Đầu tư xứng đáng cho khoa học - công nghệ

Quý Hiên
Quý Hiên
18/08/2023 04:13 GMT+7

Hằng năm, vào lễ kỷ niệm Ngày Khoa học - công nghệ VN (18.5), thông điệp chủ đạo trong các bài phát biểu thường là “ưu tiên chi cho khoa học - công nghệ (KH-CN) một cách tương xứng”, hoặc “lấy KH-CN và đổi mới sáng tạo làm động lực tăng trưởng chủ yếu”...

Những phát biểu trên ít nhiều đã nhen nhóm những hy vọng, đặc biệt trong các nhà khoa học trẻ, về một tương lai gần, nền khoa học VN có thể tiệm cận khu vực và thế giới. Tuy nhiên, khi quay về với thực tại công việc nghiên cứu hằng ngày, các nhà khoa học không khỏi buồn lòng khi ngân sách đầu tư cho KH-CN, đặc biệt là cho nghiên cứu khoa học cơ bản, vẫn chỉ là những con số nhỏ nhoi.

Một giáo sư ngành sinh học từng cám cảnh: "80,23 km tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có tổng mức đầu tư hơn 14.000 tỉ đồng (trong 2 năm), gần gấp đôi số tiền chi cho KH-CN của cả nước năm 2021 (7.732 tỉ đồng), và hơn gấp rưỡi năm 2022 (9.140 tỉ đồng)". Hoặc như gần đây, GS Phùng Hồ Hải (Viện Toán học VN) so sánh, ngân sách cho Quỹ NAFOSTED (quỹ lớn nhất của Nhà nước đầu tư cho nghiên cứu khoa học) cả năm 2023 không bằng khoản tiền để xây dựng 1,6 km đường cao tốc (theo định mức của Bộ Xây dựng)!

Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế thế giới (OECD) năm 2022 về tỷ lệ phần trăm kinh phí cho KH-CN (R&D) trên tổng thu nhập quốc dân của một số nước, VN thuộc vào loại thấp nhất: 0,4%. Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore và Thái Lan đạt mức cao (2,9% và 1,3%), gấp nhiều lần VN. Với những nước có tỷ lệ chi cho R&D cao của thế giới như Hàn Quốc (5%) hay Israel (5,9%), họ đều cao gấp mười mấy lần so với ta.

Giới khoa học VN (trong đó có nhiều người đang làm việc ở các nước có nền khoa học phát triển) đều thống nhất quan điểm, chi ngân sách là nguồn chi cốt lõi cho nghiên cứu khoa học ở hầu hết các nước có nền khoa học phát triển. Nhưng bấy lâu nay, ở ta có một sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa KH-CN khi nhập 2 khái niệm này làm một.

Với quan niệm KH-CN là một, nhiều người cho rằng cần phải kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư. Nếu hiểu khái niệm sản phẩm nghiên cứu khoa học đúng nghĩa thì phải biết đó là những cái không thể sinh lợi được ngay, vì thế sẽ chẳng có một thành phần kinh tế nào sẵn sàng đứng ra để đầu tư, ngoài Nhà nước. Đất nước có được một nền khoa học hay không, và nền khoa học đó phát triển đến đâu, điều đó lệ thuộc vào quan điểm và quyết tâm của Nhà nước.

Theo GS Ngô Việt Trung, nguyên Chủ tịch Hội Toán học VN: "Nếu KH-CN là quốc sách hàng đầu thì nó phải là con đường cao tốc nhanh nhất trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội". Và "con đường cao tốc" đó phải là do Nhà nước đầu tư xây dựng. Đầu tư như hiện nay không thể hy vọng KH-CN đóng vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội".

Cách đây 4 năm, một lãnh đạo Chính phủ từng nói tại một sự kiện lớn của ngành KH-CN rằng: Không thể để tình trạng coi KH-CN là quốc sách hàng đầu nhưng đầu tư ngân sách ngày càng giảm, tỷ lệ đầu tư trên GDP giảm dần từ 1,8% xuống 1,4%, chỉ bằng 1/3, 1/4 các nước khác. Nếu không đột phá thực sự về KH-CN trong thời gian tới, chắc chắn đất nước không thể vượt lên được, thậm chí đuổi kịp các nước trong khu vực cũng vô cùng khó khăn.

Ý kiến này cho đến nay vẫn giữ nguyên tính thời sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.