Dạy và dỗ nhìn từ hai phía

20/10/2015 07:14 GMT+7

Chuyện cô giáo mắng học sinh “ngu như bò” và hàng loạt trường hợp giáo viên cư xử thiếu tôn trọng học sinh (HS) trong thời gian gần đây khiến dư luận bất bình đã đặt ra một cách nhìn khác về vấn đề giáo dục trong nhà trường.

Chuyện cô giáo mắng học sinh “ngu như bò” và hàng loạt trường hợp giáo viên cư xử thiếu tôn trọng học sinh (HS) trong thời gian gần đây khiến dư luận bất bình đã đặt ra một cách nhìn khác về vấn đề giáo dục trong nhà trường.

Hẳn những giáo viên la mắng, phạt HS bằng nhiều cách khác nhau như trét son, dọa cắt tóc, phơi nắng, thụt dầu... và kể cả các phụ huynh có con em bị xử phạt đều đã trải qua thời HS hoặc chứng kiến hoặc là người trong cuộc bị các hình thức phạt này, thậm chí còn khủng khiếp hơn. Vậy sao thời điểm đó những chuyện như thế này không trở nên ầm ĩ? Bởi lúc bấy giờ quan điểm giáo dục “thương cho roi cho vọt” là không tranh cãi và người lớn được phép cư xử với người nhỏ theo kiểu ra lệnh, áp đặt toàn diện. Giáo dục trong một cái nền như thế, hẳn nhiều giáo viên cho rằng sẽ là hết sức bình thường khi la mắng hay đưa ra các hình thức xử phạt HS.
Sự phát triển của xã hội khiến người ta có cái nhìn khác về giáo dục. Không còn giáo dục trẻ em theo kiểu áp đặt; HS được bày tỏ, thể hiện quan điểm của mình. Nền dân chủ trong trường học dần dần hình thành. Ở đấy không khuyến khích kiểu giáo dục một chiều. Vì thế người ta dễ dàng trở nên dị ứng với những kiểu giáo dục một thời từng được xem như “truyền thống”. Nhưng ngặt một nỗi dường như không phải giáo viên nào cũng theo kịp sự đổi mới này. Còn HS và phụ huynh trong tiến trình tiếp thu cái mới nhiều khi chưa đạt đến sự chuẩn mực trong ứng xử, hành vi. Vì vậy mà vấn đề càng trở nên trầm trọng.
Phụ huynh sẵn sàng la mắng con mình trong một lúc nóng giận nào đó, dễ dàng áp đặt con theo ý mình nhưng họ lại mạnh mẽ phê phán, lên án những hành vi này của giáo viên lên con mình trong hoàn cảnh thiếu kiềm chế. Theo hiệu trưởng một trường sư phạm, chương trình đào tạo ngành sư phạm hiện nay có nhiều phần hướng dẫn kỹ năng ứng xử với HS qua những tình huống cụ thể. Tuy nhiên, dường như điều này vẫn chưa ngấm và trở thành tự giác đối với giáo viên, đặc biệt là người trẻ. Vì vậy đôi khi họ lẫn lộn giữa ứng xử của một nhà giáo dục với một người lớn bình thường. Và khi hai điều này không gặp nhau, kết hợp trong điều kiện phương tiện thông tin phát triển như hiện nay thì những vụ việc liên quan đến cư xử giữa thầy - trò như thời gian qua sẽ càng khuếch đại, gây bức xúc trong dư luận.
Ngoài việc lên tiếng để cảnh báo các cơ sở giáo dục chú ý đến nghiệp vụ của giáo viên, luồng dư luận phê phán nếu đi quá đà sẽ tạo phản ứng ngược.
Trước thực tế đang diễn ra, có không ít nhà giáo ngậm ngùi cho rằng để không bị áp lực trước dư luận thay vì tận tâm dạy dỗ có nguy cơ dẫn đến sai lầm khiến mọi người phê phán, họ sẽ chọn thái độ thỏa hiệp, buông lơi. Điều này nếu trở thành phổ biến sẽ còn gây ra nhiều nguy hại.
Qua những sự việc này, bài học rút ra không chỉ cho giáo viên mà cả với phụ huynh vì chính hành vi của cha mẹ sẽ gây cho HS ấn tượng, cách cư xử, hành vi đối với chính giáo viên của mình. Một khi HS đã thiếu tôn trọng thì giáo viên khó lòng có thể dạy dỗ họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.