nhận một phái viên của chính phủ Nhật là Hunamoto Yabeije làm con nuôi năm 1604, sau đó chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên còn gả con gái Ngọc Hoa cho Araki Sotaao. Các mối quan hệ mang dấu ấn cá nhân ấy đã cổ vũ cho giao thương của hai nước kéo dài và Đàng Trong đã bán được khá nhiều hàng hóa như tơ, vải thô, lụa, long não, lô hội, trần hương da cá mập, đường phổi, mật ong, tiêu, vàng và song mây… qua thương cảng Hội An.

Một nền ngoại thương “đa phương”, theo C.Borri thì Đàng Trong không những buôn bán với người Đàng Ngoài, Campuchia, Phúc Kiến mà còn có Nhật, Trung Hoa, Macao, Manila, Malacca, Hà Lan, Bồ Đào Nha. “Chúa thu được lợi nhuận lớn trong việc buôn bán này bằng thuế hàng hóa và thuế hải khẩu ngài đặt ra, và cả nước đều kiếm được rất nhiều mối lợi không thể tả hết!”, Borri nhận xét.

Kinh tế dân doanh ở Gia Định thành

Thử đọc cuốn Nhan Biều ký của Shihoken Sheishi, ghi chép của các thủy thủ Nhật bị bão trôi dạt về phía nam biển Đông hồi cuối thế kỷ 18, để tìm hiểu thêm về nhiều khía cạnh, trong đó chú ý đời sống kinh tế ở đây khi vua Gia Long trú đóng ở thành Gia Định.

Sheishi mô tả rằng từ 5 giờ sáng hằng ngày cho đến chiều tối, người ta mang ra chợ các loại hàng hóa bằng cách đội trên đầu, bưng trên tay hoặc mang trên lưng để bày bán trên các quầy hàng. Việc mua bán thật “vô cùng náo nhiệt” với nhiều loại sản phẩm như gạo (mỗi năm trồng 3 vụ). Đến năm 1794, gạo từ Nam bộ đã bán qua Amakou (Macao) với số lượng lớn và được đóng trong các bao bằng cói mà đến 2 - 3 người đàn ông khiêng vác. Bán gạo và các thứ thổ sản để nhập về rong biển từ Nhật, giấy từ Quảng Đông, sách từ Nam Kinh, Phúc Châu… Sau gạo là đến các loại muối, dầu, rượu, cá thịt phong phú, rau quả trà thuốc, và các loại màu vẽ. Đặc biệt là vải vóc, theo mô tả của tác giả, ở các chợ vùng Gia Định ngày ấy có các thứ vải phi bóng, vải hoa văn in nổi, hoa văn in đen trắng, lụa nhiễu và “còn nhiều loại vải khác rất thú vị”.

Không chỉ chợ, các tác giả còn mô tả những buổi đi xem hát và cả “phố đèn đỏ” ở Gia Định thành cách đây hơn 300 năm, trong điều kiện vẫn còn chiến tranh giữa Gia Long và quân Tây Sơn.

Ở trên, tôi đã nhắc đến “Thế kỷ ánh sáng” với những cách tân mạnh mẽ trên nhiều phương diện ở châu Âu, rồi châu Mỹ. Nó làm thay đổi đến tận gốc rễ đời sống con người. Về mặt kinh tế, học thuyết kinh tế của Adam Smith được coi là cha đẻ của kinh tế thị trường ngày nay.

Đất nước An Nam lúc ấy tuy chưa thoát ra nền giáo dục Nho giáo, vẫn còn lẩn quẩn trong chế độ quân chủ chuyên chế, nhưng với chính sách ngoại thương đa phương và rộng mở của các chúa Nguyễn kéo dài từ năm 1600 đến thế kỷ 18 đã tạo nên sự phồn thịnh mang tính “sống còn” của xứ Đàng Trong, mà Hội An là cửa ngõ đầu tiên. Rồi đời sống Nam bộ được phản ảnh qua cái nhìn của những thủy thủ Nhật Bản bị trôi dạt đến Gia Định cũng cho thấy sự năng nổ, thoáng đạt và giàu có ở phương Nam.

Bởi vậy, nếu ta nói rằng xứ Đàng Trong với lịch sử 200 năm đầu tiên đã mở ra một “thời đại ánh sáng” khác ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng thì cũng không ngoa. Thời đại ấy cũng mở ra cách làm ăn, làm giàu mới bằng kinh tế thị trường vậy!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.