Đầu tư gì cho đội tuyển Việt Nam chu kỳ mới ?

31/03/2022 08:55 GMT+7

Những lời phát biểu gan ruột của HLV Park Hang-seo sau khi tuyển Việt Nam kết thúc hành trình tại vòng loại World Cup 2022 đặt ra cho các nhà quản trị bóng đá Việt Nam nhiều vấn đề cần phải giải quyết sớm.

Ai còn đủ khả năng trụ lại ?

Ông Park nói: “Tôi sẽ kết thúc hợp đồng với VFF cuối tháng 1.2023. Tôi thấy trong 5 năm làm việc ở Việt Nam, nguồn tài nguyên về con người của bóng đá Việt Nam là không thiếu. Nhưng quan trọng là chúng ta bồi dưỡng và đầu tư thế nào để có thể duy trì và tạo ra 1 chu kỳ thành công mới với giấc mơ đoạt vé dự World Cup 2026. Kể cả khi tôi không còn ở đây nữa, tôi cũng mong Việt Nam cần phải bắt tay vào công việc càng sớm càng tốt vì thời gian sẽ không đợi chờ bất kỳ ai”.

Thanh Bình (14), Việt Anh (5) - những nòng cốt cho tương lai bóng đá Việt Nam.

REUTERS

Trên thực tế, tuyển Việt Nam đang sở hữu hai thế hệ vàng, gồm 2 lứa cầu thủ sinh năm 1995 như Công Phượng, Tuấn Anh, Hồng Duy, Tiến Dũng..., và lứa sinh năm 1997 với Tiến Linh, Quang Hải, Tấn Tài hay sinh năm 1998 như Hoàng Đức. Thực tế, lứa cầu thủ từng dự U.20 World Cup 2017 rất có thể sẽ là bộ khung cứng cho tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2026 (dự kiến khởi tranh cuối năm 2024), khi họ dao động từ 27 - 29 tuổi. Trong khi lứa Công Phượng khi đó sẽ ở độ tuổi từ 29 - 31 tuổi. Riêng các đàn anh Ngọc Hải, Văn Lâm, Nguyên Mạnh... vào thời điểm vòng loại World Cup 2026 bắt đầu thi đấu, đều đã ngoài 30 tuổi.

Nếu nhóm cầu thủ sinh từ năm 1995 đến 1999 đạt được phong độ tốt, sẽ được người kế nhiệm của HLV Park Hang-seo chọn lựa làm nhân tố nòng cốt cho tuyển Việt Nam vào 2 năm tới. Tuy nhiên nếu chỉ phụ thuộc vào các lứa này thì chân đế của tuyển Việt Nam sẽ không có được sự vững chắc. Ngay từ bây giờ, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phải tính đến việc bổ sung cả nguồn nhân sự trẻ hơn, để tuyển Việt Nam có được lực lượng dồi dào hướng tới mục tiêu lớn trong tương lai.

Cần bổ sung “dòng máu” trẻ

Bình luận viên Ngô Quang Tùng đánh giá: “VFF chắc chắn sẽ phải đầu tư quyết liệt cho nhóm trẻ vì có thể nhiều cầu thủ của lứa 1993 - 1995, phong độ sẽ không còn được ở đỉnh cao. Thậm chí nhiều người trong số đó đã đến ngưỡng, không còn nhiều dư địa để phát triển nữa. Việt Nam phải tích cực đầu tư nhiều hơn cho lứa 1999 - 2001, bởi khi đá vòng loại World Cup 2026, lứa này đang ở độ tuổi sung sức. Để có thể đi đến World Cup bên cạnh việc vẫn cần nhiều cầu thủ kinh nghiệm nhưng tuyển Việt Nam cũng rất cần dòng máu trẻ. Họ có thể non kinh nghiệm nhưng có sức bật. Nếu VFF đầu tư tốt thì tuyển Việt Nam hoàn toàn lại có những cầu thủ trẻ mới tuổi đôi mươi nhưng đã dày dạn kinh nghiệm. Bên cạnh những gương mặt xuất sắc như Quang Hải, Văn Hậu, lứa mới sẽ tạo cho bóng đá Việt Nam một sức sống mạnh mẽ. Đầu tư cho lớp trẻ không bao giờ sai. Bản thân VFF phải đầu tư quyết liệt với các chiến lược tập huấn, đào tạo, tổ chức giải... để các cầu thủ trẻ có cơ hội cọ xát, học hỏi từ các nền bóng đá phát triển. Đây phải là chiến lược lớn và cần nhiều tiền. Chúng ta không thể chờ quá lâu mà như cách nói của ông Park, đừng để thời gian trôi đi một cách vô định, lãng phí”.

Cũng theo ông Ngô Quang Tùng: “Với mục tiêu World Cup 2026, VFF và những nhà tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp tại Việt Nam cần tạo ra quy trình và hệ thống chuẩn bị bài bản hơn, trong đó V-League và giải hạng nhất cần giữ sự liên tục với ràng buộc ưu tiên phải bảo đảm hệ số ra sân cho các cầu thủ trẻ. Sau thành công của VCK U.23 châu Á 2018, VPF từng muốn đề xuất yêu cầu bắt buộc số cầu thủ dưới 23 tuổi trong mỗi trận đấu V-League nhưng vấp phải sự phản đối của một số CLB. Thực tế 4 năm là đủ để mọi CLB chuẩn bị nhưng đến giờ ý tưởng đó vẫn chưa đi vào hiện thực. Đây là điều VFF nên chú tâm đầu tư quyết liệt vì sau tất cả mọi chiến lược thì cầu thủ trẻ được tạo điều kiện ra sân ở các giải chuyên nghiệp vẫn là nền tảng phát triển căn cơ nhất”.

Chia sẻ với Thanh Niên, một quan chức VFF bày tỏ: “Bóng đá Việt Nam có sự tiến bộ nhất định ở đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta không thể hài lòng với những gì đã có, đang có bởi thực tế, bóng đá Việt Nam vẫn còn 1 khoảng cách với nhóm đầu châu Á. Việc san lấp khoảng cách không thể một sớm một chiều nhưng VFF cũng đã đặt ra 1 kế hoạch, 1 mục tiêu nỗ lực giành vé đi World Cup 2026. Chúng ta cần phải có một nguồn tài chính dồi dào đi kèm với đó là 1 kịch bản hoàn hảo cho đội tuyển Việt Nam. Cơ hội tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ sẽ được tạo ra từ những chuyến tập huấn ở những nước có nền bóng đá phát triển. Các vấn đề về dinh dưỡng, chăm sóc y tế, trang thiết bị tập luyện sẽ được đầu tư tối đa”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.