Đầu bếp trường học không còn đau đầu 'ngày mai ăn gì'

Thúy Hằng
Thúy Hằng
13/07/2023 20:20 GMT+7

Thay vì ước lượng khối lượng thực phẩm cần phải mua trong ngày, lên thực đơn theo thói quen trong khi chưa chắc đã đảm bảo dinh dưỡng, các đầu bếp trường học tại TP.HCM có một 'trợ lý ảo' đắc lực thời gian qua.

'Trợ lý' giúp đầu bếp trường học không đau đầu 'ngày mai ăn gì' - Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học Lê Đình Chinh, Q.11 trong giờ ăn trưa

V.N.P

Đó là phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, cũng là một phần trong dự án Bữa ăn học đường do Bộ GD-ĐT, Ajinomoto, Viện dinh dưỡng Việt Nam cùng phối hợp thực hiện, bắt đầu được triển khai từ năm 2012 tới nay, hỗ trợ nhiều tiện ích cho các đầu bếp trường học.

Không còn băn khoăn "đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương"

Tới Trường tiểu học Lê Đình Chinh, P.16, Q.11, TP.HCM, chúng tôi được thầy hiệu trưởng Văn Nhật Phương dẫn tới tham quan bếp ăn trường học, đảm bảo tiêu chí bếp ăn một chiều tại đây.

Từ năm 2012 tới nay, trường áp dụng dự án Bữa ăn học đường, từ việc ứng dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho tới thực hiện 3 phút thay đổi nhận thức về thực phẩm…

Với hơn 700 học sinh ăn bán trú tại trường, tiền ăn bán trú của mỗi em là 30.000 đồng (bữa trưa và bữa xế), nhà bếp tại trường nấu trực tiếp các món ăn do đó đảm bảo nóng sốt, đầy đủ dinh dưỡng tới các em học sinh.

'Trợ lý' giúp đầu bếp trường học không đau đầu 'ngày mai ăn gì' - Ảnh 2.

Học sinh Trường tiểu học Lê Đình Chinh, Q.11 trong một hoạt động ngoại khóa, cho trẻ được ăn buffet tại trường

V.N.P

Thầy Phương cho hay từ khi thực hiện dự án Bữa ăn học đường, nhờ phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng này, các cô chú đầu bếp trường học không còn phải đau đầu suy nghĩ "ngày mai ăn gì?". Hay với số tiền chỉ 30.000 đồng cho 2 bữa trưa và xế, nhà trường biết cách làm sao cân đối đủ thực phẩm để đảm bảo dinh dưỡng cũng như số tiền không bị lúc dư, lúc thiếu. Bộ phận chuyên lo cung ứng thực phẩm cũng biết mua bao nhiêu rau củ quả, thịt cá để không thiếu, không thừa khi nấu nướng.

Mở máy tính cho chúng tôi xem, thầy Phương giới thiệu cụ thể cách sử dụng phần mềm. Tại đây là một ngân hàng thực đơn phong phú, gồm 120 thực đơn sẵn có với trên 360 món ăn không lặp lại cho bữa trưa. Các thực đơn đã được cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi, đa dạng, được phân chia theo 3 khu vực miền Bắc, Trung và Nam. Như vậy, thay vì tùy ý xây dựng thực đơn theo cảm tính, thói quen, những người phụ trách bếp ăn trường học đã có thể mang tới những bữa ăn ngon, đủ chất cho các em.

'Trợ lý' giúp đầu bếp trường học không đau đầu 'ngày mai ăn gì' - Ảnh 3.

Trước giờ ăn trưa, học sinh được cô giáo, nhân viên bán trú giúp hiểu nhiều hơn về thực phẩm

V.N.P

Đồng thời, với phần mềm này, người dùng có thể tạo thực đơn cân bằng dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm bằng các nguyên liệu và món ăn tự chọn, phù hợp với địa phương. Hay với thực đơn nhà trường đang dùng, nhân viên cấp dưỡng có thể kiểm tra nhanh tính cân bằng dinh dưỡng thực đơn mình đang áp dụng.

Quan trọng là phần mềm này có thể nhập giá nguyên liệu. Người sử dụng có thể nhập mới, thay đổi, điều chỉnh giá nguyên liệu theo thực tế để tính chi phí thực đơn, xem bữa ăn bao nhiêu tiền, tổng số nguyên liệu để đi chợ nấu cho học sinh là bao nhiêu, cần mua bao nhiêu kg, tổng bao nhiêu tiền, các em đã nạp vào bao nhiêu calo mỗi bữa ăn bán trú

Trợ lý trong bối cảnh 'vật giá leo thang'

Trong khi đó, tại Trường tiểu học Phan Đình Phùng, Q.3, TP.HCM, dự án Bữa ăn học đường  được triển khai thực hiện từ năm 2016.

'Trợ lý' giúp đầu bếp trường học không đau đầu 'ngày mai ăn gì' - Ảnh 4.

Học sinh Trường tiểu học Phan Đình Phùng, Q.3 trong giờ ăn bán trú

NHÀ TRƯỜNG CUNG CẤP

Thầy Lê Thanh Long, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đình Phùng, cho biết dự án Bữa ăn học đường đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phụ huynh, học sinh trong việc thay đổi thói quen ăn uống của học sinh. Thay vì chỉ ăn những loại thực phẩm mình yêu thích, các em đã ăn uống lành mạnh, đa dạng thực phẩm hơn, đặc biệt là ăn nhiều rau hơn.

"Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng của dự án góp phần giảm bớt gánh nặng cho cán bộ phụ trách bán trú trong công tác lên thực đơn tại trường. Phần mềm thân thiện, dễ sử dụng, giúp chúng tôi có thể tự xây dựng những thực đơn mới cân bằng dinh dưỡng, phù hợp với văn hóa ẩm thực. Đặc biệt, chúng tôi tiết kiệm được thời gian cho công tác quản lý bữa ăn bán trú, cải thiện chất lượng bữa ăn, từ đó cải thiện dinh dưỡng, thể chất và trí tuệ của học sinh", thầy Long nói.

'Trợ lý' giúp đầu bếp trường học không đau đầu 'ngày mai ăn gì' - Ảnh 5.

Dự án Bữa ăn học đường giúp trẻ em thêm hiểu và trân quý thực phẩm hơn

V.N.P

Thầy Long cho biết thêm, trong bối cảnh "vật giá leo thang", nhờ có sự hỗ trợ, phối hợp tốt và đồng hành của các đơn vị cung cấp thực phẩm, nguyên liệu trong chuỗi an toàn được kiểm định, mỗi bữa ăn trưa và xế của học sinh là 35.000 đồng/ngày.

"Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng hỗ trợ chúng tôi hiệu quả trong việc tính toán giá thành các phần ăn. Nhà trường xây dựng những thực đơn đảm bảo các yêu cầu về thực phẩm an toàn tuyệt đối và chất lượng bữa ăn. Trong đó, quan trọng nhất là đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, các món ăn đa dạng theo mùa và lượng thức ăn phù hợp với đặc điểm thể chất của học sinh mà không làm tăng thêm chi phí", thầy Lê Thanh Long chia sẻ.

Học nhiều điều từ giờ ăn trưa

Nhiều năm qua, tại các trường tiểu học của TP.HCM, trước mỗi giờ ăn trưa, học sinh sẽ được giới thiệu về thực đơn của bữa ăn trưa, các loại thực phẩm có trong mỗi món ăn, thông tin và lợi ích dinh dưỡng của thực phẩm thông qua chương trình "Ba phút thay đổi nhận thức". Đó cũng là một phần của dự án Bữa ăn học đường.

'Trợ lý' giúp đầu bếp trường học không đau đầu 'ngày mai ăn gì' - Ảnh 6.

Học sinh Trường tiểu học Phan Đình Phùng, Q.3 xếp hàng bưng khay cơm của mình

P.Đ.P

Tại Trường tiểu học Phan Đình Phùng, Q.3, nhằm tạo hứng thú cho bữa trưa, trước giờ ăn, giáo viên và nhân viên bán trú cùng giới thiệu cho học sinh về món ăn, trò chuyện về cách chế biến các món, lợi ích của việc ăn đủ chất.

Để rèn luyện tính kỷ luật, học sinh được xếp hàng theo thứ tự để bưng khay của mình. Trong khi ăn, các em được hướng dẫn ngồi ngay ngắn, ăn gọn gàng, nhai nhỏ nhẹ, không tranh giành đồ ăn… Sau khi ăn, học trò tự thu dọn sạch sẽ chỗ ăn của mình, sắp xếp bàn ghế ngay ngắn, để chén bát, khay ăn vào đúng nơi quy định, phân loại rác…

'Trợ lý' giúp đầu bếp trường học không đau đầu 'ngày mai ăn gì' - Ảnh 7.

Các em học sinh tự phục vụ trong giờ ăn trưa

V.N.P

"Không chỉ dạy học trò trong giờ ăn, chúng tôi còn lồng ghép các chủ đề giáo dục dinh dưỡng cho học sinh trong 5-10 phút vào giờ sinh hoạt cuối tuần, trong hoạt động trải nghiệm hay các môn học, sinh hoạt dưới cờ, ngoại khóa… để thu hút học sinh tham gia", thầy Lê Thanh Long trao đổi.

Những bếp ăn mẫu bán trú

Tới nay, TP.HCM có 435 trường tiểu học bán trú (có bếp ăn hoặc sử dụng dịch vụ cung cấp suất ăn công nghiệp) triển khai dự án Bữa ăn học đường. Một nội dung quan trọng khác của dự án này là thiết lập bếp ăn mẫu bán trú tại các trường tiểu học.

Tại TP.HCM, hiện có 2 bếp ăn mẫu bán trú tại Trường tiểu học Trưng Trắc, Q.11 và Trường tiểu học Phan Đình Phùng, Q.3.

Thầy Lê Thanh Long, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đình Phùng, Q.3 cho biết bếp ăn mẫu bán trú của trường khánh thành ngày 14.3.2022, được xây dựng với tổng kinh phí hơn 3 tỉ đồng. Trong đó, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM tài trợ chính với 1 tỉ 690 triệu đồng từ chương trình viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản. Hội phụ huynh học sinh Trường tiểu học Phan Đình Phùng đóng góp gần 1 tỉ 350 triệu đồng. Bếp ăn phục vụ hơn 1.600 suất ăn cho học sinh, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như hỗ trợ tốt, giảm bớt công việc nặng nhọc của các nhân viên cấp dưỡng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.