Dấu ấn từ một mái trường

24/03/2015 06:33 GMT+7

Mái trường mang tên nhà yêu nước Phan Châu Trinh như gắn với tôi suốt cả cuộc đời.

Mái trường mang tên nhà yêu nước Phan Châu Trinh như gắn với tôi suốt cả cuộc đời.

Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) - Ảnh: Nguyễn Tú
Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) - Ảnh: Nguyễn Tú
“Quyết tiến bước theo chân người”
Năm 1958, tôi thi đậu vào Trường Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Cả thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ chỉ có một trường học công lập, thi vào trên 2.000 người chỉ đậu 200 người cho 4 lớp.
Những ngày học đầu tiên, chúng tôi tập hát bài Hiệu đoàn ca Phan Châu Trinh của nhạc sĩ Hoàng Bích Sơn. Từng ý tưởng trong lời ca nói lên con đường cách mạng của nhà yêu nước Phan Châu Trinh nên tôi rất thích thú và có niềm tự hào khi được học dưới mái trường này.
Đứng giữa sân trường trong giờ chào cờ buổi sáng, sau bài Quốc ca là bài Hiệu đoàn ca Phan Châu Trinh được chúng tôi hát vang trong tiếng thổn thức con tim.
Năm 1965 vào Sài Gòn để theo học bậc ĐH, tôi gặp anh Đặng Thiện và sau đó là anh Thân Đình… đều là bạn học của anh tôi lúc ở Tam Kỳ. Tôi biết các anh đang hoạt động bí mật trong phong trào chống Mỹ ở Sài Gòn. Các anh chưa bao giờ đặt vấn đề với tôi về việc hoạt động chính trị và tôi cũng không muốn thế. Lúc đó, tôi chỉ muốn học để ra trường làm việc, lãnh lương nuôi cha mẹ già còn ở quê. Anh tôi, sáu người đã đi biền biệt rồi còn gì?
Anh Đặng Thiện thường gặp tôi, rủ tôi đi nghe các cuộc thuyết pháp ở các chùa do thầy Thích Trí Quang, thầy Thích Thiện Minh, Thích Pháp Lan… trình bày. Anh cũng đưa cho tôi các tạp chí của Hội Bảo vệ văn hóa dân tộc phát hành như Tin văn, Văn học… những người viết trong đó đa số là người miền Trung.
Một hôm gặp lại thằng bạn mấy lần thi rớt tú tài 1 vào Sài Gòn tiếp tục học lớp đệ nhị để thi. Nó bảo có thầy Vũ Hạnh dạy văn ở Trường Văn Hiến, thầy giảng truyện Kiều hay lắm…
Đọc những bài trong các tạp chí mà anh Đặng Thiện và anh Thân Đình đưa cho tôi. Suy ngẫm về bài nói chuyện của anh Vũ Hạnh, tôi có cảm giác các anh đang thúc giục tôi phải làm gì đó. Và tôi đã trở thành một thành viên trong phong trào chống Mỹ ở Sài Gòn lúc nào tôi không biết.
Tôi phải vận động những người khác cùng tham gia với tôi, đặc biệt là những bạn đọc cùng lớp tại Trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng có mặt ở Sài Gòn. Tôi không cần phải nói nhiều mà chỉ hát lại đoạn cuối của bài Hiệu đoàn ca Phan Châu Trinh:
“… Là học sinh Phan Châu Trinh ta quyết tiến bước theo chân người…” thì anh em đồng ý tham gia ở mức độ khác nhau vào tổ chức chống Mỹ của Mặt trận dân tộc giải phòng miền Nam.
Quỹ học bổng Phan Châu Trinh
Đến năm 1990, tôi đứng ra vận động thành lập Quỹ học bổng Phan Châu Trinh để giúp đỡ những học sinh nghèo học giỏi như một nghĩa cử an ủi chính mình vì không làm được những việc lớn hơn.
Ban chủ nhiệm gồm những người bạn học Trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng và những người yêu mến con người và sự nghiệp của nhà yêu nước Phan Châu Trinh, người lãnh đạo phong trào Duy Tân vào đầu thế kỷ 20. Việc giúp đỡ cho một bộ phận học sinh nghèo khao khát tri thức cũng là sự thừa kế sự nghiệp của người, đồng thời biết ơn một nhân cách suốt đời đấu tranh cho sự độc lập dân tộc với khẩu hiệu: “Khai dân trí, chấn dân khí…”.
Quỹ học bổng mỗi năm cấp được hơn 150 suất, với giá trị mỗi suất từ 300.000 - 600.000 đồng, đến nay đã nâng lên từ 800.000 - 2 triệu đồng vẫn thấy còn khiêm tốn so với nhu cầu của học sinh.
Việc vận động cho quỹ học bổng càng lúc càng khó khăn, nếu cứ tiếp tục vận động thì bạn bè giảm dần. Trong những năm gần đây, việc ủng hộ quỹ học bổng chỉ là sự tự giác của những người có tấm lòng nhân ái, cảm thông sự khó khăn của ban chủ nhiệm. Có lúc chúng tôi muốn giải tán quỹ nhưng suy đi nghĩ lại, chừng ấy tiền mà mình không làm được thì những ước mơ bay bổng của tuổi trẻ ngày nào không lẽ là hoang tưởng. Quỹ học bổng đã kéo dài 25 năm nay sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.